Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong 2 quý còn lại khi thanh khoản hệ thống không còn trạng thái dư thừa nhiều.

Lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục, thời gian tới sẽ ra sao?

20/07/2020, 21:55

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong 2 quý còn lại khi thanh khoản hệ thống không còn trạng thái dư thừa nhiều.

Lãi suất liên ngân hàng đang thấp kỷ lục - Ảnh: Internet

Số liệu thống kê về thị trường tài chính tiền tệ tuần qua cho thấy lãi suất liên ngân hàng trong kỳ tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức qua đêm là 0,19%; 1 tuần là 0,21%; 2 tuần là 0,3%; 1 tháng là 0,56%. Lãi suất giao dịch bình quân bằng đồng USD liên ngân hàng cũng biến động nhẹ trong tuần qua ở tất cả các kỳ hạn, như mức qua đêm là 0,16%; 1 tuần là 0,24%; 2 tuần là 0,34% và 1 tháng là 0,55%.

Đánh giá về diễn biến thị trường, chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhìn nhận việc 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và thanh khoản có phần dư thừa giúp lãi suất liên ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn và xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, về mức 0% cho kỳ hạn qua đêm và mức dưới 0,5% cho các kỳ hạn dưới 1 tháng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên thị trường vẫn tương đối tốt so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở kỳ hạn qua đêm.

Đáng chú ý, chuyên gia KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, KBSV kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong 2 quý còn lại khi thanh khoản hệ thống không còn trạng thái dư thừa nhiều như giai đoạn 2 quý đầu năm.

Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 khi hoạt động sản xuất đang dần phục hồi sau dịch, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh khiến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống các ngân hàng thương mại sẽ giảm xuống.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định việc thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa một phần cũng bởi gần 150.000 tỉ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5, tương đương với việc cơ quan này bơm vào hệ thống gần 150.000 tỉ đồng.

Trong quý 1/2020, hoạt động bán tín phiếu kỳ hạn dài (91 ngày) liên tục được Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhằm hút bớt tiền thừa trên hệ thống, chủ yếu đến từ việc mua một lượng lớn ngoại tệ (hơn 3 tỉ USD vào tháng 1). Sang quý 2, Ngân hàng Nhà nước duy trì trạng thái không can thiệp hay bơm, hút ròng không đáng kể trên thị trường mở. Ghi nhận chủ yếu trong quý 2 tập trung vào gần 150.000 tỉ đồng lượng tín phiếu phát hành vào quý 1 đáo hạn.

Bên cạnh việc thanh khoản dồi dào, nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận việc huy động vốn tăng nhanh hơn tín dụng khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29.6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,26%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 7,36% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu về tăng trưởng huy động tại thời điểm này, song số liệu của Tổng cục Thống kê có thể cho thấy huy động vốn tăng tốt hơn nhiều. Cụ thể đến ngày 19.6, tín dụng mới tăng 2,45% nhưng huy động vốn tăng 4,35%.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
23 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất liên ngân hàng thấp kỷ lục, thời gian tới sẽ ra sao?