Tại phiên họp thứ 46 diễn ra ngày 14.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Áp dụng mức 2.100 đồng/lít
Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một Nghị quyết là sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2, mục 1 của Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1.8.2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1.1.2021. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghị quyết này.
Với tỷ lệ 100% ủy viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31.12.2020.
Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường tại Luật thuế bảo vệ môi trường, ngày 26.9.2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019), trong đó quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).
Tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2019 khoảng 260.728 tỉ đồng, bình quân khoảng 32.591 tỉ đồng/năm. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là gần 2.940 tỉ đồng/năm.
Năm 2020, Vietnam Airlines có thể lỗ 16.000 tỉ đồng
Từ tháng 12.2019, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Một trong những ngành vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải hàng không.
Theo đánh giá thì thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động.
Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn 49.000 tỉ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỉ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6.2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).
Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch.
Do tác động của dịch, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật thuế bảo vệ môi trường thì việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.
Để kịp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như sau:
Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.12.2020: mức thuế là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26.9.2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường).
Từ ngày 1.1.2021 trở đi: mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26.9.2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31.12.2020.
Lam Thanh