Nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng khiến nhiều người lao động đang ở trong tình trạng khốn đốn, "có sẵn tiền mà không được lấy". Còn doanh nghiệp thì đau đầu bởi mất nhiều bước, thủ tục, quy trình.

Làm sao để gói 62.000 tỉ đồng nhanh đến tay người lao động?

tuyetnhung | 02/10/2020, 13:27

Nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng khiến nhiều người lao động đang ở trong tình trạng khốn đốn, "có sẵn tiền mà không được lấy". Còn doanh nghiệp thì đau đầu bởi mất nhiều bước, thủ tục, quy trình.

Hạ tiêu chí, mở rộng gói 62.000 tỉ đồng

Bộ LĐ-TB&XH vừa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung về việc mở rộng đối tượng thụ hưởng gói 62.000 tỉ đồng. Cụ thể là mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1.2.2020 và không quá 3 tháng (trước đó tính bắt đầu từ ngày 1.4.2020). Về điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động".

Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ: "Trong khoảng tính từ tháng 4 đến tháng 12.2020" (trước đó từ tháng 4 đến tháng 6.2020) để tiếp tục hỗ trợ người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.

Cơ quan này cũng yêu cầu sửa điều kiện khó khăn về tài chính, đó là: “Người sử dụng lao động có doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019”. Việc sửa này nhằm cụ thể hóa tiêu chí xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về điều kiện được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm 50% lao động tham gian bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch, xuống còn 20%. Với phương án này, dự kiến có khoảng 70% doanh nghiệp đủ điều kiện. Và giả định có khoảng từ 30% đến 50% số doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng khoảng 120.000 doanh nghiệp đến 200.000 doanh nghiệp với khoảng từ 3,2 triệu đến 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng, với số tiền giảm 1 tháng khoảng từ 3.969 đến 6.618 tỉ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân. Cụ thể, hồ sơ vay vốn theo biểu mẫu ban hành. Người sử dụng lao động tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định.

Tháo gỡ vướng mắc, giải ngân nhanh

Trao đổi với Một Thế Giới về gói hỗ trợ an sinh - xã hội 62.000 tỉ đồng, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng trên thực tế gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng có giá trị khoảng 45.800 tỉ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62.000 tỉ đồng. Bởi vì chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% - khoảng 390 tỉ đồng. Đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay. Tính đến ngày 13.7.2020 đã thực hiện giải ngân khoảng 11.600 tỉ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 9.400 hộ kinh doanh.

"Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm. Còn gói 16.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được là do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, trong khi quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại nên nhiều trường hợp doanh nghiệp đã phải tự xoay sở", TS Cấn Văn Lực cho hay.

Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất cần sớm sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, nhất là gói cho vay hỗ trợ trả lương, cần nới điều kiện và thời hạn cho vay nên dài hơn, từ 6-12 tháng. Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ sang cả lao động phi chính thức. Song song với việc tháo gỡ vướng mắc, cũng cần đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung giai đoạn 2 với giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng (tương đương 2,5% GDP) từ quý 4/2020 đến hết năm 2021. Trong đó, gói an sinh xã hội sẽ cần khoảng 90.000 tỉ đồng, bao gồm: Mở rộng đối tượng hỗ trợ, trong đó bổ sung đối tượng lao động phi chính thức với mức hỗ trợ dự kiến là 900.000 đồng/người/tháng, trong 3 tháng (quý 4/2020) với quy mô dự kiến là 86.000 tỉ đồng.

Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất/thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư/chuỗi sản xuất.... Quy mô chương trình dự kiến 3.400 tỉ đồng/năm, trong đó 50% từ ngân sách trung ương và từ ngân sách địa phương, 50% từ đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ lao động được đào tạo này.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao để gói 62.000 tỉ đồng nhanh đến tay người lao động?