Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức sáng 28.7 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết các bất cập để phát triển vận tải hành khách công cộng.

Làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách?

Tú Viên | 29/07/2022, 13:59

Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức sáng 28.7 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết các bất cập để phát triển vận tải hành khách công cộng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà doanh nghiệp đã tranh luận sôi nổi quanh nội dung "làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách?".

Chia sẻ tại hội thảo, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho rằng trợ giá xe buýt của TP.HCM hơn 1.000 tỉ đồng/năm hiện không nhiều. Vấn đề là giao thông công cộng đang như “đứa con được nuôi mà không chịu lớn”, bế tắc ở chỗ đó. Trợ giá có thể lên đến 5.000 tỉ nhưng nếu lượng hành khách tăng thì có lẽ không tiếc tiền trợ giá.

nam.jpg
TS Lương Hoài Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: P.V

Xe buýt của TP.HCM đang vô cùng bế tắc, không giải được bài toán này thì xe buýt sẽ biến mất khỏi TP. Không chạy được, không có khách thì trợ giá hay không trợ giá cũng không có ý nghĩa. Xe buýt không có tương lai thì giao thông công cộng không đứng vững được, theo TS Nam.

Đại diện HTX vận tải số 15 TP.HCM khẳng định đến thời điểm này xe buýt không trợ giá không thể tiếp tục hoạt động được. Lý do là phương tiện giao thông dày đặc, buýt chậm, hành khách vắng.

“Tại TP.HCM, chúng tôi đã đầu tư xe, tin tưởng việc trợ giá nên yên tâm làm. Tới đây, đưa xe buýt vào đấu thầu mà chính quyền không giải quyết được vấn đề, không hạn chế được xe cá nhân, hạn chế ùn tắc thì xe buýt sớm muộn cũng sẽ chết, chỉ 2 - 3 năm sau sẽ phải ngưng.

Tôi tâm đắc ý kiến anh Nam làm sao phải có đường dành riêng cho xe buýt, hạn chế xe cá nhân thì các doanh nghiệp, HTX làm xe buýt mới hoàn thành được mục tiêu. Chứ nếu cứ giao cho làm, chỉ sau 2 năm lại khó khăn, vướng mắc không thể tháo gỡ.

Nếu không giải quyết được tình trạng này, doanh nghiệp nào đưa vào đấu thầu, không trợ giá cũng rơi vào tình trạng tương tự”, ông nói.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Bảo Yến cũng cho rằng nếu xe buýt không có trợ giá, không doanh nghiệp nào sống nổi.

Theo ông Tuấn, "vấn đề trợ giá hay không trợ giá, trước hết phải nhìn lại 2 mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ở cả TP.HCM và Hà Nội hiện có tốt không. Có thể thấy phương tiện tốt, con người tốt, mạng lưới phủ sóng gần hết nhưng thực tế cơ sở hạ tầng chưa thu hút người dân đi lại.

Các nước trên thế giới đều có làn dành riêng cho xe buýt nên phương tiện này đi rất nhanh, việc đi lại cực kỳ thuận lợi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, làn đường riêng rất ít.

Trong khi đó, mỗi nhà ở Việt Nam có 3 - 5 xe máy và ô tô cá nhân. Như thế, chỉ vài năm nữa thì thậm chí không có đường mà đi nếu không nghĩ đến một giải pháp cho VTHKCC.

Trên thế giới và gần hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản đều ưu tiên phát triển VTHKCC bằng xe buýt. Tôi khẳng định, nếu xe buýt không có trợ giá thì không doanh nghiệp nào sống nổi".

Giải quyết bằng cách nào khi không có trợ giá?

Bảo Yến là doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội đưa các tuyến CNG vào hoạt động, tiên phong lắp 2 trạm CNG tốn gần 2 triệu USD, đưa buýt xanh - sạch vào hoạt động.

Theo đại diện Công ty Bảo Yến, các doanh nghiệp vận tải cũng cần có trách nhiệm với xã hội, cần có chính sách tạo điều kiện hơn nữa để đầu tư cơ sở hạ tầng, bãi đất, trạm nạp… Cũng có thể như trạm nạp của chúng tôi với công suất đáp ứng khoảng 200 phương tiện. Nếu xung quanh thành phố có những trạm nạp như vậy thì rất thuận tiện. Trong tương lai, việc dùng nhiên liệu sạch, trạm điện, CNG ngày càng phổ biến.

Cần hỗ trợ về cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn vì doanh nghiệp đầu tư thì cũng phải đi vay ngân hàng nhưng chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư phương tiện xanh sạch thì càng phải nhiều tiền, càng cần nhiều ưu đãi.

Đồng thời, phải xác định được những mục tiêu về đơn giá. Hiện việc xây dựng những bộ đơn giá cũng rất lâu và mất nhiều thời gian. Hà Nội cũng đang trình bộ đơn giá mới nhưng chưa được xét duyệt.

Doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong điều kiện hiện nay, 2 năm đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn. Doanh nghiệp nào không đủ lực thì cũng phải theo Bắc Hà thôi.

Để phát triển VTHKCC theo định hướng mới, các chuyên gia, nhà quản lý cần nghiên cứu thêm và Chính phủ cần xem xét thêm.

hung.jpg
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu

Về hiệu quả trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đưa ra ví dụ, nếu như tất cả chúng ta là người dân, giữa một bên không trợ giá, nhà nước không mất tiền, giá vé là 20 - 30 nghìn đồng; còn một bên có trợ giá, nhà nước mất tiền, giá vé 5 - 7 nghìn đồng. Vậy, người dân chọn ai? Chắc chắn sẽ chọn bên 5 - 7 nghìn.

Tôi thừa nhận, xe buýt TP.HCM còn hạn chế, đôi khi quên đi chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở một số hợp tác xã, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe không được tốt một phần là do lịch sử để lại.

Dù trợ giá hay không, chúng ta phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào tiền và sản lượng thì chưa đủ. Đây là bài toán tổng thể từ mạng lưới, tốc độ lan tỏa và mức độ hài lòng của người dân.

TP.HCM có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân kèm 27 đề án nhỏ trong đề án tổng thể. Đề án chưa được thông qua, có rất nhiều nội dung công việc cần được tiếp tục nghiên cứu.

Sở GTVT đang tính toán đầu tư xe buýt nhỏ từ 7 - 12 chỗ phục vụ nhu cầu hành khách trong các tuyến đường nhỏ, hẻm. Về làn đường riêng cho xe buýt, Sở cũng tiếp thu ý kiến nghiên cứu làn riêng cho xe buýt đoạn từ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT: Ngay từ đầu, nhìn thấy bảng so sánh về tiền trợ giá và lượng hành khách, tôi cũng hoang mang. Tiền trợ giá cao, lượng trợ giá thấp. VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá. Giải pháp là sao cho trợ giá hiệu quả nhất. Nhưng quá trình phát triển phải có khởi đầu, có thời gian hoàn thiện.

Chúng ta phải đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì chạy nhiều, sang năm ít tiền thì chạy ít đi. Sở GTVT TP.HCM cần có kế hoạch lâu dài. Đây là vấn đề tất yếu cần đầu tư, quan tâm.

Trong quá trình xây dựng tuyến, đưa ra hồ sơ thầu, cơ quan quản lý cần có đánh giá, có khảo sát, sao cho khi ta đưa ra kế hoạch thầu sát thực nhất, khi đó trợ giá sẽ phù hợp nhất.

Các doanh nghiệp cũng tranh luận, nếu không trợ giá thì thế nào, nếu trợ giá thì thế nào? Đây là loại hình vận tải công cộng, ngoài hiệu quả kinh doanh thì vấn đề đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội mới quan trọng nhất. Tuyến nào trợ giá hay không thì phải tính toán cụ thể, phù hợp.

Chính sách trợ giá đặt ra với xe buýt thông qua đấu thầu. Phương Trang đang có tuyến buýt không trợ giá (đang là tuyến kế cận, cự ly dài), rất mong Phương Trang tham gia vào các tuyến buýt nội đô. Mong hành động và lời nói đi vào thực tế. Chúng ta hãy chứng minh bằng công việc.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang khẳng định sẵn sàng nhận lại các tuyến xe buýt tại TP.HCM nếu các doanh nghiệp khác bỏ cuộc.

anh.jpg
Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Tập đoàn Phương Trang phát biểu

Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Phương Trang cho biết TP.HCM còn hơn 30 tuyến buýt không trợ giá đang tạm ngưng. Tuy nhiên, Phương Trang có đủ xe, đủ tiềm lực, nhân lực để tham gia vào lĩnh vực xe buýt này.

Một số doanh nghiệp, HTX xe buýt đang rất khó khăn trong vận hành. Chúng tôi biết điều đó. Nhưng chúng tôi cũng biết, bản thân phải luôn giữ được chất lượng dịch vụ, đừng để lúc đầu làm tốt, rồi sau đó bị mai một đi. Chúng tôi vẫn giữ phương châm “Chất lượng là danh dự”.

Với tiềm lực sẵn có, Phương Trang tự tin sẵn sàng tham gia bất kỳ tuyến buýt nào. Chúng tôi đã đấu thầu thành công tuyến Tân Phú - Tiền Giang dài 72km dự kiến khai thác đầu tháng 8 này là một minh chứng.

Phương Trang ủng hộ chính sách phát triển xe buýt, có trợ giá cũng như không trợ giá. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng nhận cả các tuyến không trợ giá để bớt đi gánh nặng cho ngân sách.

Tổng giám đốc Phương Trang khẳng định trợ giá hay không trợ giá hoặc thay đổi phương thức quản lý của nhà nước là do chính sách quy định, Phương Trang tuân thủ. Đối với thị trường xe buýt tại TP.HCM, nếu có HTX hay doanh nghiệp nào từ chối do khó khăn thì Phương Trang giơ hai tay đón nhận.

Trao đổi bên lề hội thảo với PV Một Thế Giới, ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Phương Trang khẳng định: "Chúng tôi tự tin về chất lượng xe buýt, dù trợ giá hay không trợ giá, thay đổi phương thức là do nhà nước quản lý. Phương Trang luôn luôn tuân thủ với phương châm lấy chất lượng làm đầu. Tôi tin rằng người dân TP.HCM sẽ yêu thích sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển. Với kinh nghiệm lâu năm làm về vận tải, chúng tôi tin rằng lượng hành khách sẽ sử dụng vì chất lượng xe buýt sẽ đồng bộ với dịch vụ. Khi người dân đi lại đông thì doanh nghiệp sẽ không lỗ dù bù giá hay không bù giá".

Theo ông Ánh, Phương Trang rất tự hào và tự tin với chuyên môn, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh và VTHKCC ở các tỉnh, thành cả nước. Vấn đề là Phương Trang phải luôn làm sao cho chất lượng dịch vụ xe buýt VTHKCC ngày càng tốt hơn và tốt nhất. Còn việc trợ giá hay không trợ giá hoặc thay đổi phương thức mô hình là do nhà nước quy định và quản lý. Phương Trang luôn có trách nhiệm tuân thủ cao nhất.
Với phương châm luôn luôn lấy chất lượng xe tốt, xe sạch, hệ thống cao cấp quản lý bằng CNTT, chất lượng dịch vụ của lái xe, nhân viên phục vụ hành khách luôn dẫn đầu, thì ông tin chắc rằng trong thời gian tương lai gần nhất người dân TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành khác có Phương Trang đầu tư VTHKCC sẽ dần dần quay trở lại rất ưa chuộng, yêu thích cũng như sẽ sử dụng xe buýt công cộng làm phương tiện di chuyển ưu tiên hàng đầu...
Với kinh nghiệm đã làm thành công dịch vụ VTHKCC ở nhiều tỉnh, thành phố vừa qua, thì lượng hành khách sử dụng xe buýt công cộng càng ngày càng đông đảo do chất lượng được đồng bộ, phục vụ bài bản. Khi mà lượng khách và người dân sử dụng đi lại đông, ưu tiên hàng đầu của họ khi đi lại là phương tiện xe buýt thì doanh nghiệp không thể lỗ và nhà nước ít bù giá hoặc thậm chí không cần trợ giá, nhất là những tuyến ngắn trong nội đô.
“Tôi xin nhắc lại và khẳng định, chỉ có giải pháp duy nhất là chất lượng xe buýt phải thật tốt, chất lượng dịch vụ phục vụ khách phải thật tốt, mở luồng tuyến nội ô cự ly ngắn với xe B.20 - B40 (là tối đa) nhiều hơn, đáp ứng đúng nhu cầu đi lại, xe luôn xuất phát và hành trình đúng giờ, thời gian giãn cách tối đa 10-15 phút. Xe buýt hoạt động từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm, luôn tuyệt đối ân cần tôn trọng hành khách thì vấn nạn đau đầu lâu nay là ''dân chúng tẩy chay xe buýt công cộng'' sẽ bị triệt tiêu. Vấn đề trợ giá sẽ cũng sẽ sớm tự triệt tiêu”, ông Ánh nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách?