Ngày 10.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, nhiều kiến nghị của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang đã được Đoàn công tác gửi đến Chính phủ, các bộ, Ngành liên quan, trong đó, nhiều nội dung về khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội đã được xử lý giải quyết kịp thời.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã thông tin đến Đoàn công tác một số điểm nổi bật về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn những tháng đầu năm 2024; kiến nghị các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị.
Trong đó, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, trên địa bàn tỉnh có 4/11 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của 4 đô thị gồm thành phố Biên Hòa, đô thị Trảng Bom, đô thị Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch.
Đối với phân khu C4 thành phố Biên Hòa, địa phương này đã cơ bản xây dựng xong phương án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, hồ sơ hiện đang xin ý kiến Bộ Xây dựng và Hội đồng thẩm định của tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành lập quy hoạch phân khu đô thị tại ba địa phương. Thành phố Biên Hòa đã hoàn thành phê duyệt cho 10/21 phân khu, Nhơn Trạch đã phê duyệt được 2/12 phân khu, thành phố Long Khánh đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 10 phân khu và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đây là những bước quan trọng nhằm cải thiện hạ tầng đô thị và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống trong các khu vực đô thị của tỉnh.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, địa phương cũng đang gặp phải một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng. Ông Minh nhấn mạnh về việc xử lý quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các doanh nghiệp khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có vốn nhà nước), sau đó thoái toàn bộ vốn nhà nước (chỉ còn vốn tư nhân) mà chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng thời đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn để thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiến nghị Bộ Xây dựng về việc thiết lập suất đầu tư cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp và nhà máy chế biến nông sản để tạo cơ sở thu hút đầu tư. Ông Trọng cũng đề xuất xem xét việc ban hành bổ sung một số định mức trong quá trình thi công các công trình giao thông, nhằm đảm bảo tính đồng nhất với các địa phương khác và không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, ông cũng đề xuất ban hành bổ sung định mức chi phí giám sát cho các hoạt động công ích đô thị, bao gồm duy trì cây xanh, quét rác, trồng cây, sản xuất nước sạch và quản lý mạng cấp nước.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đánh giá tích cực về sự phát triển kinh tế, xã hội trong 4 tháng đầu năm dựa trên báo cáo của các địa phương. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phát triển này đối với cả nước và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết những vướng mắc và kiến nghị một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch tỉnh và tháo gỡ khó khăn trong thị trường bất động sản để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc “gửi gắm” các kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, bộ, ngành nhằm sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng đề nghị thành viên đoàn ở các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, trả lời thật nhanh những vấn đề mà địa phương kiến nghị, cần trả lời trọng tâm, tránh để các địa phương hỏi lại, mất nhiều thời gian; khẩn trương trả lời các kiến nghị còn tồn chưa trả lời ở những hội nghị trước.