Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen nhận định thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính “nhị nguyên”.

Lao động Việt Nam và góc nhìn từ các tổ chức quốc tế

Lam Thanh | 21/08/2022, 09:28

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen nhận định thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính “nhị nguyên”.

“Lao động Việt Nam kỹ năng chưa cao”

Việt Nam đang trở thành một quốc gia có triển vọng phát triển rất cao trong khu vực và việc Việt Nam có thể thực hiện được điều đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của người lao động. Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho năng suất lao động của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, hai thách thức nổi lên là: thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa…

qt.jpg
Đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị về lao động ngày 20.8

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học.

Về kỹ năng, hiện tại Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, chỉ rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc giáo dục cao học.

Hơn nữa, chỉ 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng 8 năm. Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác.

Bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho rằng cơ chế BHXH vẫn còn một số hạn chế vì những người làm việc trong các doanh nghiệp không chính thức chiếm đến 80% lại không tham gia tình nguyện vào cơ chế BHXH.

Điều này do một số yếu tố có thể là thiếu hợp đồng lao động chính thức hoặc không đăng ký chính thức trong hệ thống BHXH. Mặt khác, lao động trong các hộ kinh doanh nhỏ, trong lĩnh vực nông nghiệp không bị bắt buộc đăng ký vào cơ chế BHXH.

“Chúng ta còn thiếu biện pháp để bảo vệ hiệu quả cho các nhóm bị tổn thương ngoài các biện pháp đã có như bảo hiểm thất nghiệp hay những trung tâm dịch vụ cộng đồng. Biện pháp hiện có chưa có chức năng trung gian giúp người lao động tìm việc mới, tìm việc thay thế trong bối cảnh khủng hoảng. Những cơ chế tiếp cận các dịch vụ khi bị thất nghiệp cũng chưa phát huy được hiệu quả”, bà Caitlin Wiesen nêu.

qt-3.jpg
Bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

UNDP khuyến nghị cần có những chính sách tạo việc làm mới cũng như chuyển dịch lao động nhằm bảo vệ các nhóm bị tổn thương như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Tạo thêm cơ hội cho lao động nữ, đặc biệt trong khu vực công vì phụ nữ hiện nay vẫn đang làm ở lĩnh vực có thu nhập thấp.

Ngoài ra, cần xây dựng thêm các trung tâm đào tạo nghề để đáp ứng những nhu cầu mới trong lĩnh vực công nghiệp; thu hẹp khoảng cách về giới, hỗ trợ thêm những chương trình bảo hiểm; có gói hỗ trợ cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số; hỗ trợ cho những hộ gia đình dễ bị tổn thương…

Thị trường lao động Việt Nam thể hiện rõ tính nhị nguyên

Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), TS Juergen Hartwig khuyến nghị cần cải thiện quy định về việc làm để cho phép Chính phủ thiết kế, thực hiện, đánh giá các chính sách và chiến lược mới, hướng tới người lao động, người tuyển dụng lao động và người thất nghiệp; xây dựng kỹ năng cơ bản và kỹ năng số cho những nhà hoạch định chính sách để phân tích hiện trạng và theo đó có những chính sách phù hợp.

Đồng thời, cải thiện và số hóa thị trường việc làm để có những chính sách về thị trường lao động và kỹ năng hiệu quả; hiện đại hóa và cải thiện các dịch vụ việc làm công; nâng cao chất lượng của lực lượng lao động thông qua cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, gồm cả đào tạo ban đầu và suốt đời.

qt-2.jpg
Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), TS Juergen Hartwig khuyến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư vào các trường đại học chất lượng cao

Tổ chức này cũng khuyến nghị cần đầu tư vào các trường đại học chất lượng cao phù hợp chuẩn mực quốc tế phục vụ yêu cầu của công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua các hội đồng kỹ năng tại các cấp khác nhau và có cách tiếp cận toàn quốc về huấn luyện toàn diện; cung cấp học bổng và giảm học phí cho các nhóm dễ bị tổn thương…

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen nhận định, thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính nhị nguyên. Bên cạnh nhóm lao động trình độ kỹ năng cao có việc làm chính thức, còn có một bộ phận khác gồm những người lao động có kỹ năng thấp làm các công việc phi chính thức năng suất thấp.

Lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Tỷ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào.

“Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam”, giám đốc ILO nói.

qt-4.jpg
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen

ILO cũng khuyến nghị, Luật Việc làm cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.

“Ngài Thủ tướng cũng đã từng nói "chúng ta chắc chắn không chấp nhận mô hình "phát triển trước và dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức phát triển bằng mọi giá mà không bền vững". Các hành động này bao gồm các quy định, sự khuyến khích, các chiến lược đầu tư công, cũng như việc kích hoạt các chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội. Sự chuyển dịch phải được quản lý theo hướng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động, thông qua tham vấn ba bên và xây dựng sự đồng thuận”, đại diện ILO nói.

Thêm vào đó, ILO cho rằng Luật Việc làm cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam. Định hướng này phải bao trùm cả vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng và cũng cần phải liên kết với thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.

Bài liên quan
EVNHCMC nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số
Chiều 14.11, tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2, ông Luân Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã trình bày tham luận “Phát triển lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện và năng suất lao động tại EVNHCMC”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động Việt Nam và góc nhìn từ các tổ chức quốc tế