Mách bạn cách phát hiện và tránh xa các website có chèn mã like Facebook bất hợp lệ.
Nhộn nhịp mua bán, trao đổi like…
Lượt like là chỉ số mà phần đông mọi người nhìn vào để đánh giá sự phổ biến của một Fanpage trên Facebook. Cách thức để xây dựng lượng fan đông đảo cho một Fanpage không hề đơn giản, yêu cầu chủ nhân trang phải mất nhiều thời gian quảng bá nội dung trang. Đặc biệt, với những Fanpage của các cửa hàng, công ty thì số lượt like càng cao càng làm tăng thêm độ tin cậy của khách hàng đối với họ.
Tuy vậy, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để kiếm like theo con đường trung thực. Nhiều dịch vụ bán like được mở ra với mục đích cung cấp cho một Fanpage bất kỳ số lượng like cực lớn chỉ trong một thời gian ngắn.
Chỉ cần tìm từ khoá “bán like”, Google sẽ trả về nhiều dịch vụ bán like Facebook. |
Những “nhà cung cấp like” tìm kiếm like theo nhiều cách khác nhau, từ tập hợp một nhóm người để tạo tài khoản ảo rồi like cho nhau, hoặc xây dựng các ứng dụng với tên gọi hấp dẫn song nội dung chả có gì. Khi dùng các ứng dụng dạng ấy, bạn được yêu cầu phải like một Fanpage nào đó mới được tiếp tục. Lúc dùng xong, nội dung từ ứng dụng sẽ được đăng lên “tường nhà” của bạn, đồng thời có gửi đi các thư mời đến nhiều người khác trong danh sách bạn bè. Khi thấy nội dung đó, lại có một số người tò mò bấm vào dùng thử và dễ dàng lan rộng ra đến nhiều người khác nữa.
Bên cạnh like Fanpage, các dịch vụ này cũng hỗ trợ tăng like cho một bức ảnh tham gia các cuộc thi mà tiêu chí trao giải là dựa vào số like hay tăng số follower” cho tài khoản Facebook cá nhân.
Ngoài cách bỏ tiền ra mua like hay follower, một số dịch vụ cho phép các thành viên trao đổi “like” cho nhau mà không tốn nhiều chi phí, chỉ mất chút thời gian. Khi tham gia vào dịch vụ trao đổi like, bạn phải like Fanpage của những thành viên khác, đổi lại thì họ sẽ like Fanpage của bạn.
Dù không trực tiếp bán like song các dịch vụ trao đổi vẫn thu được tiền từ người dùng. Mỗi lượt like trên các dịch vụ trao đổi ấy được tính bằng số điểm nhất định, khi có thêm một lượt like thì bạn bị trừ bớt điểm. Nếu đã dùng hết điểm, bạn bắt buộc phải like cho người khác để tăng điểm, hay nhanh hơn là mua điểm từ website trao đổi like.
Một website trao đổi like tại Việt Nam. |
…đến “ép” like theo cách bẩn
Clickjacking là kỹ thuật mà theo đó, kẻ lừa đảo đặt một nút nhấn hoàn toàn trong suốt lên website. Bấm nút ấy sẽ dẫn bạn truy cập đến một liên kết giúp kẻ gian hưởng lợi. Do nút bấm đã được che đậy rất khéo léo nên bạn hầu như không thể phát hiện ra.
Kết hợp với một vài đoạn mã JavaScript, nút bấm trong suốt ấy sẽ luôn di chuyển theo vị trí trỏ chuột của người dùng. Chỉ cần bạn bấm chuột trái để xem nội dung một bài viết trên website, tức là bạn đã nhấn vào nút mà kẻ gian đang “giăng” sẵn.
Với cách hoạt động như trên, Clickjacking là chiêu ưa thích mà các dịch vụ bán like áp dụng để nhanh chóng hút “fan” chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí, một số trang báo điện tử chính thống cũng áp dụng cách chèn nút Like trong suốt vào trỏ chuột của người dùng.
Nút Like ẩn cho trang Meme trên một trang Báo điện tử “hiện hình” nhờ tiện ích Clickjacking Reveal. |
Lật tẩy trò câu “like” bẩn trên các website
Với mục đích giúp người dùng nhìn thấy và không nhấn nhầm vào nút Like trong suốt trên các website lừa đảo, tác giả Đào Hoàng Sơn đã phát triển tiện ích mở rộng với tên gọi Clickjacking Reveal dành cho Google Chrome, Mozilla Firefox và Safari.
Công dụng của Clickjacking Reveal đơn giản là làm hiện hình nút Like đã được che đậy kỹ trên mọi website. Nhờ vậy, bạn sẽ không phải like nhầm những Fanpage lạ mà bản thân chưa hề biết đến.
Bạn tải về tiện ích Clickjacking Reveal ứng với trình duyệt web đang dùng tại:
- Dành cho Google Chrome.
- Dành cho Mozilla Firefox.
- Dành cho Safari (tải xong, chạy tập tin bằng trình duyệt Safari).
Sau khi cài đặt, bạn không cần cấu hình, tiện ích sẽ tự động khởi chạy. Truy cập vào các website có chứa nút Like ẩn, nút ấy sẽ hiện rõ ra để bạn thấy mà phòng tránh.
Tắt hoàn toàn nút Like
Sau khi đã phát hiện nút Like với tiện ích Clickjacking Reveal, bạn có thể xoá nút ấy ra khỏi website để không bị bấm nhầm bằng cách dùng thêm tiện ích Ghostery.
Không riêng với Facebook, Ghostery còn giúp bạn phát hiện và tắt các mạng quảng cáo hay mạng xã hội đang được “nhúng” trên một website. Việc tắt các mạng quảng cáo cũng giúp dữ liệu duyệt web của bạn không bị các mạng ấy thu thập được.
Ghostery hỗ trợ hầu hết các loại trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Firefox, Internet Explorer, Opera, Safari và cả hai nền tảng di động iOS, Android. Bạn sử dụng trình duyệt truy cập đang dùng vào trang www.ghostery.com để tải về tiện ích ứng với trình duyệt ấy.
Bài này minh hoạ với Google Chrome. Sau khi cài đặt Ghostery, cạnh thanh Address trình duyệt sẽ có thêm biểu tượng . Khi truy cập vào một website, biểu tượng sẽ chuyển sang màu xanh dương và hiện ra hộp thoại chứa danh sách các mạng quảng cáo đang được “nhúng” trên website đó.
Bạn bấm vào biểu tượng của Ghostery để mở ra bảng bật/tắt các mạng quảng cáo hay mạng xã hội vừa tìm thấy. Tiếp đó, bạn bấm nút màu xanh ứng với từng mạng quảng cáo hay mạng xã hội để tắt chúng đi. Trong đó, mục Facebook Social Plugins chính là nút Like được “nhúng” trên website (kể cả nút Like “sạch” và nút Like “bẩn” áp dụng kỹ thuật Clickjacking). Xong, bạn bấm F5 để làm mới trang web là sẽ không còn thấy các nút Like hay quảng cáo hiện ra trên website đó nữa.
Phương Trúc