Trong lịch sử phong kiến phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, các vụ án liên quan đến công thần không phải là hiện tượng chính trị hiếm có, bởi tính tập trung quyền lực vào tay hoàng đế không cho phép tồn tại các công thần có sức ảnh hưởng quá lớn ở bên mình. Lê Văn Duyệt không may mắn khi nằm trong số các vụ án đó. Bi đát hơn, ông bị kết tội sau khi đã qua đời.

Lê Văn Duyệt - nỗi oan khiên bị kết tội sau khi đã qua đời

18/05/2017, 16:08

Trong lịch sử phong kiến phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, các vụ án liên quan đến công thần không phải là hiện tượng chính trị hiếm có, bởi tính tập trung quyền lực vào tay hoàng đế không cho phép tồn tại các công thần có sức ảnh hưởng quá lớn ở bên mình. Lê Văn Duyệt không may mắn khi nằm trong số các vụ án đó. Bi đát hơn, ông bị kết tội sau khi đã qua đời.

Một phần của “mả Ngụy” mà thời Pháp thường gọi là “cánh đồng mồ mả”. Ảnh tư liệu.

Theo sử sách, Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông sinh ra là người ái nam ái nữ. Thuở nhỏ đã bộc lộ là cậu bé thông minh, khỏe mạnh nhưng ít chịu học hành, thường lêu lổng và tụ tập trẻ con trong làng, chia phe đánh trận giả.

Năm 17 tuổi, cuộc gặp gỡ định mệnh với Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Lê Văn Duyệt. Ông trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn trong vạn dặm chiến chinh, dành nhiều thắng lợi.

Gần như tất cả các trận chiến lớn chống quân Tây Sơn ông đều tham gia chỉ huy, chiến công được coi lớn nhất là trận đánh chiếm cửa biển Thị Nại đầu năm 1801. Nhờ lập nhiều công lao, binh nghiệp thăng tiến nhanh chóng nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân. Ông được giao giữ chức Tổng trấn Gia Định hai lần, vào những năm 1812 - 1815 dưới triều Gia Long và 1830 - 1832 dưới triều Minh Mạng.

Ông được ca ngợi là một Tổng trấn tài năng đức độ, vừa trị an xứ sở vừa chăm lo đời sống nhân dân. Người dân Nam Bộ khi đó thường kính phục gọi ông là Ông Lớn Thượng.

Không chỉ với người dân trong nước, thương nhân nước ngoài sau khi tiếp xúc cũng hết lời khen ngợi vị Tả quân này. John White, người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam đã tỏ ra kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên. Ông ta đã ghi lại ấn tượng của mình về Tả quân Lê Văn Duyệt như sau: Dáng điệu và phong độ của ông này uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có tầm kiến thức rất rộng. Chính sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu tây là những vấn đề mà ông bàn cãi một cách
chăm chú…

Lập nhiều công lao và từng được vua Gia Long ưu ái là thế nhưng sau khi qua đời được ba năm, ông vướng vào một án oan thảm khốc.

Năm 1832, Lê Văn Duyệt qua đời sau một cơn bạo bệnh. Ngay sau khi ông vừa mất, một bi kịch khủng khiếp đã giáng xuống cả gia tộc khi người con nuôi Lê Văn Khôi khởi binh chiếm thành Phiên An, chống lại triều đình. Về sự biến Lê Văn Khôi, theo sử cũ thì khi Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt vừa mất, quan Bố chính có tiếng tham ác là Bạch Xuân Nguyên xưng phụng mật chỉ truy xét gia đình Lê Văn Duyệt rồi khép ông vào tội tham nhũng, lạm quyền, có mưu đồ tạo phản, đưa ra lệnh bắt giam con nuôi Lê Văn Khôi cùng nhiều thuộc hạ của ông.

Lê Văn Khôi sau đó vượt ngục, tập hợp lực lượng trả thù. Ngày 18.5.1833, ông cùng thuộc hạ vào dinh quan Bố chính, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên, chiếm luôn thành Phiên An và một số tỉnh lân cận chỉ trong vòng một tháng.

Vua Minh Mạng vô cùng tức giận, cử các tướng đem quân thủy, bộ, binh, tượng vào dẹp loạn. Cuộc nổi dậy bị dìm trong biển máu. Hàng ngàn người theo Lê Văn Khôi bị lôi ra xử chém và chôn chung một hầm, tạo nên ngôi “mả Ngụy” (giặc, phản loạn) trên đất thành. Sáu người cầm đầu bị đóng cũi đưa về Kinh thành trị tội (án tùng xẻo), trong đó có Lê Văn Khôi.

Chưa hết, Lê Văn Duyệt dù lúc này đã qua đời vẫn bị lôi ra luận tội và một bản án vô tiền khoáng hậu cho phạm nhân quá cố đã được lập ra với bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ. Vua còn ra chỉ dụ san bằng mồ mả Lê Văn Duyệt, dựng bia đá sỉ nhục với tám chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Con cháu ông từ 15 tuổi trở lên bị xử trảm hàng loạt. Thân sinh bị tước phẩm hàm, bia mộ bị đục xóa, ruộng đất bị tịch thu, nhà thờ họ tộc bị triều đình đưa voi về tàn phá. Đây được coi là một trong hai kỳ án lớn nhất dưới triều Nguyễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vua Minh Mạng vốn đã “không ưa” gì Tả quân Lê Văn Duyệt từ việc sách lập hoàng tử Đảm làm thái tử cho đến bản án Huỳnh Công Lý nhưng không thể làm gì vì công lao quá lớn. Nay nhân sự biến Lê Văn Khôi, vua kết tội luôn cả Lê Văn Duyệt, cho rằng khi còn sống, Lê Văn Duyệt đã dung dưỡng, chứa chấp bọn phản tặc để lúc bấy giờ nổi loạn.

Trong một bản tấu của Nội các đã được vua Minh Mạng duyệt có nội dung: Lê Văn Duyệt vốn là đại thần thống lĩnh việc quân, ở ngôi cao mà ngầm nuôi lòng gây họa đến nỗi tạo thành vụ án lớn. Tội của y không chỉ là mầm mống mà thôi. Việc này đáng phải xét xử.

Một văn bản khác đề cập việc xử vụ án trọng đại Lê Văn Duyệt như sau:

Chúng thần là Hà Tông Quyền, Hoàng Quýnh phụng thượng dụ: Nay căn cứ đình thần đem tội trạng gây họa của quá cố Lê Văn Duyệt tuân dụ nghị xử. Tên tội phạm đó phóng túng thành nết, nuôi phản nghịch, tụ tập vây cánh là bọn phỉ gây họa cho con cháu. Nguyên các văn bằng phong tặng cho ông bà, cha mẹ xin nên truy thu. Con cháu, thê thiếp của tên phạm đều phân biệt xét xử, định tội. Cháu của tên phạm là Lê Văn Hán cùng tên cầm đầu nghịch đảng Lê Văn Khôi truyền lập tức xử tử lăng trì, chém đầu bêu cọc 3 ngày. Nguyễn Thị Quang truyền chém ngay. Bọn Lê Văn Yến gồm 9 tên phạm truyền đều giam chờ chém. Bọn Lê Thị Sĩ gồm 6 tên dưới 15 tuổi truyền giam cầm nghiêm ngặt… Vua Minh Mạng đã phê: Được.

Phải đến thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, nỗi oan của Tả quân mới được gột rửa. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi ban lệnh tha tội cho các thân thuộc Lê Văn Duyệt. Năm Tự Đức 2 (1849), nghĩ đến công lao của Tả quân nên vua cho nhổ cây bia khắc 8 chữ, đồng ý cho thân nhân sửa sang xây đắp mộ phần. Năm Tự Đức 21 (1868), vua cho khôi phục nguyên hàm Tả quân Lê Văn Duyệt.

Việc Lê Văn Duyệt được khôi phục danh dự sau bao năm xảy ra sự biến Lê Văn Khôi cũng được đề cập trong Châu bản triều Nguyễn.
Năm Tự Đức 18 (1865), Phan Thanh Giản làm bản tấu xin khôi phục nguyên hàm cho Lê Văn Duyệt đã quá cố: Thần Phan Thanh Giản tâu: Vâng xét, đình thần tuân lệnh đem công lao, tội trạng của lê Văn Duyệt đã quá cố làm tập tâu phúc trình lên. Xét thấy trong tờ phiếu nghĩ trình bày: Lê Văn Duyệt từ lâu bị xử tội nặng, nay nên chăng cho khôi phục nguyên hàm nhưng không được liệt kê vào hàng được thờ cúng, để tỏ rõ sự phân biệt.
Bản tấu của Nội các ngày 26 tháng 1 năm Tự Đức 21 cũng đề cập: Ngày 21 tháng chạp năm ngoái, Đình thần làm tập trình về công tội, xin khôi phục phẩm hàm cho các viên đã quá cố, Lê Văn Duyệt nên khôi phục chức cũ… Chúng thần nghĩ rằng các viên công thần đó đều có công lao, từ khi đắc tội đến nay đã qua nhiều năm, xin đợi chỉ làm phiếu.

Năm Tự Đức 32 (1879), Châu bản Tự Đức, tờ 240, tập 322 có đoạn: Ngày 13 tháng này, quan Nội các dâng sách tâu của ba bộ Lại, Lễ, Binh tâu trình việc xét cấp tự điền, lộc điền. Sách này xin tuân nghĩ phụng chỉ, trong đó có khoản: Phan Sĩ Thục xin cấp ruộng thờ cho Tả quân Lê Văn Duyệt… Điều này đã được vua Tự Đức chấp thuận.

Như vậy, dù đã có lúc hàm oan bị coi là tội đồ của lịch sử, song cuối cùng nỗi oan cũng đã được gột rửa và trên hết, trong lòng dân, nhất là người dân vùng Nam Bộ, Lê Văn Duyệt vẫn luôn là một vị danh tướng đáng kính, yêu nước, thương dân.

Gần đây, một số hội thảo khoa học lịch sử và nhiều công trình nghiên cứu về Lê Văn Duyệt đã được thực hiện nhằm đánh giá lại vai trò của nhân vật lịch sử này. Qua đó, các nhà nhà sử học và học giả trong nước đều thống nhất nhận định: Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự.

theo Hồng Nhung (báo Lao Động)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lê Văn Duyệt - nỗi oan khiên bị kết tội sau khi đã qua đời