Đồng bình chương sự Đặng Dung là vị tướng dũng mãnh nhất trong quân Hậu Trần, không quản gian lao cùng các binh sĩ chiến đấu với giặc ngay ở tuyến đầu, xông pha giữa trận, ai chống là chết. Thấy chủ tướng gan dạ như thế, nhuệ khí của quân Hậu Trần càng dâng cao, khiến cho quân Minh khốn đốn, trận thế bắt đầu rối loạn.
Kỳ 1: Nhà Trần từ 3 lần thắng Nguyên đến cuộc chiến với Chế Bồng Nga
Kỳ 2: Dẹp được Chế Bồng Nga, vua Trần lại gửi trứng cho ác
Kỳ 4: Hồ Quý Ly và mục tiêu 1 triệu quân chống lại phương Bắc
Kỳ 5: Chu Nguyên Chương và dã tâm xâm lược Đại Việt
Kỳ 6: Bạo chúa nhà Minh trái lời cha, muốn xâm lăng nước Việt
Kỳ 7: Hồ Quý Ly sai gián điệp hạ độc quan lại nhà Minh
Kỳ 8: Bị quân Hồ Quý Ly bao vây, tướng Minh viết thư xin tha mạng
Kỳ 9: Nhà Minh lộ dã tâm khi chuẩn bị 80 vạn quân xâm lược nước Việt
Kỳ 10: Hồ Nguyên Trừng và cuộc đọ súng đẫm máu với quân Minh
Kỳ 11: Cái giá đắt cho những người ngây thơ tin lời dụ dỗ của nhà Minh
Kỳ 12: Hồ Nguyên Trừng đại chiến quân Minh tại Hàm Tử quan
Kỳ 13: Hồ Quý Ly mất nước, Đặng Tất lập mưu lật thế cờ
Kỳ 14: Lịch sử đổ tội lên đầu Hồ Quý Ly thì có bất công không?
Kỳ 15: Chính sách đồng hóa, chia rẽ thâm độc của nhà Minh ở nước ta
Kỳ 16: Giặc Minh sa lầy khi lộ rõ bộ mặt thật trên đất Việt
Kỳ 17: Nhà Hậu Trần có Đặng Tất như hổ mọc cánh chiến đấu với quân Minh
Kỳ 18: Đặng Tất đem quân bắc phạt, tiễu trừ quân phản quốc
Kỳ 19:Đặng Tất đặt thiên la địa võng, chờ đấu 10 vạn quân giặc Minh
Kỳ 20: Cha con Đặng Tất, Đặng Dung tiêu diệt 10 vạn quân Minh
Kỳ 21: Hai vua nhà Trần bao vây quân Minh tại Đông Quan
Kỳ 22: Bại trận, nhà Minh lại khởi quân 10 tỉnh nhòm ngó nước ta
Kỳ 23: Đặng Dung huyết chiến quân Minh tại cửa Hàm Tử
Kỳ 24: Vừa sa lầy tại Đại Việt, nhà Minh lại bị quân Nguyên chém sứ, phá đồn
Kỳ 25: Hồ Nguyên Trừng làm gián điệp cho nhà Minh
Kỳ 26: Nhà Minh giấu lưỡi gươm hiểm ác, nhà Trần dùng kế tằm ăn dâu
Kỳ 27: Đặng Dung, Cảnh Dị dùng binh, bắt giặc Minh trả giá đắt
Kỳ 28: Quân Minh chịu cảnh sa lầy, vua Trần sai 3 ông tướng ra trận
Trận Mô Độ là một trong những trận đánh lớn nhất trong giai đoạn nhà Hậu Trần chống quân Minh. Vua Trùng Quang coi vùng Trường Yên như một tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ căn cứ địa, nên đã điều động những lực lượng ưu tú nhất mà mình có để chiến đấu tại vùng này. Về phần các tướng lĩnh Hậu Trần, việc lựa chọn quyết chiến tại vùng cửa biển, địa hình phức tạp giúp cho quân HậuTrần có thể hạn chế tối đa sở trường của giặc. Thế nhưng quân Minh là một đạo quân khá toàn diện về các binh chủng. Mặc dù kỵ bộ vẫn là sở trường của quân Minh cũng như các quân đội phương bắc, thủy quân của giặc cũng khá tinh nhuệ, và nhất là được trang bị các thuyền chiến tốt, có lợi thế về quân số so với quân ta.
1. Diễn biến trận Mô Độ:
Ngày 6.9.1412, sau những ngày dài vừa hành quân vừa quần nhau với quân Hậu Trần, quân Minh dưới sự chỉ huy của Trương Phụ, Mộc Thạnh, Phương Chính… tiến đến dọc sông Đáy, nhằm hướng cửa biển Thần Phù, thuộc Mô Độ, Yên Mô, Trường Yên để ra biển. Quân Hậu Trần với lực lượng gồm 400 chiến thuyền, dưới quyền chỉ huy của các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Hồ Bối… đã bày sẵn thủy trận trên sông đón đánh. Nhác trông thấy thuyền của quân ta, Trương Phụ với lực lượng mạnh trong tay, không ngần ngại sai Đô chỉ huy Phương Chính dẫn đội thuyền tiên phong hàng trăm chiếc hùng hổ xáp lại, còn Phụ thì tiến sau với đội thuyền chủ lực. Kỵ binh quân Minh vốn vẫn hành quân ven bờ để hộ tống hạm đội chủ lực, nay không thể theo kịp vì địa hình địa vật phức tạp trên đường ra cửa biển. Dù vậy, Trương Phụ vẫn tự tin với hạm đội của mình.
Bấy giờ gió bắc đang thổi, thuyền giặc có lợi về hướng gió. Thời kỳ này, các chiến thuyền vẫn dùng buồm để tận dụng gió làm tăng tốc độ của thuyền bên cạnh các tay chèo. Quân Hậu Trần không vội giao tranh, mà cũng xuôi theo chiều gió chèo ngược ra hướng cửa biển. Hai đoàn thuyền lướt nhanh rượt đuổi nhau. Quân Hậu Trần vừa ra đến cửa biển thì theo kế sách tản ra thành ba đội. Trong thời khắc đó, phần lớn hạm đội quân Minh vẫn còn ở trong sông, không gian chật hẹp hơn nên không thể dàn trận hết được, mà đội hình các thuyền vẫn đang nối đuôi nhau thành những hàng dài. Đó là tính toán rất lợi hại của tướng lĩnh Hậu Trần. Lúc này, quân Hậu Trần đã hình thành thế trận lấy ít vây nhiều. Chỉ có như vậy, quân Hậu Trần mới có cơ hội đánh thắng quân Minh vượt trội hơn cả về trang bị lẫn quân số, lại đang ở thế thượng phong (từ trên gió đánh xuống).
Khi thế trận đã hình thành như dự kiến, Đặng Dung hạ lệnh toàn quân quay thuyền lại đánh. Thủy quân Hậu Trần rất tinh nhuệ, cùng quân Minh đánh nhau dữ dội. Khắp vùng biển vang rền tiếng súng từ hai phía. Cuộc đấu pháo giữa các thuyền xen lẫn với những màn giáp chiến. Thủy quân ta dùng câu liêm móc vào thuyền giặc, nhảy lên thuyền đánh xáp là cà. Gươm giáo tua tủa vang động khắp chiến trường. Nguyễn Súy đốc suất một nhánh quân chiếm lĩnh chỗ đất ven bờ, từ trên bộ bắn tên và đạn pháo hỗ trợ cho thủy quân ta diệt giặc. Quân ta khiến đội thuyền tiên phong của Phương Chính bị thiệt hại nặng nề. Trương Phụ phải tự mình lên tuyến đầu, đốc thúc quân lính liều chết mà xông lên. Quân Minh cũng chia làm ba mặt, cố sức đánh thốc ra biển. Thuyền giặc to lớn, nhân hướng gió thuận chèo nhanh đâm thẳng vào thuyền của quân ta, hễ chiếc trước chìm vỡ thì chiếc sau lại xông tới.
Bấy giờ bên quân Hậu Trần thì dựa vào địa lợi, bên quân Minh dựa nhờ vào thiên thời. Đồng bình chương sự Đặng Dung là vị tướng dũng mãnh nhất trong quân Hậu Trần, không quản gian lao cùng các binh sĩ chiến đấu với giặc ngay ở tuyến đầu, xông pha giữa trận, ai chống là chết. Thấy chủ tướng gan dạ như thế, nhuệ khí của quân Hậu Trần càng dâng cao, khiến cho quân Minh khốn đốn, trận thế bắt đầu rối loạn. Trương Phụ cũng chẳng phải dạng vừa, quyết không để Đặng Dung mặc sức tung hoành. Chủ tướng quân Minh thấy thế quân mình chùn xuống, cũng dẫn các cận vệ, thuộc tướng bên cạnh xông lên trước, mặt giáp mặt với cánh quân của Đặng Dung, hai bên đều liều chết đánh nhau bất phân thắng bại.
Trong khi cánh quân của Đặng Dung chiến đấu vô cùng dũng cảm thì bước ngoặc quyết định của trận chiến lại đến từ hướng khác. Các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Hồ Bối cầm cự với quân Minh hồi lâu, bị giặc công kích dữ dội. Trương Phụ sai một cánh quân đổ bộ đi xuyên qua rừng nứa, nửa đêm đánh vào khối quân của Nguyễn Súy. Vì thiếu phòng bị, Nguyễn Súy không chống nổi, đơn phương hạ lệnh cho quân mình xuống thuyền rút lui khỏi trận. Đây là một quyết định làm thay đổi toàn bộ cục diện trận chiến. Nguyễn Cảnh Dị thấy cánh quân Nguyễn Súy rút, cũng cho quân rút theo. Vòng vây mà quân Hậu Trần đã dày công toan tính bỗng chốc bị thủng hai mảnh lớn. Thuyền quân Minh từ trong sông thừa thế tràn ra khắp mặt biển, hình thành thế bao vây ngược lại.
Bấy giờ đội thuyền dưới trướng phò mã Hồ Bối còn đang chiến đấu ở gần trong nội thủy, phút chốc bị thuyền quân Minh dày đặc vây quanh, che cả lối thoát ra biển. Thấy thế không thể thủ thắng nổi nữa, Hồ Bối nhanh trí lệnh cho quân mình bỏ thuyền lên bờ, rút lui theo đường rừng. Quân Minh không đuổi theo các hướng quân Hậu Trần rút lui mà dồn hết lực lượng nhắm vào khối quân của Đặng Dung mà đánh diệt. Đặng Dung cùng các chiến sĩ dưới trướng bị đồng đội bỏ rơi lại, đơn độc chiến đấu giữa muôn trùng vây quân Minh.
Giữa tình cảnh thập tử nhất sinh, Đặng Dung cùng thuộc hạ chỉ còn cách liều chết mở một con đường máu phá đột phá vòng vây, thoát ra biển để rút về phương nam theo đồng đội. May thay, vòng vây của quân Minh vẫn chưa thể khép kín ngay được mà vẫn còn những khoảng trống phía ngoài mặt biển. Đặng Dung cùng quân sĩ tả xung hữu đột, rốt cuộc cũng thoát được ra biển mà rút về nam. Trương Phụ đắc thắng thúc quân giương buồm đuổi theo truy kích sát rạt, dùng câu liêm móc các thuyền quân ta lại để đánh giết. Đặng Dung phải dùng thuyền nhẹ chèo nhanh để thoát. Quân sĩ dưới trướng Dung vốn đã mệt mỏi vì trận chiến, vừa xả thân đánh chặn cho chủ tướng vừa rút theo sau. Nhiều người ngã xuống dọc đường rút khỏi trận địa, tình cảnh vừa bi vừa hùng. Sau hồi truy đuổi, Trương Phụ hạ lệnh thu quân để tổ chức lại lực lượng trước khi tiếp tục cuộc tiến công vào Thanh Hóa, Nghệ An.
2. Kết quả và nhận định:
Trận này diễn ra từ sáng sớm ngày 6.9 đến tận trưa ngày 7.9.1412, đánh liên tục không ngừng nghỉ. Quân Hậu Trần bị thiệt hại hàng ngàn quân, nhiều thuyền bị đắm và bị giặc cướp. Minh Thực Lục chép rằng có hơn 1.000 quân và 75 tướng Hậu Trần bị bắt trong trận. Trong số đó có những tướng lĩnh cao cấp là Dực vệ Đại tướng quân Trần Lỗi, Long hổ Tướng quân Đặng Nhữ Hý, tướng Lê Mục, tướng Nguyễn Lâm… Về thiệt hại của quân Minh không có sách sử nào thống kê cụ thể, nhưng qua diễn biến gay cấn có lẽ cũng không dưới con số hàng ngàn. Một điều may mắn cho nhà Hậu Trần là phần nhiều quân ta vẫn thoát khỏi trận địa sau cuộc ác chiến, khiến cho kế hoạch đánh nhanh diệt gọn chủ lực nhà Hậu Trần của Trương Phụ không thực hiện được.
Trận Mô Độ có thể nói là một trận đánh mà quân Hậu Trần thể hiện cả những mặt ưu việt nhất cũng như những điểm yếu cố hữu của mình. Có thể thấy rằng, quân ta có tinh thần và kỷ luật rất cao, kỹ năng chiến đấu rất tốt. Đến cả sử nước Minh cũng phải công nhận “khí thế giặc rất tinh nhuệ”. Dù vậy, điểm yếu của quân Hậu Trần là họ không có một nền tảng cơ bản trong hiệp đồng tác chiến, thiếu các phương án dự phòng nên khi phối hợp với nhau trên chiến trường thì các tướng hành động không thống nhất. Trong khi người này đang quyết tử chiến, thì người kia lại muốn rút lui bảo toàn lực lượng. Khi lâm trận, các cánh quân cách nhau ngoài khoảng nghe thấy tiếng chiêng trống là hầu như mạnh tướng nào nấy đánh. Sâu xa hơn, quân đội Hậu Trần bấy giờ thiếu một vị tổng chỉ huy có uy tín vượt trội để điều hành toàn bộ các tướng quân khác. Trong sách sử thường ghi chép về quân của Trùng Quang khi đánh lớn thường được chỉ huy bởi ba bốn tướng soái. Nghe qua có vẻ đông đúc, nhưng kỳ thực là thiếu chỉ huy chung nhất. Các tướng chỉ huy như một hội đồng, có lợi khi thảo luận kế hoạch nhưng thiếu đi sự linh hoạt trong tác chiến. Điều này khác với thời mà Đặng Tất còn tại thế. Lúc đó, ông là người có uy tín để chỉ huy toàn bộ quân tướng, giống như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt thưở trước. Quân Hậu Trần lúc đó muôn người như một, hành động nhất quán như tay chân trong cơ thể. Đó là điều mà quân Hậu Trần dưới thời vua Trùng Quang không có được.
Quân Minh sau khi thắng trận, tràn vào Thanh Hóa như thác lũ. Trương Phụ đi đến đâu là đánh giết tàn bạo. Quân Hậu Trần thì rút về Diễn Châu, Nghệ An sốc lại lực lượng, quyết tâm chiến đấu đến cùng với giặc dữ.
(còn nữa)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt