Nhân cơ hội tái bản lần thứ nhất bộ sách Lịch sử Việt Nam có chỉnh sửa, bổ sung, do Viện Sử học Việt Nam biên soạn, tôi đọc những bài viết tỏ ý vui mừng vì bộ sách này nhìn nhận công lao nhà Mạc cùng chúa Nguyễn và các vương triều nhà Nguyễn, không gọi chính quyền Việt Nam Cộng hoà là ngụy quân, ngụy quyền, chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt (trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979)...
TS. Đinh Quang Hải cho rằng “đây là bộ sử đáp ứng được yêu cầu việc hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam” (Vũ Viết Tuân, Tuổi Trẻ, 19.8.2017). Bài viết xin được góp vài ý kiến của một người không là nhà sử học.
CUỘC GẶP VỚI GS PHAN HUY LÊ TẠI PARIS
Cuối thập niên 1980, nhà sử học Phan Huy Lê sang Pháp. Tôi có dịp tham gia buổi gặp với ông tổ chức tại nhà Việt Nam (maison du Vietnam). Buổi gặp đó có sự tham gia của nhiều thành viên Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Pháp, nhà sử học Lê Thành Khôi, Giáo sư Langlet (*) cùng phu nhân là bà Quách Thanh Tâm.
Đề tài nhà Nguyễn, công và tội, được nêu lên. Tất cả những người tham dự đều cho rằng đánh giá nhà Nguyễn như tội đồ của dân tộc mà không nhắc tới công lao mở nước, mở một diện tích gần phân nửa lãnh thổ hiện hữu, là không đúng. Gần ba mươi năm, từ đó tới nay, qua các hoạt động của mình, nổ lực bền bỉ của ông Phan Huy Lê trong việc đem lại sự đánh giá nhà Nguyễn một cách công tâm hơn được nhiều người quí trọng.
Giờ giải lao, quanh tách trà với các GS Phan Huy Lê, GS Lê Thành Khôi, GS. Langlet giảng giải cho tôi rằng theo ông sự đánh giá một sự kiện lịch sử như thế nào là quyền của mỗi người tùy theo tính cách và kiến thức cá nhân, tùy theo nghề nghiệp hay theo thành phần xã hội... Các đánh giá khác nhau làm phong phú hơn sự hiểu biết và các bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử. Và, để có thể đánh giá, lịch sử cần và phải được thể hiện gần với sự thật khách quan nhất. Không ai biết sự thật khách quan của sự kiện xảy ra vài trăm năm trước, nhưng từ những cứ liệu để lại, phương pháp khoa học giúp người ta tiệm cận sự thực khách quan. Các ông Lê Thành Khôi, Phan Huy Lê đồng ý rằng các sử liệu trong nước, khai quật rồi hay chưa, không được bảo quản và giữ gìn tốt. Cũng ít người tiếp xúc được. Và các nghiên cứu viết lại những trang sử trung thực hơn cũng chưa được tự do lắm.
Tôi cảm nhận rằng, trong giới hạn của thời cuộc, bằng các công trình của mình cho tới nay, GS Phan Huy Lê đã đóng góp nhiều vào “tạo nên những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.
ĐÃ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU TIỆM CẬN SỰ THỰC KHÁCH QUAN CHƯA?
Chưa đọc kỹ bộ sách Lịch sử Việt Nam, tôi không dám có ý kiến chi tiết của riêng mình về lần tái bản này. Chỉ xin bàn luận về quan điểm tiệm cận sự thực khách quan được phát biểu trong các buổi lễ hay bài báo liên quan tới sự kiện ra mắt bộ Lịch sử.
1) Giá trị của một bộ Lịch sử là các sự kiện trong đó được trình bày gần hơn với sự thật khách quan
Như được học hỏi từ các ông Lê Thành Khôi và Langlet trong buổi thảo luận kể trên, điều tôi quan tâm hơn trong tác phẩm sử học là những trang sử có được viết nên bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực hay không. Có những góc khuất nào chưa được bộ Lịch sử nêu ra cho dù sử liệu đã sẵn đó? Những góc khuất đó, nếu có, là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít?
Thí dụ, lịch sử tồn tại của Miền Nam, từ năm 1954 tới 1975 có được trình bày rõ ràng, trung thực, trên nhiều khía cạnh có thể nhất? Các sự kiện quan trọng như tiếp đón và tổ chức đời sống cho những người di cư theo hiệp định Genève, các cuộc trưng cầu dân ý, tuyển cử, lập hiến, đảo chánh, chiến sự Mậu Thân, thất trận Hoàng Sa... Chính thể Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức ra sao, bộ máy và mạng lưới y tế, giáo dục, cùng các mặt khác của xã hội và chính quyền... được tổ chức ra sao, những thành quả cũng như thất bại của chúng?...
Sự kiện lịch sử được khôi phục lại gần với sự thực khách quan nhất mới là giá trị lớn của một bộ sử.
2) Sự thiên kiến, hay/hoặc sự định hướng trong nghiên cứu sử học khiến lịch sử được trình bày xa với sự thật khách quan. Có còn những chỉ dấu đáng lo ngại đó không?
Dưới đây là các lo ngại của tôi khi đọc những ý kiến của một vài nhân vật có liên quan.
a) Tại buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/2/1017, khi nói về tính chính xác của sử Việt, GSTS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng “Vua Gia Long với sự cố gắng hết sức của mình đã đem lại sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho chúng ta như ngày hôm nay thì tại sao không đưa ông ấy vào lịch sử ?” (Tác giả Đinh Khắc Thiện, Blog Kim Dung/Kỳ Duyên, ngày 12/6/2017) Theo tôi, vua Gia Long không cần ai đưa vào lịch sử cả, vì ông đã ở trong lịch sử rồi. Tầm vóc đó, thành quả đó khiến ông là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Dựng lại một vương triều đã đổ, đánh bại đạo quân Tây Sơn vừa mới thần tốc đuổi 20 vạn quân Thanh, thống nhất nước nhà sau mấy trăm năm chia cắt. Dù ai ghét ai thương, ai đánh giá cao, đánh giá thấp, nhân vật này cũng đương nhiên là một trong vài nhân vật lịch sử vĩ đại của Viêt Nam.
Nêu lên điều đó để nói rằng sự thật khách quan của lịch sử chỉ có một và là đích mà các nhà sử học tìm cách hướng tới. Sự thật đó độc lập với ý muốn của bất kỳ nhà sử học nào. Nếu nhà sử học lấy cái lăng kính phán xét của mình để chọn nhân vật lịch sử, hoặc chọn cách trình bày nhân vật hay sự kiện lịch sử thì e rằng người đọc sử chỉ đọc được “một nửa sự thực” hay quá nhiều hư cấu!
b) TS Tạ Thị Thúy (chủ biên ba tập trong bộ Lịch sử Việt Nam) cho rằng chủ nghĩa thực dân mang tới cho Việt Nam các mặt tiêu cực và các “mặt tích cực ngoài ý muốn như về văn hóa, yếu tố hiện đại của nền kinh tế thị trường” (Vũ Viết Tuân, Tuổi Trẻ, 19.8.2017).
Tôi cảm nhận qua câu nói này một sự chủ quan từ trong tiềm thức. Vẫn biết nhà sử học không thoát được cái chủ quan của mình, nhưng triết lý, phương pháp, sử liệu có thể giúp người ta thoát ra khỏi cái chủ quan của mình nhiều nhất để tiến gần hơn sự thực khách quan trong khi khôi phục sự kiện lịch sử.
Nhà sử học cứ đặt tiêu chuẩn về mặt tích cực và mặt tiêu cực. Rồi tìm tòi, nghiên cứu, sắp đặt, phân tích các măt tích cực và các mặt tiêu cực mà Pháp mang lại cho Việt Nam trong khoảng thời gian Pháp thuộc. Nếu đã có thành kiến rằng mặt tích cực là “ngoài ý muốn” (của Pháp) thì việc tìm tòi, xác định mặt tích cực có bị ảnh hưởng không?
Trên đây là ý kiến của một người không trong chuyên môn sử học. Xin làm gan nêu lên mong được nghe góp ý, chỉ dẫn...
Lê Học Lãnh Vân
(*) Gs Langlet từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 1975