Ngành du lịch Việt Nam mãi lẹt đẹt như chim cánh cụt, có nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết. Thiên hạ tổng kết “Việt Nam có nhiều thế mạnh mà mạnh nhất là - mạnh ai nấy làm”.

Liên kết vùng du lịch, tại sao chưa hiệu quả?

28/08/2019, 06:42

Ngành du lịch Việt Nam mãi lẹt đẹt như chim cánh cụt, có nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết. Thiên hạ tổng kết “Việt Nam có nhiều thế mạnh mà mạnh nhất là - mạnh ai nấy làm”.

Nhãn tím, đặc sản của Bạc Liêu

Liên kết được lặp đi lặp lại trong vô số nghị quyết, nghị định, chỉ đạo mọi lúc mọi nơi, mọi ban ngành ở Việt Nam; không riêng gì du lịch. Muốn và nói thì dễ. Nói và làm được như mong muốn mới khó.

Phạm vi bài viết xin được giới hạn về sự liên kết du lịch giữa TP.HCM và các 13 tỉnh Tây Nam bộ.

Vì sao liên kết du lịch vùng chưa hiệu quả?

Thật lòng mà nói, có kết được đâu mà đòi quả. Dù phát động rình rang, tổng kết bài bản nhưng hiệu quả thực tế không có. Muốn có quả ngọt, phải ươm hạt gieo trồng, chăm sóc mầm để cây trưởng thành khỏe mạnh. Đằng này cứ muốn đi tắt đón đầu. Theo chủ quan của tôi, sự liên kết du lịch vùng chưa hiệu quả có 3 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự nhập nhằng giữa tư duy kinh doanh và chính trị. Du lịch là ngành kinh tế chứ không phải Ban của đảng hay đoàn thể. Hiệu quả du lịch phải được đo bằng doanh thu, lợi nhuận và tỉ lệ khách quay trở lại. Chứ không phải gom tất cả người tham gia các lễ hội, hành hương chốc lát, tham quan vài tiếng; thành lượng khách to đùng để báo cáo. Báo cáo kinh doanh luôn có số liệu cụ thể, số nhiều hơn chữ. Tôi đã đọc báo cáo tổng kết của du lịch một số tỉnh thành. Có nơi liệt kê phát được bao nhiều tờ rơi, treo bao nhiêu khẩu hiệu, kể lể từ tập huấn tới ký kết đủ thứ, chỉ thiếu số liệu chứng minh hiệu quả.

Báo cáo đa phần cứ năm nay tốt hơn năm trước. Phần đánh giá nguyên nhân rất chung chung, không có địa chỉ rõ ràng. Có người cực đoan bảo “du lịch Việt nam vẫn phát triển mà không cần quản lý ngành”. Có lẽ do đa số lãnh đạo ngành xuất thân là cán bộ chính trị. Cộng thêm sự chỉ đạo và áp lực của cấp trên nên cứ làm du lịch kiểu phong trào, chạy theo số lượng và bắt chước nhau một cách khiên cưỡng.

Nguyên nhân tiếp thứ hai là hệ quả của thói quen “Gắp đồ ăn cho khách” và phần nào “ếch ngồi đáy giếng”. Cứ áp đặt ý muốn chủ quan của mình cho du khách. Nhiều thứ mình thích, lãnh đạo mình khoái nhưng du khách thờ ơ. Thậm chí cho không cũng chẳng lấy. Từ bệnh khoái hội thảo, hội nghị; thích guinness cho đến việc hảo ngọt, thích nghe các “chuyên gia phòng lạnh” vẽ vời. Mấy chuyên gia thực tế thường hay nói thẳng, “trung ngôn thì nghịch nhĩ”. Chưa có dịp đi hết tỉnh thành trong nước, nói chi nước ngoài; lại ít chịu đọc nên cứ nghĩ “sản phầm quê mình là nhất”, mà quên rằng “Ra đường chán vạn kẻ dòn hơn ta”. Phải biết mình rõ đang ở đâu mới có thể xác định mục tiêu và đích đến chính xác để thực hiện.

Nguyên nhân tiếp theo là “Chưa yêu quê mình đủ để thuyết phục khách đến”. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế là rất nhiều cán bộ ngành du lịch, từ TW đến địa phương, không rõ về tài nguyên du lịch quê mình. Thậm chí nhiều người còn không biết. Nếu thật sự yêu quê, mình sẽ tìm hiểu, sẽ mò cho ra những yếu tố khác biệt và thu hút mà nơi khác không có hoặc không bằng. Nếu chưa hay thì nghĩ cách chung tay làm cho hấp dẫn hơn. Đẹp và ngon là những đánh giá tương đối, theo chủ quan từng người, nhưng lạ thì chung nhất và ai cũng muốn biết. “Một gram của lạ hơn nửa tạ của quen” là vậy.

Vài kiến nghị chủ quan

Khi đã tìm ra nguyên nhân thì khắc phục không khó. Chỉ là thật sự muốn và có dám hay không. Việc đầu tiên là phải thay đổi tu duy quản lý du lịch. Từ việc thống kê số liệu (du lịch là phải có lưu trú) cho đến phân tích, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Làm gì cũng phải tính hiệu quả, dù là tiền nhà nước, doanh nghiệp hay từng hộ dân. Đoạn tuyệt với những cách làm tốn kém (Tốn tiền, kém hiệu quả) lâu nay. Đặc biệt là việc chạy theo lượng khách để tự sướng . Thống kê phải phân tích thị phần, doanh thu khách và tỉ lệ quay lại. Bớt nói lại và làm nhiều hơn, cụ thể từ những việc nhỏ.

Việc tiếp theo là xác định phân khúc thị trường để định hướng đầu tư phù hợp. Phải biết rõ nhu cầu du khách từng thị phần để tìm cách đáp ứng. Biến những thứ mình có thành cái mà khách cần. Tìm cho ra của lạ để đãi khách. Phải có sản phẩm đặc thù từng địa phương thì mới tính chuyện liên rồi mới kết được. Bằng không chỉ Liên trên môi và Kết cửa miệng. Mỗi tỉnh thành cần chọn ra 7 – 7 món ngon độc lạ, không đụng hàng, đặt tên và đăng ký bảo hộ. Nếu trùng lắp thì ngồi lại thống nhất. Du khách phải đi một vòng miền Tây mới ăn hết món ngon chính hãng.

Bộ sản phẩm du lịch đặc thù được các chuyên gia thực tiễn hỗ trợ cùng địa phương chọn lọc theo tiêu chuẩn độc lạ. Long An là “Tắm rừng dược liệu” và dùng thực phẩm sạch tại “Cánh đồng bất tận” Mộc Hóa.

Ngâm chân dược liệu và nghe đờn ca tài tử ở Cánh Đồng Bất Tận, Mộc Hóa, Long An

Đồng Tháp là “Làm bá hộ ở làng Hòa An xưa” (cách giáo dục truyền thống cách mạng mới và hiệu quả), là đền thờ vợ chồng chủ chợ Cao Lãnh (di tích quốc gia, chủ chợ duy nhất cả nước được thờ trang trọng), Bạc Liêu là đồng hồ Thái Dương (thế giới có 2 chiếc, 1 ở London – Anh) của Bác vật Lưu Văn Lang, là nhãn tím, là muối tiêu chanh khô, là nhà công tử Bạc Liêu (được tái lập như cũ, dẹp quán xá chung quanh và trả khách sạn mạo danh công tử Bạc Liêu cho huyện Sòn).

Đồng hồ đá Thái Dương do báu vật Lưu Văn Lang làm tặng dân Bạc Liêu năm 1913

Bến Tre là uống nước bông dừa, làm và thưởng thức đường dừa; đốt trái cây điếc thành than hoạt tính để khử mùi và đuổi côn trùng (mô hình ở Thái Lan). Trà Vinh là dừa sáp, ao Bà Om (quy hoạch lại) và nghi thức “Thiep” của người Khmer. Sóc Trăng là chùa Đất Sét (phải sắp xếp lại); tự làm và thưởng thức bánh bía, mè láo…và…

Phòng ngủ trong nhà sàn bá hộ ở làng du lịch Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp

Kết luận

Bóng đá Việt Nam gần đây thành công nhờ tinh thần chiến binh của các cầu thủ, được huấn luyện viên tin yêu và truyền lửa. Quản lý, nếu không có đam mê thì không thể truyền lửa. Quản lý nào mà kêu ca “Tài nguyên du lịch quê nhà nghèo nàn và khó khăn đủ thứ” thì nên nghỉ.

Cũng không nên nhận đại là tài nguyên giàu có. Giàu hay nghèo còn tùy thuộc nhiều thứ. Hãy thôi kêu ca là “Nhân lực thiếu và yếu. Tài chính eo hẹp. Giao thông trắc trở” vì chẳng được ích gì. Yếu thì đào tạo lại, cầm tay chỉ việc. Mù chữ vẫn làm du lịch được nếu có tâm và được huấn luyện, truyền lửa. Tiền trong dân và các doanh nghiệp còn rất nhiều. Giao thống khó thì giải quyết từng bước vì “yêu nhau mấy núi cũng trèo”.

Không có địa phương nào không thể phát triển du lịch. Quan trọng là biết cách làm hiệu quả. Hoa sen được đề cao vì nhờ bùn nuôi dưỡng, biết chắt lọc hương thơm tinh khiết từ bùn hôi dâng tặng cho đời.

Việc cuối cùng là không thể để ngành Du lịch chung với Văn hóa và Thể thao được. Du lịch là ngành kinh tế. Còn Văn hóa, Thể Thao; trừ các đơn vị chuyện nghiệp làm kinh doanh, còn lại là các hoạt động xã hội, làm kiểu phong trào, thường được bao cấp. Ở chung thế nào cũng lây lan thuộc tính. Việc gộp chung khách du lịch (lưu trú qua đêm) và khách tham quan, lễ hội, hành hương… vào chung một rổ để báo cáo là hệ quả của tư duy chung nhà VĂN THỂ DU hiện nay.

Miền Nam có truyền thống đi trước, đột phá và mở đường cho cả nước; lẽ nào cứ mãi lừng khừng việc liên kết và phát triển du lịch vùng?

NGUYỄN VĂN MỸ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết vùng du lịch, tại sao chưa hiệu quả?