Bộ Quốc phòng Litva - quốc gia thành viên NATO - cho biết Litva đã lắp đặt các kim tự tháp bê tông chống tăng (được gọi là "răng rồng") ở phía trước một cây cầu gần biên giới Nga.
Trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Litva tuyên bố các khối bê tông “răng rồng” được dựng đối diện với cầu nữ hoàng Louise, nối liền đất nước với khu vực Kaliningrad của Nga, nhằm “phòng ngừa nguy cơ tấn công cũng đảm bảo phòng thủ hiệu quả hơn”. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ trị giá hơn 600 triệu euro (667 triệu USD) đã được Chính phủ Litva phê duyệt.
“Hôm nay, Litva đã thiết lập một cuộc phong tỏa trên và gần cây cầu ở thành phố biên giới Panemune, nối liền Litva và Nga. Việc thiết lập phòng thủ bao gồm mìn, răng rồng…”, Bộ Quốc phòng Litva cho biết hôm 5.9.
Cơ quan quân sự Litva cho biết trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đối phương sẽ “cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn để dọn sạch các chướng ngại vật được thiết kế sẵn, giúp lực lượng của nước này có thêm thời gian chuẩn bị phòng thủ. Các biện pháp chống cơ động có khả năng làm giảm hiệu quả di chuyển của cả bộ binh và thiết bị quân sự lực lượng đối thủ.
“Cầu nữ hoàng Louise là tài sản của Liên bang Nga, do đó, Litva chỉ có thể lắp đặt chướng ngại vật trước cầu. Sự di chuyển của lực lượng đối phương thể bị chặn bởi răng rồng và dây thép gai… Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho mọi thứ có thể xảy ra”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Laurynas Kasciunas nói.
Răng rồng, lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến II, được làm bằng bê tông cốt thép và được sử dụng để cản trở sự tiến công của xe tăng và bộ binh cơ giới.
Căng thẳng giữa Nga và NATO vẫn ở mức cao kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2.2022. Moscow đã cáo buộc liên minh này tham gia vào cuộc chiến bằng cách cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Kyiv. Giới chức Nga thường xuyên đưa ra khả năng rằng đất nước họ có thể tấn công các thành viên NATO để đáp trả việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Trước đó vào tháng 7, Latvia cho biết quốc gia này đang lắp đặt các kim tự tháp bê tông chống tăng dọc theo biên giới với Nga. Theo Bộ Quốc phòng Latvia, các chướng ngại vật chống cơ động đang được “mua sắm và vận chuyển đến các khu vực lưu trữ tạm thời gần biên giới phía đông của Latvia”.
Vào tháng 11 năm ngoái, chính quyền Estonia, thành viên của NATO cũng đã đưa các chướng ngại vật chống tăng giống phòng tuyến “răng rồng” đến cây cầu bắc qua sông ở thành phố Narva, nằm ngay bên kia biên giới với thị trấn Ivangorod của Nga.
Estonia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) năm 2004. Nằm ở cực bắc của 3 quốc gia vùng Baltic cùng với Latvia và Litva, Estonia là một phần của tuyến phòng thủ đầu tiên của NATO ở châu Âu và đóng vai trò an ninh quan trọng đối với liên minh quân sự này.