Phóng viên Lê Quyết của Một Thế Giới đã đi tìm gặp những nhân vật liên quan đến vụ việc máy bay quân sự UH-1 rơi. Con trai Thượng tá Đỗ Văn Chính nói trong nước mắt:"-Tối hôm trước khi gặp nạn, bố con còn ngồi nói chuyện và nhắn nhủ con phải cố gắng học tập giỏi để trở thành phi công. Thế mà bố bỏ gia đình ra đi mãi mãi"...
Sáng nay ngày 29.1, có mặt tại gia đình Thượng tá Đỗ Văn Chính tang thương bao trùm cả con hẻm 27/10 đường Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Tất cả người thân, đồng nghiệp đều có mặt chia buồn nỗi đau mất mát với gia đình.
Đang ngồi thẩn thờ ở một góc nhà, Đỗ Thanh Tùng, 19 tuổi, con trai thượng tá Đỗ Văn Chính vẫn chưa tin những gì đang xảy. Sáng qua em đang ở trong trường thì nghe tin có máy bay gặp nạn. Sau đó, em biết tin đơn vị của bố gặp nạn, nhưng em vẫn không dám tin bố gặp nguy hiểm.
Để chắc chắn thông tin Tùng gọi điện thoại cho bố nhưng không được. Gọi cho mẹ thì mẹ cũng không nghe máy. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành nên em đã chạy vội về nhà thì được các bác cho hay bố đã mất trong khi bay làm nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, bố của phi công Nguyễn Việt Cường chia sẻ với giọng nghẹn ngào |
Danh sách 4 chiến sĩ hy sinh trong tổ bay đều thuộc trung đoàn 917, sư đoàn không quân 370, quân chủng Phòng không không quân, các chiến sĩ hy sinh trong tai nạn này gồm:
- Thượng tá Trần Văn Đức, chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 917;
- Thượng tá Đỗ Văn Chính - cơ giới trên không;
- Lê Hồng Quân, phi công phụ dẫn đường;
- Nguyễn Việt Cường - phi công đang đào tạo lái chính.
Lần gặp cuối của 2 bố con là bữa cơm cách đây 16 ngày, khi Cường đi hội thao bóng rổ ở Hà Nội và được đơn vị cho nghỉ phép anh ghé về nhà. Cường còn nói lần này con vào được thanh toán tiền ăn, tiền công tác phí cũng được 1 khoản sẽ gửi về để bố lo cho ông nội...
Cũng theo ông Dũng, trong nhà Cường rất ngoan hiền, chưa bao giờ ông phải la mắng, phiền lòng. Do yêu thích và rất đam mê bay nên mặc dù đây là nghề cũng khá nguy hiểm gia đình có khuyên bảo nhưng Cường vẫn chọn lựa.
Bài & ảnh: Lê Quyết