Sau 'Call Me By Your Name', 'Love, Simon' lại gây thương nhớ với câu chuyện tình yêu đồng tính của tuổi thiếu niên.
Love, Simon (Simon Thương Mến) là bộ phim nội dung đồng tính đầu tiên hướng đến đối tượng thanh thiếu niên được ra mắt tại một studio lớn như 20th Century Fox. Chuyện một phim đồng tính đến từ hãng phim độc lập được ra mắt sẽ rất khác so với một phim đến từ studio chính trên thế giới - nơi áp lực về danh tiếng và cả tiền bạc đều rất lớn. Để chuẩn bị cho màn ra mắt khá rủi ro này, tác phẩm sở hữu những "vũ khí" gây tan chảy với câu chuyện đẹp đẽ về cậu chàng Simon dễ thương.
Thách thức từ phim đồng tính cho teen đầu tiên của hãng Fox
Để có thể đưa Love, Simon tới gần hơn công chúng, những nhà phát triển của 20th Century Fox đã chọn hướng quảng bá bộ phim như một phim hài – tình cảm (rom-com) nhiều hơn là một phim đồng tính cho thiếu niên nhưng đồng thời cũng không hề giấu diếm trung tâm của câu chuyện cậu trai Simon là gay.
Đạo diễn phim Greg Berlanti đã yêu cầu studio "quảng bá giống như bất kỳ một phim teen rom-com nào, cùng quy mô và phạm vi như thế", và "không che giấu hoặc làm xáo trộn nội dung của tác phẩm." 20th Century Fox cũng không thiếu kinh nghiệm trong việc ra mắt các phim cho đối tượng người trẻ, mà thành công gần đây phải kể tới The Fault in Our Stars (thu về 307 triệu đô) hay Paper Town (85 triệu).
Đồng thời, để neo đậu trong tâm trí cộng đồng, Love, Simon có sự góp mặt của những diễn viên đầy thực lực. Ngoài nam chính "thần thái" ngời ngời Nick Robinson (từng xuất hiện trong Jurassic World) vào vai cậu trai Simon, phim chào đón người đẹp Katherine Langford được biết tới qua thành công của series truyền hình đình đám 13 Reasons Why của đài Netflix và hai ngôi sao có tiếng là Jennifer Garner cùng Josh Duhamel trong vai bố mẹ của Simon.
Tuy nhiên đây vẫn là một canh bạc đối với studio này khi từ trước tới nay chưa có một ông lớn nào thuộc nhóm "lục đại" tại Hollywood "dám" ra mắt một phim tập trung vào nhân vật thiếu niên đồng tính, hơn nữa lại là dòng hài tình cảm.
Thông điệp vượt thời gian
Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết ăn khách Simon vs. the Homo Sapiens Agenda, Love, Simon vừa có chất hoài cổ lại chứa đựng thông điệp chạm tới trái tim của khán giả hiện đại. Những diễn biến tâm lý tinh tế và ngọt ngào trong phim khiến những người trẻ khi đó – nay là những người trung niên tứ tuần – phải bồi hồi nhớ lại.
Ở tuổi 16, 17 đó là những thanh niên không có ước mơ to tát gì ngoài một lần được nắm tay người thương hẹn hò, đi xem phim, ăn pizza và trò chuyện cùng nhau. Đối với họ, một cuộc hẹn như thế trong những năm 80 với người tình đồng giới gần như là một giấc mơ.
Love, Simon giống như một cái ôm ấm áp dành cho thế hệ cũ, những con người đã từng rất bối rối với chính mình. Bộ phim cũng không quên hướng tới thế hệ thiếu niên đương đại – nơi mà tự do và bình đẳng đã được thiết lập nhưng không phải ở mọi nơi. Ở đó, tác phẩm tựa hồ một món quà dành cho người đồng tính: một cảm giác dễ chịu, hạnh phúc với một cái kết đẹp.
Điện ảnh đã gán cho hình ảnh của người LGBT đi kèm với những đau khổ, dằn vặt, thậm chí là bi kịch chết chóc (Moonlight, Brokeback Mountain…). Thế nhưng với những Call Me By Your Name và giờ là Love, Simon, chúng không ru ngủ người xem trong những cuộc đời lý tưởng mà để ta thấy khá hơn, để có được nghị lực và niềm tin vào những điều tốt đẹp và quan trọng, để tự thân đương đầu với sự trưởng thành.
Hai con người, chấp nhận rủi ro đến kết nối với nhau bằng thứ tình cảm khiến họ cảm thấy trọn vẹn, phải chăng cũng là mọi thông điệp mà các phim hài – tình cảm hướng đến chứ không riêng gì Love, Simon. Bộ phim nếu như có được tín hiệu tốt tại phòng vé, sẽ rất có thể mở ra tương lai cho phim đồng tính tại các studio lớn. Nhiều người tin rằng Love, Simon sẽ thành công tương tự The Fault in Our Stars và nếu như thế, ảnh hưởng của nó sẽ góp phần thay đổi cái nhìn của cộng đồng và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng LGBT trên khắp thế giới.
Theo Tri Thức Trẻ