Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC cho rằng hình thức PPP tuyệt đối không nên bao gồm dự án BT. Lý do là không thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó công khai và minh bạch hoá trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần làm rõ quyền tham gia phản biện từ đầu của cộng đồng với dự án PPP

07/05/2020, 12:18

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC cho rằng hình thức PPP tuyệt đối không nên bao gồm dự án BT. Lý do là không thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó công khai và minh bạch hoá trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC - Ảnh: Internet

Dự thảo luật chưa giải quyết được các bất cập ở dự án PPP?

Góp ý cho dự thảo luật về Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC cho rằng hiện nay các dự án PPP mới chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và ngân hàng mà không chú ý đến lợi ích của cộng đồng. Điều này dẫn đến sự bức xúc và phản đối trong dư luận và xã hội.

Hơn nữa, nhiều vấn đề quan trọng và nhạy cảm về tài chính, lựa chọn nhà đầu tư của dự án… không được làm minh bạch, tiềm ẩn nhiều tiêu cực, thậm chí tham nhũng; không thu hút được đầu tư nước ngoài; lĩnh vực được lựa chọn đầu tư PPP khá hẹp và phiến diện, tập trung vào lĩnh vực dễ làm và nhanh thu hồi vốn, trong khi còn nhiều mảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội khác lại không được quan tâm và đầu tư.

Ông Lập cũng cho rằng ở tầm vĩ mô, trong bối cảnh mức đầu tư xã hội nói chung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam khá cao so với khu vực, việc cho triển khai quá nhiều và quá dễ các dự án BOT và BT trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho nền kinh tế, làm tăng gánh nặng chi phí và giá thành các sản phẩm, dịch vụ có liên quan, dẫn tới làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Câu hỏi đặt ra là liệu rằng khi nâng cấp lên thành Luật PPP thì các vấn đề bất cập về chính sách và thực hiện dự án nói trên có cần thiết được đề cập và giải quyết hay không? Tôi cho rằng điều này có, rất cần thiết, tuy nhiên rất tiếc chưa thấy thể hiện rõ trong dự thảo Luật PPP này”, ông Lập nói.

Nên bỏ hình thức BT

Theo ông Lập, hình thức PPP tuyệt đối không nên bao gồm dự án BT hay nếu có thì không theo cách làm như hiện nay. Lý do là về bản chất, đó là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt, có chăng là thanh toán sau mà không cần ứng trước. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải thanh toán, tức chi tiêu công thông qua đầu tư, do đó suy cho cùng chỉ là một cách “lách” Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.

Bởi không thanh toán bằng tiền mặt, ông Lập cho rằng rất khó công khai và minh bạch hoá trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.

Hơn nữa, dự án BT không phù hợp với chính sách hợp tác đối tác công - tư (PPP) vì không có yếu tố tranh thủ vốn đầu tư dài hạn của tư nhân cũng như công nghệ quản trị tiên tiến của khu vực này.

“Hình thức BT rất hiếm khi được triển khai ở các nước với lý do không tận dụng được bất cứ lợi thế gì của khu vực tư nhân và gây khó cho trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Nếu hình thức dự án BT vẫn được giữ lại thì nên kiên quyết bỏ hẳn cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” mà thay vào đó, thanh toán riêng rẽ cho nhà đầu tư bằng tiền sau khi đã đấu giá quyền sử dụng đất một cách rộng rãi và công khai, minh bạch”, ông Lập nhấn mạnh.

Về hợp đồng dự án PPP, ông Lập đánh giá định nghĩa này quá hẹp và đơn giản. Dự thảo luật mang tư duy và hành xử cũ, đó là cơ quan thẩm định, phê duyệt chỉ tập trung vào tư cách, năng lực chủ đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi và vấn đề vốn hay kinh nghiệm. Đó chủ yếu là những thông tin và tài liệu một chiều do chủ đầu tư tự lập ra. Trong khi đó, tính khả thi dự án phải được xem xét toàn diện, ở tầm dài hơn và đặc biệt phải thể hiện cam kết có tính ràng buộc pháp lý của tất cả các bên tham gia”, ông Lập nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Lập cũng đề nghị cân nhắc bỏ quy định dự án do nhà đầu tư tự đề xuất. Theo nguyên lý và logic chung, dự án PPP xuất phát từ nhu cầu và ý chí của Nhà nước vì lợi ích công, rất khác với các dự án của doanh nghiệp và theo thị trường. Do đó, hoàn toàn không có cơ sở nào để cho tư nhân tự đề xuất các dự án này.

Nếu có và trên thực tế cũng đã có, thì lưu ý có nhiều vấn đề và hệ luỵ phức tạp và nhạy cảm cần cân nhắc. Đó là sự móc nối và vận động (lobby) từ phía nhà đầu tư tư nhân để cơ quan nhà nước chấp thuận đề xuất dự án của mình, không phụ thuộc vào việc có cần thiết (từ góc độ nhà nước) hay phục vụ lợi ích công hay không.

Đề xuất thành lập Trung tâm PPP

Vấn đề vốn thực hiện dự án PPP, luật sư Lập lưu ý một điểm chung đó là tăng tối đa nguồn vốn tư nhân trực tiếp, nhất là trong điều kiện của nước ta khi Nhà nước còn duy trì kiểm soát và bao cấp các ngân hàng thương mại, gánh thay rủi ro đồng thời bảo đảm không bao giờ phá sản.

Ngoài ra, cũng theo nguyên lý chung, cần lưu ý rằng nguồn vốn cho dự án PPP phải thực hiện dưới hình thức tài trợ dự án mà không phải tài trợ doanh nghiệp. Lý do bởi một khi nhà phát triển dự án chỉ bỏ 10 - 20% vốn ban đầu, còn lại là huy động từ thị trường thì tính khả thi hay khả năng trả nợ phải được bảo đảm bằng chính luồng tiền từ bản thân dự án chứ không phải bằng sức khoẻ tài chính chung của doanh nghiệp với tư cách là nhà phát triển hay nhà đầu tư dự án.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện và khuyến khích để huy động vốn từ các nguồn khác, bao gồm cả các quỹ tài chính và nhà đầu tư cổ phần hay chứng khoán, thay vì “đặt cọc” vào các ngân hàng thương mại. Do đó, ông Lập đề xuất quy định các tỷ lệ và hạn mức của từng loại nguồn vốn, quy định hình thức phát hành “trái phiếu công trình” (thay cho trái phiếu doanh nghiệp) của doanh nghiệp thực hiện dự án như trong dự thảo.

Về sự tham gia của cộng đồng, cần làm rõ quyền tham gia phản biện và được tham khảo ý kiến của cộng đồng phải được thực hiện ngay từ ban đầu trong trường hợp dự án có tác động đến các quyền và lợi ích của họ.

Ý kiến của cộng đồng phải được tham khảo trên cơ sở giải trình rõ ràng về dự án định triển khai và trực tiếp thông qua hội nghị cộng đồng với đại diện của các hộ dân có liên quan (theo nguyên tắc dân chủ trực tiếp ở cơ sở) mà không thể thay thế bằng ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương.

Ông Lập cũng đề xuất mới về thành lập Trung tâm PPP theo mô hình các nước và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Các Trung tâm này không phải là cơ quan hành chính có thẩm quyền quyết định mà thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và tư vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến PPP, cũng như lưu trữ và công bố thông tin về các dự án PPP, hỗ trợ thẩm định các dự án, hỗ trợ đàm phán và xử lý các tranh chấp về PPP.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần làm rõ quyền tham gia phản biện từ đầu của cộng đồng với dự án PPP