Theo một số chuyên gia tâm lý học chính trị, quyết định bỏ phiếu có thể thiên về cảm tính nhiều hơn là lý tính.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đối thủ Kamala Harris hiện bám đuổi nhau rất gay gắt, hứa hẹn một cuộc bầu cử vô cùng kịch tính. Hai ứng viên, giới chuyên gia lẫn cử tri đều mong chờ kết quả tại từng địa phương lẫn kết quả cuối cùng. Tất cả đều tùy thuộc vào việc cử tri có quyết định đi bỏ phiếu hay không và điều gì thúc đẩy họ chọn ứng viên này mà không phải ứng viên kia.
Vì sao quyết định đi bỏ phiếu?
Lúc đến ngày 5.11, cử tri hoàn toàn có thể chọn làm việc khác. Vậy vì sao họ lại quyết định đến điểm bầu cử?
Giáo sư khoa học hành vi Keith Humphreys (Đại học Stanford) lý giải: “Có hơn 100 triệu người sẽ bỏ phiếu, vì vậy khả năng lá phiếu của bạn, của tôi hay của bất cứ cá nhân nào khác thay đổi kết quả cuộc bầu cử là bằng không. Nhưng lý do khiến mọi người làm vậy là họ muốn thể hiện bản thân thông qua hành động đi bỏ phiếu. Giống như biểu tình vậy. Ta nhìn vào và nghĩ rằng làm vậy chẳng thể thuyết phục ai cả. Trọng tâm không nằm ở thuyết phục, mà ở thể hiện bản thân.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học chính trị quốc tế Christopher M.Federico: “Điều thực sự thúc đẩy mọi người đi bỏ phiếu là thói quen. Bạn có nhiều khả năng đi bỏ phiếu hơn khi bạn đã làm điều này nhiều lần trong quá khứ và cảm thấy rằng đây là chuyện thường làm mỗi lần bầu cử”.
Giáo sư tâm lý học Tania Israel (Đại học California) thì nhận định ý muốn thể hiện sự đoàn kết cũng là lý do: “Ngoài chia sẻ chung về vấn đề lẫn hệ giá trị, cử tri còn đi bỏ phiếu nhằm thỏa mãn mong muốn được gắn kết với cộng đồng nào đó. Khoảng 30 năm trở lại đây bản sắc đảng phái đã trở nên mạnh mẽ và rõ ràng hơn, do đó việc bạn xác định bản thân ủng hộ đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa là chỉ dấu đủ mạnh mẽ để dự đoán bạn chọn ứng viên nào”.
Cử tri chưa biết chọn ai
Tờ The New York Times xác định cách đây vài tuần còn 3,7% cử tri (khoảng 1,2 triệu người) chưa biết chọn ứng viên nào. Đội ngũ chiến dịch tranh cử của hai ứng viên xác định cử tri chưa lựa chọn chủ yếu làn người trẻ tuổi, người da màu, người không có bằng đại học. Vậy điều gì sẽ tác động đến quyết định của họ?
Giới chuyên gia cho rằng cảm xúc đóng vai trò đáng kể với hầu hết cử tri kể cả trường hợp chưa lựa chọn. Theo Giáo sư Israel: “Quyết định của họ có thể dựa trên mức độ yêu thích dành cho ứng viên cụ thể, ảnh hưởng từ người xung quanh cùng nhiều cảm xúc như hy vọng hay sợ hãi”.
Thông tin cũng có tác động nhất định. Ai cũng biết về “bất ngờ tháng 10” - chỉ việc một số tin tức hoặc sự kiện chấn động xuất hiện vào phút cuối đem lại bước ngoặt cho cuộc bầu cử, chẳng hạn vụ Giám đốc FBI James Comey thông báo điều tra thư điện tử của nữ chính trị gia Hillary Clinton đúng lúc thế dẫn trước mà bà thiết lập được với đối thủ Donald Trump ở cuộc bầu cử năm 2016 bị thu hẹp. Theo Chủ tịch Federico, thông tin nổi bật gần ngày bầu cử tác động rất lớn đến những cử tri chưa biết chọn ứng viên nào.
Vì sao có cử tri bỏ phiếu “ngược lại lợi ích của mình”?
Giáo sư Humphreys giải thích đây có thể chỉ là nhận định phiến diện. Theo ông: “Họ bỏ phiếu ngược lại những gì bạn nghĩ là lợi ích của họ. Nhưng trên thực tế họ không quan tâm lợi ích này mà chú trọng lợi ích khác”.
Nhà bình luận chính trị Fareed Zakaria (đài CNN) dẫn nhiều nghiên cứu chỉ ra cử tri bỏ phiếu vì cảm xúc, ý thức hệ, đạo đức nhiều hơn là lợi ích kinh tế.