Hiện nay, hành lang pháp lý của Việt Nam về hoạt động M&A đối với doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng còn tồn tại nhiều bất cập.
Còn nhiều bất cập
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở Việt Nam đang được quy định và điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Việc quy định phân tán và không cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm khác nhau đã làm doanh nghiệp khó vận dụng vào hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, mục tiêu điều chỉnh hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cũng không giống nhau.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2005 không đề cập đến hoạt động mua lại doanh nghiệp nói chung mà chỉ quy định việc bán doanh nghiệp tư nhân và xem xét sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp như là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của doanh nghiệp.
Thông tư số 04/2010 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là Thông tư số 04 cho phép tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước được giao quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng.
Luật Ðầu tư năm 2005 coi việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp như một trong các hình thức đầu tư trực tiếp. Hiện nay, các đạo luật về đầu tư, các cam kết của Việt Nam về đầu tư cũng đã xác nhận M&A là một hình thức đầu tư, tuy nhiên quy định này mới chỉ xác định với tư cách là một hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) và còn rất sơ sài về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư này trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi đó Luật Chứng khoán coi hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư đối với các ngân hàng trên thị trường chứng khoán là một hình thức đầu tư gián tiếp (FII)...
Ngoài ra, các vấn đề pháp lý khác cũng rất đáng được quan tâm như định giá tài sản, thương hiệu, thuế, giải quyết lao động sau M&A... cũng cần phải được làm rõ trong quá trình hoàn thiện các chính sách, cơ chế cho hoạt động M&A ngân hàng.
Một số kiến nghị
Có thể thấy rằng, hành lang pháp lý về hoạt động M&A đối với doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập.
Từ những tồn tại trên, giới chuyên gia đề xuất, đầu tiên cần sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 04/2010 của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại là loại hình doanh nghiệp đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khác với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khác, ngân hàng là định chế tài chính trung gian với chức năng thường xuyên và chủ yếu là nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Xuất phát từ đặc thù đó, hoạt động M&A ngân hàng cần có văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đặc thù này.
Thứ hai là thủ tục xử lý các giao dịch với người gửi tiền và người vay trước khi giao dịch M&A được xác lập chưa được hướng dẫn rõ trong cả văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và dự thảo thông tư. Cho nên, khi tham gia M&A, các ngân hàng không tránh khỏi bị thụ động và lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.
Thứ ba là cần nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Điều này sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính. Hiện tại, mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quyết định mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó vượt quá 15%, nhưng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cơ quan quản lý cũng cần phải có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục M&A. Pháp luật hiện hành mới chỉ xác lập nguyên tắc và hình thức pháp lý cho các hoạt động M&A. Theo đó, ngân hàng thương mại phải thực hiện các thủ tục liên quan để giao dịch M&A có hiệu lực và các thủ tục, trình tự tại các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm định, phê duyệt giao dịch M&A ngân hàng. Ngoài ra cũng cần hướng dẫn chi tiết về thủ tục sau hợp nhất và sáp nhật để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông.
Về tiêu chí sử dụng để tính toán thị phần của các ngân hàng Việt Nam, các quy định hiện hành về cách tính thị phần của tổ chức tín dụng chưa hợp lý. Ðối với quy định sử dụng doanh thu để xác định thị phần của các tổ chức tín dụng chưa phản ánh đúng bản chất của sự tập trung trong hoạt động ngân hàng. Cần kết hợp các tiêu chí để xác định thị phần.
Cần bổ sung quy định pháp luật về việc M&A giữa một ngân hàng Việt Nam và một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đảm bảo khi xảy ra M&A giữa hai tổ chức nói trên, sẽ không vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo pháp luật hiện hành.
Hiện nay, đang tồn tại tình trạng không thống nhất về cơ sở tính toán mức độ tập trung trong ngân hàng giữa Luật Cạnh tranh và Nghị định số 69/2007/NÐ-CP. Luật Cạnh tranh quy định giới hạn mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng dựa trên thị phần, trong khi Nghị định số 69/2007/NÐ-CP lại quy định giới hạn về mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng căn cứ trên vốn điều lệ. Do đó, để đảm bảo tính nhất quán trong quy định của pháp luật thì cần sửa đổi quy định trong Nghị định số 69/2007/NÐ-CP theo Luật Cạnh tranh.
Ngoài ra, cần xem xét để bổ sung các quy định pháp luật về M&A khi ngân hàng Việt Nam niêm yết ở nước ngoài; tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn tại 2 ngân hàng Việt Nam trở lên...