Sự lập lờ trong cách thử vàng, hàm lượng vàng là điểm "mù" để các cơ sở kinh doanh vàng công khai "móc túi" người tiêu dùng.
Bất chấp quy định về chất lượng vàng theo Thông tư 22 đã có hiệu lực hơn 1 năm nay, thị trường vàng trang sức hầu như không có gì thay đổi. Tình trạng ăn gian tuổi vàng vẫn hết sức phổ biến. Tuổi vàng, hàm lượng vàng là bao nhiêu phụ thuộc vào chủ tiệm vàng.
Mỗi nơi một kết quả
Cuối tuần qua, chúng tôi ghé một tiệm vàng lâu năm trên đường Quang Trung (p.10, Q.GÒ Vấp) bán sợi lắc tay. Nhân viên của tiệm đưa sợi lắc tay lên bàn cân và nói: “Lắc tay này vàng bổng (tức sản phẩm có ruột rỗng - PV) nên tiệm nấu ra mới tính được tuổi vàng để tính giá”. Chúng tôi thắc mắc, nếu nấu ra mà tiệm không chịu mua hoặc mua giá thấp thì phải làm thế nào, người này lạnh lùng nói: “Vậy thì tiệm không mua”.
Cầm sợi lắc tay đến khu vực tập trung nhiều tiệm vàng quanh khu vực chợ Gò Vấp, chúng tôi ghé vào một tiệm vàng trên đường Nguyễn Văn Nghi. Tại đây, nhân viên tiệm vàng cầm sợi dây chà lên một viên đá đen thành các sọc, sau đó chấm một ít dung dịch lên viên đá, sợi lắc được lau qua loa rồi bỏ lên cân. Sau giai đoạn kiểm tra, nhân viên nói: “Thu giá 750.000 đồng. Vàng thấp tuổi quá, chỉ hơn 5 tuổi. Muốn giá hơn, chị về chỗ nào bán cái lắc này sẽ được giá hơn”. Chúng tôi tiếp tục cầm sợi lắc tay đến một tiệm vàng khác trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), sau quá trình kiểm tra, nhân viên thu mua nói sẽ mua lại giá 1,05 triệu đồng sau khi công bố hàm lượng vàng chỉ có 57%.
Ảnh minh họa |
Để biết được tuổi vàng là bao nhiêu, chúng tôi mang lắc tay nhờ Công ty vàng bạc đá quy Sài Gòn - SJC kiểm định. Ông Huỳnh Húc Nghi, Phó phòng Kinh doanh nữ trang sỉ SJC, cho biết: “Qua phương pháp quang phổ, hàm lượng vàng của sản phẩm này là 60%”. Mang sản phẩm này đến một đơn vị kiểm định vàng do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ chỉ định. Sau khi dùng phương pháp huỳnh quang tia X, đơn vị này xác định hàm lượng vàng của sản phẩm từ 60,7% đến 61,43%. Phương pháp huỳnh quang tia X được đánh giá khá chính xác trong vấn đề xác định tuổi vàng nhưng với cuộc thử nghiệm như trên, xem ra mỗi máy huỳnh quang tia X cho ra một hàm lượng vàng khác nhau.
Vẫn phải mua đâu bán đó
Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực từ ngày 1.6.2014 kỳ vọng sẽ mang lại cho thị trường vàng trang sức sự minh bạch và người tiêu dùng sẽ không còn bị “móc túi bởi sự nhập nhèm tuổi vàng. Thế nhưng như thực tế nói trên, tình trạng loạn tuổi vàng vẫn đang tiếp diễn. Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA) Nguyễn Văn Dưng cho biết: “Tình trạng “mua đâu bán đó” vẫn tồn tại trên thị trường vàng nữ trang. Khách hàng mua vàng hàm lượng 75% ở tiệm này nhưng nếu bán chỗ khác sẽ bị áp cho tuổi khác, non hơn có khi chỉ 70 - 73% hàm lượng vàng, thậm chí thấp hơn”.
Tương tự, theo quy định hiện nay công bố 17 tiêu chuẩn hàm lượng vàng từ 18K (có hàm lượng vàng là 33,3%) đến 24K (99,9%). Nếu sản phẩm không đạt được những tiêu chuẩn này thì có hàm lượng vàng bao nhiêu sẽ phải công bố bấy nhiêu nhưng vấn đề là mỗi tiệm có một cách tính tuổi vàng cũng như tính giá khác nhau. Ông Dưng thừa nhận: “Những sản phẩm có hàm lượng vàng không nằm trong 17 tiêu chuẩn quy định mà theo công bố của doanh nghiệp thì khách hàng rất khó biết được giá như thế nào. Giá vàng nhiều khi không phụ thuộc hẳn vào chất lượng vàng. Cùng một tuổi vàng nhưng có nơi đưa ra giá chênh lệch 1 - 2 triệu đồng/lượng. Nhiều khi sản phẩm có hàm lượng vàng 73% nhưng tiệm bán với giá 76% hay 78%, người tiêu dùng khó tính được giá. Thường thì khi khách hàng thích sản phẩm đó, người bán nói bao nhiêu thì mua, đến khi bán lại không đúng tiệm sẽ bị ép giá”.
Theo Thanh Xuân (Thanh Niên)