Bà Nguyễn Tuyết Hồng (ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vừa gửi đơn trình báo đến Công an địa phương về việc bà bị lừa đảo lấy hết số tiền tiết kiệm khi làm theo cuộc gọi lạ tự xưng công an.

Mắc bẫy cuộc gọi lạ của kẻ tự xưng công an, người phụ nữ ở Cà Mau mất 140 triệu đồng

Trần Khải | 02/12/2021, 09:52

Bà Nguyễn Tuyết Hồng (ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vừa gửi đơn trình báo đến Công an địa phương về việc bà bị lừa đảo lấy hết số tiền tiết kiệm khi làm theo cuộc gọi lạ tự xưng công an.

Nói về sự việc bị lừa bà Hồng buồn rầu cho biết, ngày 8.11.2021, điện thoại của bà nhận được cuộc gọi của một người lạ tự xưng là nhân viên bưu điện. Quá trình trò chuyện với bà Hồng, người này nói bà nợ tiền điện hơn 58 triệu đồng và đang chuyển hồ sơ cho Công an TP.HCM để điều tra. Tuy nhiên, bà Hồng phủ nhận mình nợ tiền nên đã phản bác lại thông tin trên với kẻ lạ mặt.

hoa-don-rut-va-chuyen-tien-vao-so-tai-khoan-cua-nguoi-la-cua-ba-hong-anh-tran-khai.jpg
Hóa đơn rút và chuyển tiền của bà Hồng vào số tài khoản theo yêu cầu của người lạ - Ảnh: Trần Khải

Sau đó, kẻ này đã kết nối điện thoại với một người khác xưng là thiếu úy Tân, có mã số 389xxx nói là đang công tác tại Đội đặc nhiệm Công an TP.HCM để bà Hồng kiểm chứng thông mình đang bị công an điều tra hành vi nợ tiền điện. Mặc dù, người tự xưng là nhân viên bưu điện nói rằng bà Hồng đang bị điều tra hành vi nợ tiền điện, nhưng đến khi trao đổi với người xưng là thiếu úy công an thì không phải như vậy.

Cụ thể, trong quá trình trò chuyện, người xưng thiếu úy Tân đã nói với bà Hồng nhiều chuyện khác nhau. Trong đó, có đề cập đến vấn đề người phụ nữ này có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy và đang bị điều tra. Kẻ này còn hăm dọa nếu bà Hồng không hợp tác để phục vụ công tác điều tra thì ngay trong chiều 8.11.2021 sẽ cho lực lượng xuống bắt và di lý bà về TP.HCM.

Theo lời bà Hồng, bản thân bà là cán bộ hưu trí, từ trước đến nay chẳng quen biết ai ở TP.HCM và càng không liên quan gì đến những chuyện làm ăn vi phạm pháp luật. “Dẫu vậy, khi tôi nghe họ đến chuyện mình sẽ bị bắt và đem về TP.HCM để tạm giam gì đó, tôi rất sợ. Tôi cũng nghĩ rằng bản thân không làm thì không sợ nên chấp nhận trả lời những câu hỏi qua điện thoại của người này”, bà Hồng cho biết. Đồng thời, người phụ nữ này cho rằng, trong suốt quá trình trò chuyện người xưng là thiếu úy công an thường đề cập đến chuyện bà sẽ bị bắt, giam giữ và tù tội.

Sau khi tìm hiểu và biết được bà Hồng có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Kẻ này gợi mở cho bà Hồng nếu muốn làm rõ hành vi vi phạm thì bà phải lập tức đến ngân hàng rút hết số tiền trên, đồng thời chuyển vào một tài khoản do người này cung cấp để cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác minh nguồn tiền trên có sạch hay không. Trong quá trình xác minh, điều tra nếu không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển trả lại cho bà Hồng. Người xưng thiếu úy công an còn dọa nếu bà Hồng không thực hiện sẽ áp dụng những biện pháp “cứng” đối với mình.

"Sau những lời đe dọa khiến đầu ốc tôi cũng lú lẫn, tôi hoang mang lo lắng đến nỗi mất bình tĩnh, không còn suy nghĩ gì được. Liền sau đó tôi đã đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 140 triệu đồng để chuyển về số thẻ 12910000428803 tên Hoàng Khánh Châu”, bà Hồng cho biết thêm.

Từ khi chuyển tiền cho đến nay, bà Hồng không thấy họ chuyển trả lại và không liên lạc được với nhóm người này. Nhận thấy mình bị lừa gạt nên bà Hồng đã gửi đơn tố giác đến công an địa phương để có biện pháp xử lý.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay các thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt cũng xuất hiện rất nhiều, với các thủ đoạn khác nhau. Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

“Theo quy định của pháp luật, các cơ quan pháp luật không được phép làm việc qua điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân như trường hợp của bà Hồng. Khi cần xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án, hành vi phạm tội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập công dân đến làm việc tại trụ sở cơ quan theo quy định. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những cuộc gọi có nội dung thông tin tương tự người dân cần bình tỉnh không nên sợ hãi mà sập bẫy của những kẻ lừa đảo”, luật sư Tuấn khuyến cáo.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mắc bẫy cuộc gọi lạ của kẻ tự xưng công an, người phụ nữ ở Cà Mau mất 140 triệu đồng