Đài Channel News Asia cho biết một số chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Malaysia đang khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện sớm dấu hiệu trầm cảm.
Xu thế trên xuất hiện khi Malaysia chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về các thách thức sức khỏe tâm thần hậu đại dịch COVID-19. Theo một khảo sát quy mô toàn quốc gần đây, nước này hiện có khoảng 1 triệu người mắc trầm cảm – gấp đôi năm 2019, trong đó một nửa từng định làm hại bản thân hoặc tự tử.
Bản thân từng trải qua trầm cảm nặng, bác sĩ Jest Wong (nhà sáng lập phòng khám Westwood) cùng nhóm của mình nảy ra ý tưởng tạo ra ứng dụng AI hỗ trợ phát hiện sớm căn bệnh. Người dùng chỉ cần quét mã QR và ghi lại một đoạn giọng nói ngắn 90 giây. Ứng dụng sẽ phân tích đặc điểm giọng như độ rõ ràng, tốc độ, âm điệu để lập báo cáo sức khỏe tâm thần.
"Đây là cách chúng tôi giúp đất nước trở nên tốt đẹp hơn. Một ứng dụng truy cập dễ dàng”, ông Wong chia sẻ.
Ứng dụng được hơn nửa triệu người truy cập kể từ khi ra mắt vào tháng 7 năm ngoái. Tùy thuộc báo cáo tâm thần mà người dùng quyết định nên liên hệ bác sĩ hay không.
Sự xuất hiện của ứng dụng như vậy sẽ tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Malaysia, nơi đang thiếu chuyên gia đủ trình độ. Nước này chỉ có khoảng 500 bác sĩ tâm thần, nghĩa là 1 bác sĩ trên mỗi 200.000 dân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ nên ở khoảng 1 bác sĩ trên mỗi 10.000 dân.
Theo Giám đốc điều hành Trung tâm phục hồi chức năng Solace Asia Prem Kumar Shanmugam: “Sự gia tăng nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cùng tình trạng thiếu bác sĩ buộc chúng tôi phải tìm kiếm lựa chọn khác. AI, công nghệ số, chatbot chắc chắn là lựa chọn tốt”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhắc nhở AI chỉ đủ khả năng hỗ trợ chứ không thể thay thế cho hiểu biết sâu sắc của các bác sĩ con người. Giám đốc Shanmugam chỉ ra trí tuệ nhân tạo chưa học được tính đặc thù văn hóa: “Dù là y học, tâm lý học hay bất kỳ lĩnh vực lâm sàng nào, chúng ta cần nhạy cảm về mặt văn hóa với nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân khác nhau”.
Phó giáo sư Tâm lý học Maria Hennessy (Đại học James Cook) nhận xét: “Ở thời điểm hiện tại, AI và chatbot dường như chỉ là mơ ước hơn là hiện thực nếu xét đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe. Công nghệ vẫn đang trong quá trình phát triển, còn cả chặng đường dài phía trước. Chúng giao tiếp và cung cấp thông tin cơ bản, nhưng chưa mang lại cảm giác đồng cảm lẫn gắn kết mà bệnh nhân tìm kiếm ở một bác sĩ tâm thần giỏi. Cảm giác đồng cảm lẫn gắn kết chiếm đến 50% hiệu quả điều trị”.