Để xã hội hóa dịch vụ công, trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh đến việc rất cần cái tâm và tầm của nhà quản lý.
Nhà nước vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài
Ngày 15.5, tại hội thảo về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng các lĩnh vực được coi như là sân riêng của nhà nước như hàng không, cảng biển, đều đã có sự tham gia của tư nhân. Dù vậy, sự tham gia của tư nhân còn hạn chế. Nhiều dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, trong 1 quy trình gần như khép kín dẫn đến tình trạng không minh bạch.
Ông Lộc chỉ ra rằng nhiều dịch vụ công chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo, người dân và doanh nghiệp đơn thuần chỉ phải thông báo nhưng khi nhà nước quản lý, thì hành vi này lại trở thành việc xin - cho. Sau đó, việc kiểm tra tuân thủ các điều kiện dịch vụ công cũng do chính cơ quan nhà nước thực hiện. "Nhà nước vừa làm sân chơi, vừa làm trọng tài và nhà nước là cầu thủ luôn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo chủ tịch VCCI, việc nhà nước vừa làm chính sách, vừa tổ chức thực thi, vừa cấp giấy phép, vừa thẩm định năng lực cần phải được xem xét lại cách nghiêm túc để có những thay đổi phù hợp.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam - VinaLAB, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cho rằng, nếu suy xét kỹ thì xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu như không muốn nói là “nửa vời”, gây cản trở rất lớn để thúc đẩy tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này.
Rủi ro lớn nhất mà ông Dũng đánh giá là tính bất ổn định của pháp luật, ví dụ, năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn QCVN 02-15:2009/BNNPTNT. Nhưng khi Luật Thủy sản (2017) ra đời thì điều kiện sản xuất giống thủy sản lại phải chứng nhận như chứng nhận điều kiện sản xuất và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước (có phân cấp đến địa phương).
“Như vậy, để triển khai dịch vụ chứng nhận hợp quy trên, các tổ chức chứng nhận đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm, nhưng chỉ sau 1 đêm tất cả các đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa, đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư. Mất sự nghiệp chỉ bởi một quy định hành chính thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa?”, ông Dũng nói.
Rủi ro tiếp theo ông Dũng cho là tính phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân với tổ chức của Nhà nước. “Quy định như vậy có công bằng và hợp lý không? Tuy xã hội hóa nhưng vẫn giữ cái gì đó mang thuộc tính nhà nước thì làm sao đảm bảo công bằng giữa các tổ chức có hình thức sở hữu khác nhau”.
“Về bản chất, đây là sự phân biệt đối xử giữa sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Trên thực tế, thời gian qua các tổ chức tư nhân vi phạm quy định pháp luật đến mức xử lý hình sự là không có, mà điều này chỉ xảy ra ở các đơn vị sự nghiệp công”, ông Dũng nêu.
Ông Dũng cũng nêu quan điểm, việc thực thi pháp luật ở nước ta còn rất bất cập, không thống nhất giữa các Bộ ngành. Sự vận dụng “linh hoạt” này đó chủ yếu theo hướng “bắt chẹt” doanh nghiệp. Đồng thời, việc vi phạm pháp luật không được xử lý nghiêm nên thực tế tồn tại rất nhiều cạnh tranh không lành mạnh nên những đơn vị, tổ chức làm chuẩn, làm đúng thường bị thua thiệt.
“Có thể khẳng định, các cơ quan thực thi pháp luật không thể bảo vệ được các tổ chức hoạt động đúng luật, các tổ chức này chỉ có cách tự bảo vệ mình. Trong lĩnh vực dịch vụ công cũng vậy”, ông Dũng nêu.
Cái gì tư nhân làm được hãy để họ làm
Ông Dũng nêu quan điểm, với tư nhân, khi họ thành lập ra một tổ chức thì đó toàn bộ là cơm, là gạo, là áo, là tiền của tư nhân đó. Nếu sai lầm là họ phải trả giá bằng tiền ngay lập tức và có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp nên họ đâu có dễ dàng thỏa hiệp với cái làm bậy.
Để xã hội hóa dịch vụ công nói chung, dịch vụ khoa học công nghệ nói riêng trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển, ông Dũng nhấn mạnh việc rất cần cái tâm và tầm của nhà quản lý. Việc xây dựng pháp luật phải dựa trên lòng tin thì các quy định pháp luật đó mới có tính nhân văn, dễ đi vào cuộc sống thực tế.
“Nếu xây dựng pháp luật theo tinh thần cấm đoán, cho phép/không cho phép thì chắc chắn dân sẽ lách luật để làm sao có lợi nhất cho mình”, ông Dũng nêu.
Theo doanh nhân này, để khai thác tối đa nguồn lực xã hội thì cái gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm. Có ý kiến cho rằng, tư nhân không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư thử nghiệm kỹ thuật cao, tuy nhiên nếu có cơ chế đảm bảo thì chỉ cần có cơ hội sinh lời thì bao nhiêu tiền cũng đã có ngân hàng lo. Nhà nước không phải lo doanh nghiệp thiếu tiền.
Lam Thanh