Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến chỉ số Shanghai Composite giảm 1,9% kể từ đầu tuần và trong phiên giao dịch ngày 13.5, thị trường chứng khoán Trung Quốc chìm trong cơn bán tháo.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 10,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỉ USD) ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi các liên kết giữa sàn Hồng Kông và đại lục hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ lễ.
Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng cộng kể từ đầu tháng 5 tới nay, khối ngoại đã rút 28,3 tỉ nhân dân tệ ra khỏi thị trường này, vượt xa con số của tháng 4 dù tháng 4 họ đã rút ra lượng vốn kỷ lục, .
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định dòng vốn sẽ nhanh chóng đảo chiều nếu như triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được cải thiện và các nhà đầu tư bắt đầu bắt đáy thị trường, còn Trung Quốc sẽ sớm triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.
Điều đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc sau khi hồi phục mạnh mẽ trong tháng 3 thì đã mất đà trong tháng 4, trước cả khi diễn ra các đợt thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Bloomberg, sản lượng công nghiệp của nước này tháng 4 tăng 5,4% so với 1 năm trước nhưng lại thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 6,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống còn 7,2% (mức dự báo là 8,6%) và đầu tư tài sản cố định trong 4 tháng đầu năm giảm xuống còn 6,1% so với mức dự báo 6,4%.
Đầu tư công được tăng cường trong 4 tháng đầu năm trong khi đầu tư của khu vực tư nhân tăng trưởng chậm lại đáng kể. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất suy yếu nhưng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản lại nhích lên.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp để hỗ trợ tâm lý thị trường như cắt giảm thuế hay trợ cấp tiêu dùng, thay vì thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế như đã đề xuất trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 4.
Kịch bản tệ nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà các nhà kinh tế lo ngại chính là hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tiếp tục gia tăng thuế quan đáp trả lên hàng hóa của nhau, tạo rào cản thương mại và thậm chí có thể lan sang những khu vực khác. Trường hợp này về cơ bản như một "phiên bản" thương mại của Chiến tranh Lạnh và hậu quả kinh tế có thể sẽ rất nghiêm trọng.
A.T.T tổng hợp