2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận với việc đại dương ấm lên, sông băng tan chảy đáng báo động. Giới khoa học đang phải cố gắng làm rõ nguyên nhân.
Khoa học - công nghệ

Mây ít cũng góp phần làm nhiệt độ Trái đất tăng nhanh hơn?

Cẩm Bình 06/12/2024 17:12

2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận với việc đại dương ấm lên, sông băng tan chảy đáng báo động. Giới khoa học đang phải cố gắng làm rõ nguyên nhân.

Các nhà khoa học biết rằng nhiệt độ cao bất thường được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch và mô hình khí hậu tự nhiên El Niño. Nhưng chúng không đủ khả năng làm nhiệt độ tăng nhanh như vậy.

Giờ đây, một nghiên cứu mới do nhà vật lý khí hậu Helge Goessling (Viện Alfred Wegener) dẫn đầu thực hiện đã tìm ra yếu tố còn thiếu, đó là mây. Cụ thể hơn là tình trạng thiếu mây tầm thấp trên đại dương.

2024-12-06-142103.png
Theo nghiên cứu mới, tình trạng thiếu mây tầm thấp trên đại dương cũng góp phần làm nhiệt độ Trái đất tăng nhanh

Ông Goessling giải thích ít mây sáng màu tầm thấp hơn đồng nghĩa Trái đất “tối hơn”, nên hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Hiệu ứng này có tên “suất phản chiếu” - chỉ khả năng phản xạ năng lượng mặt trời trở lại không gian.

Theo nghiên cứu, suất phản chiếu của Trái đất suy giảm kể từ những năm 1970, một phần do băng, cùng tuyết sáng màu tan nhanh để lộ khu vực đất và nước sẫm màu hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời. Mây tầm thấp giúp tăng suất phản chiếu vì chúng có thể phản chiếu ánh sáng ngược lên không trung.

Nhóm thực hiện nghiên cứu qua xem xét dữ liệu vệ tinh NASA, dữ liệu thời tiết và mô hình khí hậu phát hiện sự suy giảm mây tầm thấp làm suất phản chiếu của Trái đất năm ngoái giảm xuống mức thấp kỷ lục. Mây trên một số vùng biển ở phía bắc Đại Tây Dương suy giảm đặc biệt đáng kể.

Nghiên cứu chưa thể tìm ra lý do. Ông Goessling cho rằng đây là kết quả của tình trạng ô nhiễm do hoạt động vận chuyển được cải thiện, biến đổi khí hậu tự nhiên cộng thêm chính tình trạng nóng lên toàn cầu.

Mây tầm thấp thường phát triển mạnh trong bầu khí quyển mát mẻ và ẩm ướt. Bề mặt Trái đất nóng lên khiến mây mỏng đi thậm chí tan biến hoàn toàn, tạo nên vòng lặp phức tạp mà trong đó mây tầm thấp biến mất do việc nóng lên toàn cầu và sự biến mất của chúng đẩy nhiệt độ tăng nhanh hơn.

Ông Goessling cảnh báo nếu vòng lặp trên quả thực xảy ra thì dự báo về tình trạng nóng lên trong tương lai có thể không chính xác. Tình trạng nóng lên sẽ dữ dội hơn nhiều.

Nhà khoa học khí quyển Mark Zalinka thuộc Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore, xác nhận mây đóng vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ, vì về cơ bản chúng giống như “kem chống nắng” của Trái đất vậy. Thay đổi nhỏ của mây có thể thay đổi đáng kể suất phản chiếu của hành tinh chúng ta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mây ít cũng góp phần làm nhiệt độ Trái đất tăng nhanh hơn?