Sau khi rời Nhà Trắng, Michelle Obama đã từ chối tranh cử vào vị trí tổng thống nước Mỹ mà chồng bà từng nắm giữ theo nguyện vọng của rất nhiều cử tri, nhưng bà đã dành thời gian để làm một việc chưa ai từng làm được, đó là viết hồi ký Becoming (Chất Michelle).

Michelle Obama và Donald Trump - Kỳ I: Sự đối lập điển hình của 2 phong cách

FN | 08/08/2019, 07:32

Sau khi rời Nhà Trắng, Michelle Obama đã từ chối tranh cử vào vị trí tổng thống nước Mỹ mà chồng bà từng nắm giữ theo nguyện vọng của rất nhiều cử tri, nhưng bà đã dành thời gian để làm một việc chưa ai từng làm được, đó là viết hồi ký Becoming (Chất Michelle).

LTS: Theo NBC News cuốn hồi ký được yêu thích và bán chạy nhất mọi thời đại. Tác phẩm của bà Michelle Obama đã trở thành một hiện tượng xuất bản toàn cầu, được mô tả như một cơn lốc ngôn từ và câu chuyện choáng lấy độc giả trên khắp thế giới. Mời bạn theo dõi một trích đoạn chương Chúng ta của cuốn hồi ký này.

Cuối tháng bảy, tôi bay qua một cơn bão mạnh, máy bay chao đảo và chúi đầu khi trên đường đến Philadelphia, nơi tôi sẽ diễn thuyết lần cuối cùng tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ. Có lẽ đó là cơn nhiễu động không khí tồi tệ nhất mà tôi từng gặp phải.

Trong khi giám đốc truyền thông Caroline Adler Morales, người đang vào tháng cuối thai kỳ, lo là sự dằn xóc có thể khiến cô chuyển dạ sớm, còn Melissa, người bình thường đi máy bay chẳng có vấn đề gì, cứ ngồi trên ghế của mình mà kêu hét thất thanh, thì tất cả những gì tôi nghĩ được chỉ là hãy cho tôi hạ cánh đúng giờ để tập dợt cho bài diễn văn. Dù từ lâu đã quen với việc phát biểu trên những sân khấu lớn nhất, tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ.

Hồi 2008, trong lần tranh cử tổng thống đầu tiên của Barack, tôi đã tập dợt bài diễn văn tại đại hội nhuần nhuyễn tới mức có thể đặt các dấu phẩy cả trong lúc ngủ, một phần vì tôi chưa từng phát biểu bài diễn văn nào trực tiếp trên truyền hình như thế, phần nữa là vì tôi biết nhiều người chỉ đang đợi cơ hội để công kích tôi. Tôi bước lên sân khấu sau khi đã bị miệt thị là một mụ đàn bà da đen tức tối không hề yêu đất nước của mình. Bài diễn văn tối hôm đó trao cho tôi cơ hội để trở lại thành một con người bình thường, giải thích tôi là ai bằng chính tiếng nói của mình, loại bỏ những biếm họa và hình mẫu rập khuôn bằng chính lời lẽ của mình.

Bốn năm sau, tại đại hội ở Charlotte, North Carolina, tôi đã chân thành chia sẻ về những điều tôi nhìn thấy ở Barack trong nhiệm kỳ đầu tiên của anh - cách mà anh ấy vẫn luôn là con người nguyên tắc mà tôi đã kết hôn, cách mà tôi nhận ra rằng “làm tổng thống không thay đổi con người chúng ta, mà nó cho thấy chúng ta là ai”.

Lần này, tôi vận động cho Hillary Clinton, đối thủ ngày trước của Barack tại vòng bầu cử sơ bộ ác liệt năm 2008, người mà sau đó đã trở thành vị ngoại trưởng trung thành và hiệu quả của anh. Thật lòng mà nói, tôi chưa từng cảm thấy cuồng nhiệt ủng hộ bất kỳ ứng viên nào khác như đối với chồng tôi, điều này đôi lúc khiến tôi cảm thấy thật khó khăn khi tham gia vận động tranh cử cho các ứng viên khác.

Dù thế, tôi vẫn duy trì nguyên tắc hành xử của riêng mình khi phát biểu trước công chúng về bất cứ điều gì hay về bất kỳ ai trong không gian chính trị: tôi chỉ nói những gì mình tuyệt đối tin tưởng và thật sự cảm nhận được.

Chúng tôi hạ cánh xuống Philadelphia và tôi đi vội tới trung tâm hội nghị, chỉ còn vừa đủ thời gian để thay trang phục và dợt bài diễn văn thêm hai lần. Rồi tôi bước ra và nói về những điều tôi tin tưởng. Tôi nói về những nỗi sợ mà ban đầu tôi đã có về việc nuôi dạy hai đứa con gái trong Nhà Trắng và tôi đã tự hào như thế nào khi chúng đã trở thành hai người phụ nữ trẻ vô cùng thông minh.

Tôi nói rằng tôi tin tưởng Hillary vì bà hiểu rõ những yêu cầu đối với chức vụ tổng thống và có khí chất để lãnh đạo đất nước, vì bà là một ứng viên xứng đáng như bất kỳ người nào từng tranh cử trước đây. Và tôi công nhận rằng nước Mỹ đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn.

Từ bé tôi đã tin rằng cần phải lên tiếng phản đối những kẻ bắt nạt, nhưng cũng không nên đáp trả bằng cách hành xử tương tự chúng. Và cần phải nói rõ, chúng tôi hiện đang chống lại một kẻ bắt nạt, một con người đã lớn tiếng phỉ báng các nhóm thiểu số và thể hiện sự khinh miệt đối với tù nhân chiến tranh, thách thức phẩm giá của nước Mỹ qua gần như mọi lời ông ấy thốt ra. Tôi muốn người Mỹ hiểu rằng ngôn từ cực kỳ quan trọng - rằng thứ ngôn ngữ hằn học mà họ nghe trên ti-vi nhà mình không phản ánh đúng tinh thần của đất nước, và họ có thể bỏ phiếu để phản đối nó. Tôi muốn tôn vinh phẩm giá, nhắn nhủ với mọi người là với tư cách một quốc gia, chúng ta cần phải tiếp tục bảo vệ phẩm giá - điều cốt lõi trong gia đình chúng tôi suốt nhiều thế hệ qua. Phẩm giá luôn giúp chúng tôi vượt qua mọi chuyện.

Giữ gìn phẩm giá là một lựa chọn, và không phải lúc nào cũng là một lựa chọn dễ dàng, nhưng những người mà tôi tôn trọng nhất trong đời đã luôn chọn lựa phẩm giá. Barack và tôi có một phương châm sống, và đêm hôm đó, từ trên diễn đài, tôi đã chia sẻ lại với mọi người: “Khi người ta hạ thấp bản thân, chúng ta lại càng phải ngẩng cao đầu!”.

Hai tháng sau, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, một cuộn băng về Donald Trump đã rò rỉ trước công chúng. Đó là cuộn băng về một phút bất cẩn mà ông ấy đang huênh hoang với một người dẫn chương trình truyền hình vào năm 2005 về việc quấy rối phụ nữ, sử dụng một thứ ngôn ngữ dung tục đến mức các kênh truyền thông lúng túng không biết phải trích dẫn thế nào để tránh vi phạm những quy chuẩn về đạo đức. Cuối cùng thì các tiêu chuẩn về đạo đức đã “được” hạ thấp để dọn đường cho tiếng nói của vị ứng viên tổng thống.

Khi nghe thấy điều đó, tôi đã không thể tin vào tai mình. Và lại một lần nữa, có một cái gì đó quen thuộc đến đau đớn trong mối đe dọa và thói hài hước của đàn ông trong đoạn băng đó. Tôi có thể làm các cô tổn thương và vẫn có thể thoát tội. Đó là một biểu hiện của thói thù ghét vốn thường không bao giờ đi cùng với sự lịch thiệp, ấy vậy mà nó vẫn sống trong xương tủy của xã hội được cho là đã được khai sáng của chúng ta - tồn tại và được chấp nhận đến mức một người như Donald Trump có thể ung dung thể hiện điều đó.

Tất cả những phụ nữ mà tôi biết đều nhận ra điều đó. Đó chính là thứ mà rất nhiều người chúng ta đã hy vọng con cháu mình không bao giờ gặp phải, nhưng rồi chắc hẳn chúng sẽ phải trải qua. Sự thống trị, dù chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ, chính là một hình thức của sự phi nhân hóa. Đó là thứ quyền lực kinh tởm nhất.

Tôi giận run sau khi nghe đoạn băng ấy. Theo kế hoạch, tôi sẽ diễn thuyết tại một cuộc vận động cho Hillary vào tuần tiếp theo, nhưng thay vì trình bày một bài khen ngợi quá hiển nhiên những khả năng của bà, tôi cảm thấy mình cần phải trực tiếp có ý kiến về những lời lẽ của Trump - dùng tiếng nói của tôi để phản bác tiếng nói của ông ấy.

Tôi viết bài diễn văn khi đang ngồi trong một phòng bệnh tại Quân y viện Walter Reed, nơi mẹ tôi đang trải qua một cuộc phẫu thuật lưng, suy nghĩ của tôi nhanh chóng tuôn trào. Đến thời điểm này, tôi đã từng bị mỉa mai và đe dọa quá nhiều lần, bị chèn ép vì là người da đen, là phụ nữ, và vì đã dám lên tiếng. Tôi cảm nhận được sự giễu cợt nhằm vào cơ thể tôi, về cái không gian tồn tại hữu hình của tôi trên thế giới này.

Tôi đã để ý thấy Donald Trump cứ đeo sát Hillary Clinton trong một cuộc tranh luận, lởn vởn xung quanh bà trong lúc bà phát biểu, hoặc cố tình đứng sát lại thật gần, với dụng ý dùng sự hiện diện của mình để áp chế bà. Tôi có thể làm cô tổn thương và vẫn có thể thoát tội. Phụ nữ phải chịu đựng những sỉ nhục đó cả đời - dưới hình thức những tiếng huýt sáo chọc ghẹo, sờ soạng, xâm hại, áp bức. Chúng làm chúng tôi tổn thương. Chúng hủy hoại sức mạnh của chúng tôi.

Có những vết thương quá nhỏ đến mức không ai có thể nhìn thấy. Có những vết thương quá lớn và không thể liền da, để lại cho chúng tôi những vết sẹo không bao giờ lành. Vết thương nào cũng chất chồng. Chúng tôi mang theo chúng ở mọi nơi, từ nhà đến trường hay nơi làm việc, trong gia đình khi chúng tôi nuôi dạy con cái, tại những nơi thờ phượng, vào bất cứ khi nào chúng tôi muốn cố gắng vươn lên.

Với tôi, những lời nhận xét của Trump lại là một đòn giáng khác. Tôi không thể chấp nhận thông điệp của ông ta. Làm việc cùng Sarah Hurwitz, người chuyên viết diễn văn cho tôi từ năm 2008, tôi chuyển sự tức giận của mình vào từ ngữ, và rồi - khi mẹ tôi đã phục hồi sau cuộc phẫu thuật - tôi đọc chúng vào một ngày tháng Mười ở Manchester, New Hampshire.

Trước một đám đông hồ hởi, tôi cho họ thấy rõ cảm xúc của mình. “Chuyện này không hề bình thường”, tôi nói. “Đây không phải là chính trị như thường lệ. Đây là sự hổ thẹn. Đây là chuyện không thể chấp nhận được.” Tôi nói rõ cơn giận và nỗi sợ của mình, cùng niềm tin rằng với cuộc bầu cử này, người Mỹ hiểu rõ bản chất của điều mà họ đang chọn cho mình.

Tôi đặt trọn trái tim của mình vào bài diễn thuyết ấy. Rồi tôi bay về Washington, mong sao người ta đã nghe được tiếng nói của tôi.

Trích sách CHẤT MICHELLE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Michelle Obama và Donald Trump - Kỳ I: Sự đối lập điển hình của 2 phong cách