Rời quê hương đi lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, nay một người đàn ông ở Bạc Liêu đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo rừng thương phẩm, mỗi năm có khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi heo rừng thương phẩm đạt hiệu quả cao

Trần Khải | 31/05/2023, 11:39

Rời quê hương đi lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, nay một người đàn ông ở Bạc Liêu đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi heo rừng thương phẩm, mỗi năm có khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Mạo hiểm để… làm giàu

Ông Trần Văn Truyện ngụ ấp Ba Mến, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) được biết đến là người đàn ông có “máu liều” trong làm ăn. Mặc dù chưa biết gì về cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi heo rừng, nhưng sau vài đêm lần mò trên mạng, ông Truyện vô tình bắt thấy đoạn clip giới thiệu của một doanh nghiệp chuyên cung cấp giống heo rừng, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu đầu ra sản phẩm…, ông đã quyết định làm giàu từ loài vật này.

3.jpg
Trại nuôi heo rừng của ông Truyện

Sau nhiều lần bàn bạc với gia đình, ông Truyện quyết tâm lặn lội từ Bạc Liêu lên tận Đồng Tháp tìm trang trại nuôi heo rừng để tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Nhận thấy việc nuôi heo rừng tương đối dễ dàng, tận dụng nguồn thức ăn từ cây, cỏ dại có sẵn ở địa phương là có thể nuôi được nên ông Truyện đã mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi, quyết tâm thực hiện giấc mơ làm giàu.

Đến nay, sau gần 2 năm thả nuôi, đàn heo của ông Truyện đã bắt đầu sinh sản. Hiện ông đã xuất bán 3 đợt, mỗi đợt hơn 60 con heo thương phẩm với giá xuất chuồng từ 85.000 - 100.000 đồng/kg (tùy thời điểm). “Ban đầu, khi bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào chăn nuôi trong khi mình chưa hiểu sâu về tập quán sinh sản, ăn uống, cách chăm sóc heo rừng như thế nào nên tôi cũng hơi lo.

Tuy nhiên, nhờ phía công ty hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kèm với các điều khoản như bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ thiệt hại 1 đổi 1 đối với con giống ở tháng đầu tiên và hỗ trợ hoàn 50% vốn nếu như heo nuôi xảy ra dịch bệnh nên tôi cũng an tâm hơn. Từ lúc nuôi đến nay, công ty luôn hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật, khi có heo xuất bán mình liên hệ là họ đến thu mua ngay”, ông Truyện cho biết.

Được biết ông Truyện vừa bán hơn 60 con heo rừng thương phẩm với trọng lượng từ 15 - 30kg. Hiện trong chuồng nuôi của ông còn khoảng 110 con heo rừng lớn nhỏ. Trong đó, có 13 con heo rừng nái và một con heo đực để phối giống sinh sản. Mỗi năm, heo nái đẻ 2 lần, mỗi lần 8 - 9 con.

Nói về kỹ thuật nuôi, ông Truyện cho biết chăm sóc heo rừng không khó, lại ít tốn công sức. Heo con sau khi chào đời khoảng 3 ngày tuổi, người nuôi phải tiêm thuốc sát trùng, và khoảng 15 ngày tiếp theo sẽ tiêm ngừa viêm phổi cho heo. Kể từ đó cho đến khi xuất chuồng, đàn heo rất ít khi mắc bệnh, có chăng là những bệnh thông thường rất dễ chữa.

2.jpg
Ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã An Trạch A tham quan mô hình nuôi heo rừng của ông Truyện

“Heo rừng đại kỵ việc phối giống trùng huyết, nếu con đực và con cái có cùng huyết thống mà phối giống thì khi sinh sản heo con rất khó nuôi, chậm lớn. Chúng thường chết yểu, lần trước tôi có 2 con nái sau khi được phối giống từ heo đực trùng huyết, chúng sinh ra gần 20 con heo con nhưng chỉ nuôi sống được vài con. Do đó, heo đực phối giống tuyệt đối không được trùng huyết”, ông Truyện chia sẻ.

Nhân rộng mô hình

Nói về tính hiệu quả, ông Truyện cho hay nuôi con gì cũng vậy, giai đoạn khoảng 1 năm đầu rất khó khăn vì nuôi heo con, chờ lớn rồi nhân giống… rất tốn thời gian, nhưng khi việc chăn nuôi đã ổn định, đi vào nền nếp thì mình bắt đầu có thu nhập. “Mình bắt con giống về thả nuôi gần 1 năm thì heo mới sinh sản. Còn hiện nay thì khỏe rồi, heo đẻ liên tục, tha hồ nuôi. Mỗi năm heo đẻ 2 lứa, mỗi lần từ 8 - 9 con. Còn việc xuất bán heo thịt thì mỗi năm tôi xuất 3 - 4 lần, mỗi lần hàng chục con”, ông Truyện nói.

1.jpg
Mỗi năm ông Truyện xuất bán từ 3 - 4 đợt, mỗi đợt hàng chục con

Theo ông Truyện, sau khi trừ chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi năm ông thu lợi từ nuôi heo rừng hơn 200 triệu đồng.

Ông Lê Quốc Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trạch A cho biết mô hình nuôi heo rừng của ông Truyện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang xây dựng dự án dựa trên tính hiệu quả của mô hình này để đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí từ nguồn khoa học công nghệ nhằm giúp ông Truyện mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã An Trạch A đánh giá: “Ông Truyện đến địa bàn xã An Trạch A từ hai bàn tay trắng, điều kiện gia đình khó khăn, nhờ chí thú làm ăn nên giờ cuộc sống gia đình của ông Truyện dần ổn định, ông đã mua được đất để canh tác cải thiện cuộc sống. Mô hình nuôi heo rừng phát triển kinh tế của gia đình ông Truyện rất hiệu quả, lợi nhuận mang về mỗi năm từ mô hình trên 100 triệu đồng. Ông Truyện là một trong những tấm gương nông dân điển hình tiêu biểu của xã”.

Theo ông Tạo, trong thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này kinh tế này ra toàn địa bàn để bà con tiếp cận, có hướng để phát triển kinh tế; góp phần đưa địa phương phát triển đi lên, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình nuôi heo rừng thương phẩm đạt hiệu quả cao