Phỏng vấn nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Pháp), tác giả cuốn sách nghiên cứu vừa ra đời về họa sĩ Thang Trần Phềnh, một trong những họa sĩ tài danh ở buổi ban đầu của hội họa Việt Nam hiện đại. Ngô Kim Khôi là cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn, một trong hai họa sĩ (cùng với Victor Tardieu) được xem có vai trò sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

​Mơ ước một bộ sách về Trường Mỹ thuật Đông Dương

25/08/2018, 15:05

Phỏng vấn nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (Pháp), tác giả cuốn sách nghiên cứu vừa ra đời về họa sĩ Thang Trần Phềnh, một trong những họa sĩ tài danh ở buổi ban đầu của hội họa Việt Nam hiện đại. Ngô Kim Khôi là cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn, một trong hai họa sĩ (cùng với Victor Tardieu) được xem có vai trò sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Tại tư gia ở Paris, Ngô Kim Khôi bên cạnh những bức tranh của ông ngoại, họa sĩ Nam Sơn

Được biết cách nay gần hai mươi năm anh đã viết một cuốn sách, hay là phác thảo cuốn sách về họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ trong vai trò đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cho đến nay, khi thực hiện cuốn sách đầu tiên, đề tài ấy vì sao không được anh dành ưu tiên mà là về họa sĩ Thang Trần Phềnh?

Tôi nghĩ, những tình cờ trong cuộc sống thường mang đến những kết quả bất ngờ. Tôi cho rằng nếu Victor Tardieu không gặp Nam Sơn, sẽ không có Trường Mỹ thuật Đông Dương, và nền Mỹ Thuật Việt Nam sẽ đi vào một hướng hoàn toàn khác biệt.

Tác động từ phía Việt Nam trong hoàn cảnh và bối cảnh này cần được nhấn mạnh trong lịch sử hội họa. Do đó, năm 1999, tôi hoàn thành bản thảo quyển sách mang tựa đề "Nam Sơn - Cuộc đời và tác phẩm" (Nam Sơn – sa Vie, son Œuvre), viết bằng Pháp văn.

Ảnh bìa cuốn sách nghiên cứu về họa sĩ Thang Trần Phềnh của Ngô Kim Khôi

Tại sao viết bằng tiếng Pháp? Thời đó, việc theo dõi nghệ thuật, nhất là hội họa, ở trong nước chưa phát triển nhiều. Ít người hiếu kỳ vấn đề này. Điều đưa tôi đến quyết định viết bằng tiếng Pháp, như một tiểu luận sơ khởi, mong muốn đệ trình lên trường Viễn Đông Bác Cổ với hy vọng nếu có thể họ sẽ cung cấp điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu sâu xa hơn cho một luận án về Nam Sơn sau này, nhất là về việc xuất bản. Điều quan trọng hơn hết là trường Viễn Đông Bác Cổ và cuộc đời của Nam Sơn đã từng có những kết hợp giao thoa1, danh tiếng của Trường sẽ củng cố thêm địa vị của Nam Sơn trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật.

Tham vọng này của tôi không thành, do những phong cách suy nghĩ và làm việc không dễ thông cảm, tôi dừng lại từ ngày đó.

Hôm nay, tại sao "Thang Trần Phềnh"? Trong quá trình tìm hiểu về Trường Mỹ thuật Đông Dương, có rất nhiều những cái tên thay nhau luân chuyển xuất hiện, quen thuộc cũng như hoàn toàn xa lạ. Thang Trần Phềnh là một trong những người ấy. Tìm về lịch sử hội họa, tôi nhận ra rằng ai cũng biết tên Thang Trần Phềnh, nhưng xem kỹ lại, rất ít người biết về cuộc đời cũng như tác phẩm của ông, ngoại trừ ba bức tranh được treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội.

Cuộc đời của họa sĩ Thang Trần Phềnh bị lớp bụi thời gian phủ kín, đôi khi dày đặc đến nỗi các nhà chuyên môn sau này hiếm có người được thưởng lãm các tác phẩm danh tiếng một thời của ông.

Tôi nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam cách nay gần 30 năm, đề tài chính của tôi là về Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trong buổi bình minh của nền hội họa Việt Nam, có ba cái tên thường xuyên được nhắc đến, đó là Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nam Sơn. Tôi đã viết một chuyên khảo về Lê Văn Miến, sau đó trong bài viết về Trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi đã nhắc đến Nam Sơn.

Năm 1992 tại Paris. Cuộc gặp giữa Jean Tardieu (1903-1995), con trai của họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937) và Ngô Kim Khôi cùng bà Nguyệt Minh, con của cụ Nam Sơn. Trên tường là bức tranh “Dù đỏ” của Victor Tardieu

Trong quá trình tìm kiếm và nghiên cứu, cơ duyên đưa đẩy tôi đặt tay lên một số tài liệu liên quan đến Thang Trần Phềnh, nên quyết định dành riêng cho ông một bài nghiên cứu, và niềm đam mê đã dẫn dắt tôi từ một bài viết ngắn đến một quyển sách dầy…

Thực ra, "Thang Trần Phềnh" không phải là sách đầu tay của tôi. Ở Pháp, tôi đã đồng sáng tác Từ Hồng Hà đến Cửu Long, cái nhìn Việt Nam" (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam, Paris-Musée, 2012), "Những nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam" (Les premiers photographes au Vietnam, Viện Hàn lâm Hải ngoại Pháp, 2015).

Lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, xuất phát từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, được ghi nhận với rất nhiều thiếu sót do thiếu tư liệu và cũng từ nhiều lý do khách quan và chủ quan của những người nghiên cứu. Đó có phải là lý do anh đi vào tìm hiểu và viết sách về đề tài Thang Trần Phềnh, một “góc khuất trong nhiều góc khuất” của hội họa Việt Nam?

Chiến tranh và nhiều biến cố lịch sử đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc lưu trữ tài liệu tại Việt Nam.

Trước sau năm 1945, các họa sĩ như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm may mắn sống bên Pháp, có điều kiện để vẽ, triển lãm, được nhiều người biết đến. Rất nhiều tài liệu nói về họ. Những họa sĩ ở lại trong nước không có nhiều điều kiện để vẽ, hoặc mở triển lãm, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. Thêm vào đó, vì ảnh hưởng lịch sử, chiến tranh, khí hậu ẩm ướt, tác phẩm hư hỏng rồi mai một dần, thậm chí là mất.

Tôi bắt đầu viết về Thang Trần Phềnh cách đây hơn mười năm. Trong công cuộc tìm hiểu về mỹ thuật Đông Dương, mỗi khi có tài liệu nào liên quan đến Thang Trần Phềnh, tôi đều để riêng qua một bên. Trong nghiên cứu, thông thường điều này sẽ liên quan đến điều kia khi nó nằm cùng một giai đoạn lịch sử, do đó người nghiên cứu phải có con mắt và nhận định rất tỉ mỉ, phải nói đó là vai trò của người khai quật quá khứ, mỗi điểm dù là rất nhỏ đều có tầm quan trọng.

Càng tìm hiểu, càng đọc tài liệu, tôi kinh ngạc nhận ra rằng trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, tên tuổi Thang Trần Phềnh đã là một vì sao rực rỡ trên bầu trời mỹ thuật, đã là ánh ban mai sáng chói trong buổi bình minh hội họa Việt Nam. Tiếp theo đó, đồng hành cùng trường Mỹ thuật, các tác phẩm của ông đã tham gia những cuộc triển lãm vĩ đại tại Paris cũng như tại Rome 1931, và nhiều năm liên tiếp sau đó…

Nhưng vì sao sáng Thang Trần Phềnh đã chợt bừng lên rồi chìm khuất vào lãng quên, người ta vẫn biết đến sự hiện diện của ông, nhưng vị trí của ông không rõ ràng, vai trò của ông mờ mịt… Tôi hy vọng quyển sách này sẽ đưa ông vào vị trí sáng tỏ, tên tuổi của ông được các giới trẻ nhận định và đánh giá một cách đúng đắn hơn.

Và không riêng gì Thang Trần Phềnh, có những cái tên cho tới bây giờ vẫn là những ẩn số, thí dụ Vũ Đăng Bốn, Phạm Hữu Khánh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Họa Thế, Trương Thế Hoàn, Đoàn Triệu Quế, Ủ Văn An... Họ là những con người đã cùng nhau làm nên diện mạo của mỹ thuật Đông Dương – đặt viên gạch cho thời kì rực rỡ nhất của mỹ thuật Việt Nam. Không ai biết họ là ai, ở đâu, làm gì, tác phẩm ra sao. Anh nghĩ, đó một điều thiệt thòi cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Anh có nghĩ đến quy mô một bộ sách về Trường Mỹ thuật Đông Dương và giới họa sĩ xuất thân từ đó, với những giá trị ngày càng được khẳng định trong hội họa quốc tế không?

Nhắc đến mỹ thuật Việt Nam, người ta ít nhắc tới tranh đương đại mà chỉ nhắc tới tranh Đông Dương. Cho tới ngày nay, nó vẫn đầy sức quyến rũ.

Đó là dòng tranh riêng biệt, không lẫn lộn với bất cứ dòng tranh nào. Mặc dù, thời đó, đất nước đặt dưới sự bảo hộ của Pháp nhưng những họa sĩ của ta vẫn tạo ra một thứ hội họa cá tính, pha trộn hài hòa Đông – Tây, vẫn gửi gắm được tâm tình của Việt Nam trong đó. Các sinh viên dùng kĩ thuật Tây để vẽ giai điệu tâm hồn của ta. Nếu không có mỹ thuật Đông Dương, không biết mỹ thuật Việt Nam sẽ đi đâu về đâu.

Hình ảnh Trường Mỹ thuật Đông Dương ở phố Hàng Lọng (route du Madarin) trên báo Illustration, số 4.522 ra ngày 2.11.1929

Viết về Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là một câu chuyện dài hơi, và cần rất nhiều sự cộng tác của các nhà nghiên cứu. Tôi hy vọng một ngày nào đó bộ sách này sẽ được ra đời.

Hiện nay, trên thị trường tranh Việt, tranh thời Đông Dương vẫn là điểm mốc quan trọng và giá trị nghệ thuật không chối cãi được. Mong rằng, qua những quyển sách về Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người sưu tập có điều kiện tìm hiểu và đánh giá đúng đắn, để không còn tệ nạn tranh giả càng ngày càng gây hại cho mỹ thuật nước nhà.

Sau cuốn sách này, anh sẽ tiếp tục viết về đề tài gì trong bộ sách viết về Mỹ thuật Đông Dương của anh?

Tôi rất mong có đủ tài liệu để viết về họa sĩ Lê Văn Đệ. Cùng trường hợp tương tự như Thang Trần Phềnh, ai cũng biết Lê Văn Đệ, sinh viên đậu thủ khoa khóa I của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng rất ít người biết về cuộc đời cũng như tác phẩm của ông.

Sau đó, nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ giở lại những trang cũ viết về Nam Sơn, bỏ quên gần 20 năm qua, thắp lại ngọn lửa nhiệt huyết năm nào, nhưng với rất nhiều cẩn trọng và kinh nghiệm. Tôi nghĩ để làm được điều này, cần rất nhiều sự giúp đỡ của gia đình.

Cuối tháng 9 năm nay, trong vai trò giám đốc mỹ thuật, tôi tổ chức sự kiện Lê Văn Xương tại TP.HCM, đưa tên tuổi một họa sĩ tự học nhưng đã có nhiều triển lãm tại Hà Nội cũng như Sài Gòn thập niên 1940 vào vị trí chân chính, với 101 tác phẩm nhân kỷ niệm 101 năm sinh của ông.

Lớp vẽ và nặn tượng theo người mẫu khỏa thân, Trường Mỹ thuật Đông Dương

Những thuận lợi và không thuận lợi của anh khi đi vào nghiên cứu một lĩnh vực nghệ thuật đã lùi rất xa trong quá khứ, mất tài liệu do chiến tranh, chia cắt đất nước và hoàn cảnh sống hai nơi của anh?

Tôi cho rằng người làm nghiên cứu phải là người lưu trữ tài liệu tốt. Tôi may mắn có ba nguồn tư liệu dồi dào và rất đáng tin cẩn.

Nguồn thứ nhất đến từ gia đình Victor Tardieu, đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tôi đã có cơ duyên gặp gỡ Jean Tardieu, con trai Victor Tardieu và được ông quý mến, đã gợi lại kỷ niệm những ngày tháng sống ở Hà Nội, các cuộc chuyện trò gặp gỡ với Nam Sơn và các bạn cùng trang lứa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ…, cũng như mời tôi đi dự các sự kiện liên quan đến sự nghiệp văn chương của ông. Tôi cũng đã đọc được một số thư từ trao đổi giữa hai cha con khi Victor ở Hà Nội và Jean ở Paris. Họ đã viết cho nhau hàng nghìn lá thư. Đặc biệt hơn, tôi được Jean ưu đãi cho xem những trao đổi thư tín giữa Victor Tardieu và các sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, những hồ sơ sự kiện hình ảnh liên quan đến sự thành lập trường. Đó là một kho tàng quý báu trong việc nghiên cứu của anh.

Nguồn thứ hai là gia đình Nam Sơn, đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tôi không có sự chọn lựa là cháu cụ Nam Sơn, niềm hân hạnh này cũng là một trách nhiệm nặng nề, nhưng tôi rất vui sướng và hãnh diện trong vai trò này. Tôi cố gắng làm những gì mình có thể đối với người ông của mình.

Bức chân dung họa sĩ Nam Sơn do họa sĩ nổi tiếng Nhật Bản Fujita vẽ năm 1941

Xưởng họa Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1929. Họa sĩ Nam Sơn (đứng)

Thứ ba là nhờ sống ở Pháp, tôi có thể tiếp cận nguồn lưu trữ rất tinh vi và phong phú của người Pháp, nhất là thời kỳ Đông Dương. Đó là Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp (Centre des Archives d Outre-Mer - CAOM) tại Aix en Provence, đó là Học viện Quốc gia Lịch sử Mỹ thuật (Institut National d Histoirede l Art - INHA) và Thư viện Quốc gia Pháp. Từ ba nguồn tài liệu trên, tôi đã "khai quật" ra Thang Trần Phềnh.

Tự cho rằng mình không phải là nhà nghiên cứu, vì không có bằng cấp chuyên môn, và tôi vẫn hiểu mình không thể đem tâm tình viết lịch sử mỹ thuật, nhưng tôi tự hào những gì mình viết đều xuất phát tự đáy lòng thành thật và niềm đam mê về nghệ thuật. Đây chính là con đường giúp tôi tìm về cội nguồn.

Cám ơn anh!

Đặng Yên Hòa thực hiện- Ảnh: Tư liệu của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

[1] Trong « Việt Nam Dân Quốc Công Báo, Số 4, 26 Tháng Một 1946 », theo nghị định của Bộ trường bộ Quốc Gia Giáo Dục (Vũ Đình Hòe ký) ngày 5 tháng 1 năm 1946, cử các ông Vĩnh Thụy (cố vấn chính phủ), Đào Duy Anh, Ngô Đình Nhu, Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vào Hội đồng Cố vấn Học viện Đông Phương Bác Cổ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
​Mơ ước một bộ sách về Trường Mỹ thuật Đông Dương