Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về".

Món ngon dân dã miền Tây, no căng mà vẫn thèm

11/03/2016, 14:00

Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về".

Cá lóc nướng trui Vĩnh Long

Ngoài đặc sản trái cây bốn mùa, cá lóc nướng trui đậm vị đồng quê là món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi về Vĩnh Long. Cá lóc nướng trui được nướng theo kiểu "rừng rú" nhưng ăn một lần là ghiền bởi phải khéo tay và nướng đúng điệu thì cá ăn mới thơm, thịt mới ngọt.

Dùng một que tre tươi chuốt nhọn đầu rồi đâm xuyên từ miệng đến đuôi cá. Sau đó cắm que xuống đất, phủ rơm lên và đốt. Thoạt tiên trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng nướng được cá ngon mà không bị khét hoặc sống. Phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống, khi ăn có mùi tanh còn rơm nhiều quá cá khét thì ăn bị đắng.

Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Cá lóc nướng trui thường dùng với bánh tráng, rau thơm, khế, húng lủi, giá sống, chuối chát, dưa leo... và chấm kèm với nước mắm tỏi ớt, me.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Hủ tiếu khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long, song hủ tiếu Mỹ Tho là danh bất hư truyền, bởi dù chỉ ăn một lần cũng làm người ta nhớ mãi. Món ăn được nấu từ sợi hủ tiếu khô cùng với nước lèo từ thịt bằm nhỏ, lòng và xương tủy heo. Hủ tiếu Mỹ Tho được ăn kèm với giá, hẹ, xà lách và một số loại rau sống khác. Nước chấm đi kèm là nước tương tỏi ớt pha chút giấm đường, giúp tô hủ tiếu thêm thơm ngon, bắt mắt.

Một tô hủ tiếu ngon thì sợi hủ tiếu phải trong và dai, không bị bở hay mềm. Hủ tiếu Mỹ Tho ngày nay có mặt khắp mọi nơi ở miền Tây, song về Tiền Giang thì phải ăn món này mới đúng điệu.

Canh chua cá linh bông điên điển Đồng Tháp

Mon ngon dan da mien Tay, no cang ma van them-hinh-anh-1
Lẩu cá linh ăn cùng bông điên điển là món ăn yêu thích của du khách.

Bông điên điển là loài cây mọc hoang đặc trưng ở miền Tây. Bông hoa nhỏ, màu vàng, thường được chế biến theo kiểu luộc hay xào tỏi. Nhưng bông điên điển ngon nhất vẫn là khi được nấu món canh chua với cá linh mùa nước nổi. Cá linh bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng. Từ khoảng tháng 11 âm lịch, nước rút, lúc này cá về nhiều ăn không hết, ngoài nấu canh chua, người dân tích trữ, ủ thành nước mắm ăn dần.

Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm, giòn và bùi của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.

Kẹo dừa Bến Tre

Kẹo dừa Bến Tre vốn nổi tiếng từ lâu bởi nơi đây được mệnh danh là xứ dừa với những cánh đồng dừa bạt ngàn bất tận. Về Bến Tre không những được uống nước dừa thả ga, du khách còn có dịp thưởng thức món kẹo dừa thơm ngon, béo ngậy.

Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa là cơm dừa khô, nếp, đường và đậu phộng. Ngày nay kẹo dừa phong phú về chủng loại bởi đã được người dân sáng tạo ra nhiều hương vị như kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa cacao... để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Bánh cống Cần Thơ

Mon ngon dan da mien Tay, no cang ma van them-hinh-anh-2
Bánh cống ăn kèm rau cải, xà lách.
Cái tên lạ tai của loại bánh này xuất phát từ hình dáng như cái cống sâu. Bánh cống là một món ăn dân dã của người Cần Thơ với nguyên liệu chính từ bột, thịt băm, đậu xanh và tôm tươi.

Khi chế biến, bột bánh trộn đều với đậu xanh, thịt băm (đã được xào chín trước đó) và cho vào khuôn, để tôm tươi lên trên, sau đó đem cho vào chảo dầu nóng chiên đến khi chín thì vớt ra. Bánh cống ăn nóng để giữ độ giòn và thơm, thường ăn kèm với rau sống như cải xanh, xà lách, diếp cá... và chấm nước mắm tỏi ớt.

Rượu đế Gò Đen, Long An

Rượu đế Gò Đen là đặc sản nổi tiếng của Long An nói riêng và của miền Tây nói chung. Tên gọi Gò Đen của loại rượu này xuất phát từ địa danh ba 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức. Đây là địa danh tập trung nhiều lò nấu rượu nhất từ hơn 100 năm trước.

Rượu đế Gò Đen được nấu 100% từ nếp nguyên chất và men gia truyền để đảm bảo không cồn và vị thơm, ngon, ngọt khi uống. Bí quyết để rượu thơm ngon và chất lượng nằm ở khâu chọn nếp, thường là nếp cái, nếp mỡ hay nếp than được trồng tại địa phương. Vì thế, rượu đế Gò Đen là loại thức uống mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch về Long An.

Ba khía muối Bạc Liêu

Không phải ngẫu nhiên mà loài ba khía đi vào âm nhạc với bài hát Anh ba khía. Bởi lẽ loài ba khía là thực phẩm dân dã, hình dáng không đẹp nhưng thịt thì ngon ngọt, đặc trưng cho ẩm thực miền Tây.

Đặc biệt, món ba khía muối là món ăn không thể bỏ qua khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu. Ba khía muối mua ở chợ về đem gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh. Đợi ba khía ngấm gia vị tầm 30 phút là có thể ăn được. Dân sành ăn thường trộn ba khía sẵn để hôm sau mới ăn cho thấm hết gia vị, ăn sẽ đậm đà hơn. Ba khía muối ăn với cơm là hết sảy, nước ba khía mằn mặn ứa ra hòa trộn với vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt rất thú vị.
Theo Ngoisao

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Món ngon dân dã miền Tây, no căng mà vẫn thèm