Với Yong U Kim thì chỉ cần đứng từ xa là anh đã nhận diện ra ngôn ngữ quê hương thông qua các biển hiệu của những nhà hàng, công ty trên phố. Sống giữa lòng người Việt, Yong luôn tâm niệm, mỗi người Hàn đến đây đều phải cố gắng lịch sự, đàng hoàng bởi người ta đánh giá đất nước thông qua những con người nước họ khi xa quê...

Một ngày với người Hàn Quốc ở giữa lòng Hà Nội (Kỳ 1)

Một Thế Giới | 28/03/2015, 11:05

Với Yong U Kim thì chỉ cần đứng từ xa là anh đã nhận diện ra ngôn ngữ quê hương thông qua các biển hiệu của những nhà hàng, công ty trên phố. Sống giữa lòng người Việt, Yong luôn tâm niệm, mỗi người Hàn đến đây đều phải cố gắng lịch sự, đàng hoàng bởi người ta đánh giá đất nước thông qua những con người nước họ khi xa quê...

Cộng đồng người Hàn giữa lòng Hà Nội
Tại Hà Nội, những người Hàn Quốc tập trung chủ yếu ở khu Trung Hòa- Nhân Chính, Mỹ Đình- Sông Đà, đường Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân… đã sớm được mệnh danh là “Phố Hàn Quốc” ở Việt Nam.
Người Hàn Quốc sang Việt Nam chủ yếu là theo các công ty, tập đoàn lớn. Họ sang làm việc, làm cố vấn hoặc cũng có thể sang để mở quán kinh doanh đơn lẻ… Đôi khi, những người Hàn lấy vợ là người Việt rồi sinh sống lâu dài tại Việt Nam, hình thành nên những cộng đồng người Hàn Quốc giữa lòng cư dân Việt.
Nhon-nhip-pho-Han-giưa-thu-do-hinh-anh-1
Quán đồ ăn Hàn Quốc do cặp vợ chồng Việt-Hàn làm chủ trên phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội) 
Mang theo đặc trưng của mình, không khó để nhận ra những khu phố Hàn khiêm tốn đứng xen kẽ trong nhịp sống đô thị thủ đô. Với Yong U Kim– một du học sinh Hàn Quốc tại Đại học Văn Hóa Việt Nam, thì chỉ cần đứng từ xa là anh đã nhận diện ra ngôn ngữ quê hương thông qua các biển hiệu của những nhà hàng, công ty trên phố. 
Ở Hà Nội, khu phố Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thúy… hoặc những khu vực gần các cao ốc do Hàn Quốc làm chủ đầu tư tập trung khá đông cư dân Hàn Quốc. Theo đó, những biển hiệu kinh doanh cũng nắm bắt đối tượng khách hàng này mà chuyển ngữ sang tiếng Hàn Quốc rất nổi bật.
Tìm đến một địa chỉ quen, nhâm nhi chén rượu sochu truyền thống của quốc gia cùng với  Inkyu Hwang -  ông chủ một nhà hàng đồ ăn Hàn Quốc trên phố Nguyễn Thị Định, ông đùa rằng “Việt Nam và Hàn Quốc là thông gia với nhau”.
Nhon-nhip-pho-Han-giưa-thu-do-hinh-anh-2
Không chỉ đồ ăn, những quán làm tóc, móng tay... cũng mọc lên để phục vụ người Hàn Quốc tại Việt Nam 
Nắm bắt thói quen sinh hoạt của người Hàn xa quê, những món ăn Hàn Quốc như kim chi, gimbad, rượu sochu, hải sản…được phục vụ giống nhất có thể. Thậm chí, chị Lý Thanh Hương – chủ tiệm ăn trên đường Trần Duy Hưng còn phải thuê đầu bếp người Hàn Quốc sang nấu trực tiếp cho hợp khẩu vị. 
Chị Hương cho biết: “Từ khi quán có đầu bếp mới tình hình kinh doanh khá hơn hẳn, khách Hàn khá tinhh ý, họ phân biệt rất nhanh hương vị quê hương của họ”. Chị cũng không quên so sánh rằng món ăn của người Hàn đậm hơn, cay, nóng hơn món ăn của người dân Hà Nội.
“Những món ăn Việt Nam rất ngon nhưng tôi ăn không quen, nên thường tìm đến những nhà hàng chuyên nấu đồ Hàn Quốc để ăn. Trong tương lai, hy vọng tôi sẽ không gặp vấn đề với những món ăn Việt Nam nữa”, chị MinKyung Yoon, nhân viên kinh doanh của một công ty Hàn Quốc đã sống tại Việt Nam hơn một năm nay cho biết.
Chị MinKyung Yoon hết lời khen ngợi người Việt Nam thân thiện, hiền lành, chịu khó và rất hiếu khách. Tuy nhiên, chị lại rất sợ giao thông ở Việt Nam.

Kinh doanh ở phố Hàn!

Không chỉ ăn uống, các dịch vụ dành cho người Hàn Quốc ở Việt Nam cũng cực kì phát triển, mọc lên như nấm sau mưa trong thời gian rất ngắn để phục vụ đối tượng khách hàng tiềm năng này. Các dịch vụ khác như cắt tóc, mua sắm, hát karaoke, massage, chăm sóc sức khỏe, nha khoa, thẩm mĩ, tư vấn… có sức hút nhất định đối với người Hàn Quốc.

Yong U Kim thường cùng bố mẹ đi chơi trong những ngày cuối tuần. Thời gian đầu mới sang, gia đình anh cũng khá bỡ ngỡ trong việc đi tìm những điểm vui chơi, hát hò để giải trí, tuy nhiên, sau khi phát hiện nhiều quán karaoke ở đây có nhạc Hàn Quốc, phục vụ theo đúng phong cách Hàn Quốc thì gia đình Yong đã sớm hòa nhập.
 
Nhon-nhip-pho-Han-giưa-thu-do-hinh-anh-3
 Gia đình Yong U Kim và bạn bè đi hát Karaoke trong một quán hát tại đường Đỗ Quang (Hà Nội)
Cũng vì bắt nhịp thị hiếu khách Hàn mà những nhà hàng ở đây mang đậm phong cách xứ sở kim chi, khiến nhiều người Việt cũng tìm đến để thưởng thức những món ăn lạ khẩu vị. Đối tượng khách Việt Nam sử dụng các dịch vụ Hàn Quốc cũng không phải là hiếm.
Thống kê từ Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc cho thấy, số lượng người Hàn Quốc trên đất Việt Nam đã tăng gần 50 lần trong vòng chưa đến một thập kỷ. Số kiều dân của họ tăng gấp hơn ba lần từ 1.788 năm 1997 lên 6.226 vào năm 2003, sau đó nhảy vọt lên hơn mười ba lần đến 84,566 người chỉ sáu năm sau đó. Tuy nhiên, trong hai năm sau đó, số kiều dân chỉ tăng thêm hơn 4% tới con số 88.120 người. Hiện nay, số lượng người Hàn Quốc ước chừng hớn 100.000 người.
Những nhà hàng này có thể do người Việt Nam đầu tư kinh doanh, cũng có nhiều nhà hàng do những cặp vợ người Việt Nam, chồng người Hàn Quốc làm chủ. Ở những nhà hàng có chủ người Hàn, các món ăn cũng như phong cách phục vụ đều được yêu cầu ở mức cao hơn.
Lê Thắm, một nhân viên nhà hàng Gimbab trên đường Nguyễn Thị Định cho biết: “Người Hàn vào đây ăn khá thường xuyên và chiếm phần lớn ở nhà hàng, họ tập trung đông nhất vào lúc 7h tối, cuối tuần đông hơn nữa. Nhiều vị khách Hàn có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt và họ khá lịch sự”.
Thắm cũng cho biết thêm, ông bà chủ luôn yêu cầu nhân viên phải thực hiện theo đúng tác phong, phong cách của người Hàn, và tuyệt đối nhã nhặn, lịch sự và trung thực.
Trong các siêu thị, người Hàn cũng luôn ưu tiên chọn những mặt hàng do quốc gia họ sản xuất, ngay cả khi những thứ đó rất sẵn ở Việt Nam. Có thể thấy, tinh thần và lòng tự hào dân tộc luôn sẵn trong họ, ảnh hưởng đến từng thói quen dù là nhỏ nhất. 
Yong, một du học sinh người Hàn đã nói rằng, mỗi người Hàn đến đây đều phải cố gắng lịch sự, đàng hoàng bởi người ta đánh giá đất nước thông qua những con người nước họ khi xa quê.
Nhon-nhip-pho-Han-giưa-thu-do-hinh-anh-4
 Người Hàn gặp gỡ bạn bè trong quán ăn mang đậm hương vị quê hương tại phố Hoàng Ngân (Hà Nội)
Nhận xét về cộng đồng người Hàn tại đây, bà Nguyễn Thị Tuyến (Hoàng Ngân – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Người Hàn không ồn ào, sống rất lịch sự và đúng giờ giấc. Trong chuyện chi tiêu họ cũng khá thoáng, thường xuyên “boa” cho nhân viên phục vụ”.

Bà cũng cho biết, người Hàn sống khá độc lập, không phải lúc nào bắt gặp đồng hương họ cũng vồn vã, suồng sã với nhau. Theo lời bà Tuyến, có nhiều người Hàn đã ăn được món bún chả, phở, bánh mì của Việt Nam và khen ngon.

Những khu phố Hàn nhộn nhịp giữa thủ đô là minh chứng cho sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, mở đường cho quá trình giao lưu và tiếp biến văn  hóa ngày càng cao trong một thế giới ngày càng “phẳng”. Những người Hàn tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều hơn bởi sự đầu tư của những tập đoàn lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều...
Kỳ 2: Tâm sự của những người Hàn kinh doanh trên đất Việt

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một ngày với người Hàn Quốc ở giữa lòng Hà Nội (Kỳ 1)