Cơn bão số 3 chỉ quét qua Hà Nội nhưng kèm mưa lớn khiến cho nhiều tuyến đường trên TP ngập nặng.
Sau khoảng hơn 1 tiếng quét qua Hà Nội, lúc 16h15 chiều nay, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9 kèm mưa to.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến đầu giờ chiều nay, bão số 3 đã làm 11 nhà ở bị tốc mái và nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng: huyện Gia Lâm 8 nhà, quận Long Biên 3 nhà, quận Hai Bà Trưng 2 nhà.
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ tại Trạm bơm Đồng Bông I và Thanh Liệt dâng cao, khiến việc tiêu thoát nước từ nội thành gặp khó khăn.
Hàng loạt tuyến phố trung tâm bị ngập sâu trong nước từ 20-50cm. Riêng tuyến đường Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng, người dân phải dùng bao tải đắp đê để ngăn nước tràn vào hầm tòa nhà cao tầng cạnh đó.
Hàng loạt khu vực như Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng (trước công ty Cầu 7), Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai - Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai... bị ngập.
Công ty đã huy động hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công.
Trong chiều tối nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có công điện yêu cầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An không được chủ quan với mưa lũ sau bão.
Công điện nêu rõ, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền, gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với tổng lượng mưa trên 100 mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong ngày hôm nay và ngày mai, tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trung du và miền núi phía Bắc sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 – 300 mm, một số nơi có thể lớn hơn.
Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại đồng bằng và đô thị, lũ quét, nhất là lũ ống, sạt lở đất tại trung du, vùng núi, đặc biệt tại các khu vực đã xảy ra mưa lớn trong những ngày vừa qua.
Do đó để chủ động phòng, tránh, ứng phó với mưa lũ sau bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương nói trên theo dõi chặt tình hình mưa bão.
Dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân; triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn gây ngập úng, cô lập.