Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4.1 thông báo đã cắt thêm một khoản viện trợ an ninh cho Pakistan, cho đến khi nào chính quyền Islamabad có hành động chống lại khủng bố Taliban và mạng lưới Haqqani.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, động thái này phản ánh sự thất vọng của chính quyền Trump, khi Pakistan không nỗ lực hơn để loại bỏ Taliban và Haqqani, hai nhóm sử dụng những nơi trú ẩn tại Pakistan để tấn công vào nước láng giềng Afghanistan, làm nhiều lính Mỹ, Afghanistan và nhiều lực lượng khác thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối tiết lộ số tiền viện trợ bị cắt, chỉ cho biết con số này đang được tính toán và bao gồm cả những khoản viện trợ chi từ ngân sách Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Mỹ. Hai quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ số tiền này lớn hơn 255 triệu USD.
Trang tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết có hai loại viện trợ có thể bị ảnh hưởng. Một là viện trợ quân sự cho nước ngoài (FMF) dùng để trả cho hoạt động mua trang bị, dịch vụ, huấn luyện từ Mỹ, và hai là tiền hỗ trợ liên minh (CSF) cấp cho các hoạt động chống khủng bố của Pakistan.
Mỗi năm Mỹ chi cho Pakistan 255 triệu USD, trong khuôn khổ FMF và thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao. Vào ngày 2.1.2018, Mỹ đã tuyên bố rút lại khoản viện trợ này.
CSF thuộc thẩm quyền của Lầu Năm Góc. Đạo luật Ủy quyền quốc phòng Mỹ (NDAA) cho phép quân đội Mỹ chi đến 900 triệu USD trong năm tài khóa 2017, và 700 triệu USD trong năm tài khóa 2018. Như vậy, tổng số viện trợ an ninh cho Pakistan mà Mỹ có thể cắt, tính cả FMF và CSF, có thể vượt quá 1 tỉUSD.
Các quan chức Mỹ khẳng định viện trợ dân sự không bị ảnh hưởng, và viện trợ an ninh có thể được cấp lại nếu chính quyền Islamabad có hành động quyết liệt hơn để chống lại Taliban và Haqqani.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi hy vọng họ (Pakistan) sẽ xem đây là động thái kích thích (khiến Pakistan đẩy mạnh hoạt động chống khủng bố) chứ không phải biện pháp trừng phạt”.
Quan hệ Pakistan - Mỹ đã trở nên căng thẳng ngay từ ngày đầu tiên của năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Pakistan “lừa đảo và dối trá” trong cuộc chiến chống khủng bố và dọa cắt viện trợ. Tuyên bố này đã được chính quyền Washington thực hiện ngay sau đó.
Phía Islamabad cũng đã có tuyên bố đáp trả. Mới nhất vào tối3.1, Bộ trưởng Ngoại giao Khawaja Asif cáo buộc Mỹ đã gây ra “cuộc tắm máu tồi tệ nhất” cho nước này khi hàng ngàn dân thường và binh sĩ Pakistan trở thành nạn nhân của cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan do Mỹ khởi xướng. Ông khẳng định Pakistan đã góp phần lấp đầy nhà tù Guantanamo Bay của Mỹ (nơi giam giữ những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất).
Trong ngày 4.1, Bộ trưởng Quốc phòng Khurram Dastagir tuyên bố Pakistan không có gì phải lo ngại hay sợ hãi vì quân đội nước này vẫn mạnh dù có hay không viện trợ của Mỹ.
Bà Christine Fair, chuyên gia về Nam Á của đại học Georgetown, lo rằng Pakistan sẽ trả đũa bằng cách cho đóng các tuyến đường tiếp vận trên bộ lẫn trên không vốn đang được Washington dùng để chuyển trang thiết bị và quân nhu cho lực lượng quân đội đóng tại Afghanistan thông qua nước này.
Theo bà Christine: “Pakistan có quyền báo với chúng ta rằng Mỹ không còn được dùng những tuyến tiếp vận này nữa”.
Cẩm Bình (theo Reuters, Newsweek)