Vào lúc Mỹ nghi ngờ các ý đồ địa-chính trị của Trung Quốc, chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Washington đã quyết dùng tiền để lôi kéo các nước châu Á, và thúc đẩy các nước đối tác trong khu vực tránh xa dự án Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) của Bắc Kinh.

Mỹ 'đấu tiền' với Trung Quốc để tăng sức mạnh ở châu Á

14/01/2020, 06:09

Vào lúc Mỹ nghi ngờ các ý đồ địa-chính trị của Trung Quốc, chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Washington đã quyết dùng tiền để lôi kéo các nước châu Á, và thúc đẩy các nước đối tác trong khu vực tránh xa dự án Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) của Bắc Kinh.

Tổng giám đốc DFC Adam Boehler - Ảnh: Getty Images

Giải pháp dùng tiền được trao cho Cơ quan Tài chính Phát triển Thế giới Mỹ (IDFC) thi hành với số vốn 60 tỉ USD đã được Quốc hội Mỹ chính thức phê duyệt hồi cuối tháng 12.2019. Cơ quan viện trợ mới này là nỗ lực mới nhất của Mỹ để cắm sâu chân đứng ở châu Á, nơi mà sức mạnh quân sự Mỹ chiếm ưu thế, nhưng Mỹ lại chật vật cạnh tranh với sức ưu thế kinh tế của Trung Quốc vốn đã tung những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng ồ ạt vào châu Á thông qua BRI.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2013, BRI đã chi hơn 1 ngàn tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Bắc Kinh cũng giữ vai trò chính trong việc lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB, có số vốn 100 tỉ USD) hồi năm 2015, và trong việc lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS dẫn đầu. BRICS là chữ tắt của 5 nền kinh tế đang nổi là Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc - như Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc - cũng tung vốn đầu tư và cho vay từ châu Á qua châu Phi.

Tuy nhiên, đã có những phê phán BRI được mở nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời tạo ra “bẫy nợ” đối với các quốc gia có thu nhập thấp, buộc các nước này phải thần phục Bắc Kinh. Trung Quốc tuyên bố BRI chỉ là một dự án phát triển mà bất kỳ quốc gia nào cũng được mời gọi gia nhập, và nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc “không hề có điều kiện bắt buộc nào kèm theo”.

Châu Á sẽ chọn DFC HAY BRI?

Tính đối đầu giữa hai thế lực kinh tế lớn nhất - nhì thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đồng nghĩa các quốc gia châu Á phải chịu sức ép đánh giá các yếu tố chính trị - kinh tế trước khi chọn đối tác thực hiện các dự án phát triển đất nước.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.1, chương trình hành động “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng việc nỗ lực cắt giảm viện trợ nước ngoài đã khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ - như Philippines, Indonesia - đã nghiêng về Trung Quốc trong vài năm gần đây. Nhưng khi ông Trump khởi xuống cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất - nhì thế giới này đã chuyển qua các mảng văn hóa và địa-chính trị, khiến Mỹ lại chú ý mảng quan hệ quốc tế.

Việc lập IDFC tiếp sau việc Quốc hội Mỹ thông qua Luật Sử dụng đầu tư cho phát triển hiệu quả hơn (viết tắt là Luật BUILD) và ông Trump đã ký ban hành. Cơ quan này cung cấp đầu tư vào vốn cổ phần, bảo lãnh các dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn như cảng hoặc tàu điện ngầm, và cho các công ty tư nhân vay tiền.

DFC đã bắt đầu tiến qua châu Á, với hy vọng cung cấp “một nguồn lực thay thế” cho cuộc đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng ồ ạt vào châu Á của Trung Quốc. Tổng giám đốc DFC Adam Boehler nói DFC là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở cửa và Tự do của Tổng thống Trump, nhằm xây dựng Mỹ như một đối tác đáng tin cậy của khu vực. Ông còn nói DFC được mở để làm việc với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

DFC đã tiếp cận các quốc gia đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ ngày 8.1, ông Boehler đã đi thăm Nhật Bản, Indonesia... để gặp lãnh đạo chính phủ các nước này cùng các đối tác đầu tư tiềm năng. Ông nói trước khi lên đường: “Chúng tôi muốn lập tức đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì khu vực này rất quan trọng đối với Mỹ cũng như đối với triển vọng đầu tư.

Tuy nhiên, vài nhà phân tích thắc mắc về tầm cỡ tác động mà DFC có thể có được trên bản đồ địa-chính trị châu Á. Năm 2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nhận định châu Á cần 1.700 tỉ USD/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới.

Ông Charles Kenny, phụ trách mảng công nghệ và phát triển ở Trung tâm Phát triển Toàn cầu (một tổ chức nghiên cứu của Mỹ) nói sự hỗ trợ của DFC chỉ là “giọt nước trong đại dương”, khi so với nhu cầu khổng lồ xây dựng cơ sở hạ tầng của châu Á. Ông nhận định đa số các nước sẽ đều cần sự hỗ trợ vốn của BRI, của AIIB và của DFC: “Các nước tiếp nhận đều sẽ xem 3 sáng kiến này là sự bổ sung cần thiết chứ không phải là sự cạnh tranh”.

Nhà nghiên cứu Malcolm Cook của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) chia sẻ quan điểm của ông Kenny, rằng các nước châu Á sẽ chào đón DFC như một nguồn vốn bổ sung cho các dự án, nhất là khi BRI không có sức thu hút hoặc không phù hợp với một số dự án. Nhưng ông cũng cho rằng DFC có những hạn chế khiến khó thể mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ: “Vì DFC có nhiệm vụ toàn cầu, tôi nghi ngờ rằng nó sẽ có thể có tác động địa-chính trị đáng kể ở châu Á”.

Giáo sư Vương Nghĩa Ngôi, chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói Trung Quốc hoan nghênh vốn DFC đổ vào sự phát triển của châu Á, nhưng cảnh báo một số bất ổn sẽ có, nếu các nước chọn làm việc với Mỹ: “Mỹ có thể thụ hưởng tiếng tốt là một đối tác có uy tín trong các thỏa thuận kinh tế, nhưng tôi nghi ngờ tính bền vững của chính sách này, vì thậm chí chúng ta không thể biết ông Trump có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ hay không, và ngay cả khi ông ấy tái đắc cử, chúng ta cũng không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ 'đấu tiền' với Trung Quốc để tăng sức mạnh ở châu Á