Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nêu ra các biện pháp ứng phó với tác động của việc Mỹ giảm mạnh mức thuế.
Theo luật Cải cách thuế doTổng thống Mỹ Donald Trump mới ký ban hành, nước này sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%; thuế áp dụng đối với các khoản thu đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước chỉ chịu thuế 10,5%. Mục đích của chính sách thuế này là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ chuyển thu nhập ở nước ngoài để tái đầu tư.
Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, với biểu thuế mới, Mỹ chuyển từ nhóm quốc gia có thuế cao nhất xuống nhóm quốc gia có mức thuế thấp nhất thế giới và động thái này khiến nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng chính sách khá mạnh.
Ví dụ như Trung Quốc, từ 1.1.2018 đã miễn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên của chính phủ như hạ tầng, công nghệ, nông nghiệp và cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm hạn chế thoái vốn, chuyển vốn của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.
Còn với EU, khối này cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ gây bất bình đẳng trong thương mại, gây nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua giảm thuế và chiến tranh thương mại. Đồng thời EU cũng để ngỏ khả năng kiện Mỹ lên Tổ chứ Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Tổ tư vấn, mức độ tác động ngay và trực tiếp của các chính sách thuế này đến Việt Nam là không lớn do vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp và lâu dài lạikhông nhỏ.
Cụ thể, chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng sức cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là khi xảy ra cuộc chạy đua giảm thuế trên thế giới.
Bên cạnh đó, khi các nền kinh tế khác áp dụng biện pháp phòng vệ như điều chỉnh chính sách tỷ giá, kiểm soát ngoại tệ sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế, qua đó tác động đến Việt Nam; đồng thời gây ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD.
Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát số liệu tái đầu tư vốn của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam trong thời gian qua và nắm tình hình đầu tư của các doanh nghiệp này. Nếu cần có thể có chính sách khuyến khích tái đầu tư như Trung Quốc đã làm.
Bên cạnh đó là việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo liên bộ Tài chính - Công Thương theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng chính sách thích hợp.
“Sau khi Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép của Trung Quốc, dự kiến trong thời gian tới, chính quyền ông Donal Trump tiếp tục áp thuế này dối với một số mặt hàng khác của Trung Quốc. Đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế này có xu hướng gia tăng. Những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị phía Mỹ ‘xem xét’. Bộ Công Thương cần theo dõi và rà soát sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ”, Tổ tư vấn kiến nghị.
Trước các đề xuất trên của Tổ tư vấn, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các vấn đề tổ tư vấn khuyến nghị về thuế và đầu tư, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.3.2018.
Đồng thời Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới khi Mỹ thực hiện Luật cải cách thuế mới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng thích hợp.
Bộ Công Thương cũng cần rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Mỹ áp dụng thuế chống bán giá đối với sản phẩm này.
Trước đó, tháng 11.2017, Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin liên quan đến việc một số báo chí quốc tế đưa tin “90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc”. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 378.164 tấn thép, trị giá 302,9 triệu USD. Nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ.
Số liệu thống kê của hải quan cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Mỹ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu.
Việc này khiến Bộ Thương mại Mỹphát đi thông cáosẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo đó, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.
Phản ứng lại, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nói kết luận này của Mỹhoàn toàn không phù hợp với pháp luật quốc tế và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thép.Việt Nam có thể sẽ khởi khiện ra WTO nếu Mỹ vẫn đánh thuế trừng phạt thép Việt.
VSA cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD với dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Nhật Bản, tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất, không phải chỉ gia công sơ bộ để xuất khẩu sang Mỹ.