Theo Medical Xpress, một nhóm khoa học từ Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH), Mỹ, lần đầu tiên đã dùng da của lợn biến đổi gien với công nghệ XenoSkin để cấy ghép cho người.
Trong y học hiện đại, một mảnh da lấy của một người đã chết thường được cấy ghép vào nơi bị bỏng nặng như một lớp phủ bảo vệ tạm thời. Nó giúp tránh nhiễm trùng cũng như mất chất lỏng.
Thông thường, mô cấy ghép trong bệnh viện rất khan hiếm, vì vậy, các nhà khoa học từ bênh viện MGH đã nuôi lợn biến đổi gien từ đầu những năm 1990, có thành phần da ít xa lạ với hệ thống miễn dịch của người.
XenoTherapeutics, một công ty y tế, đã phát triển một công nghệ ghép da từ những con lợn biến đổi gien này sang người. Mới đây, bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện trên Jeremy Goverman, lần đầu tiên cấy ghép một trong những mảnh da lợn cho người.
Một mảnh da XenoSkin 5x5 cm được đặt trên một vết bỏng bên cạnh một mô cấy ghép thông thường có kích cỡ lớn hơn - thông thường - và sau đó được giữ bằng ghim phẫu thuật và băng gạc trong 5 ngày.
Kết quả là cả hai lớp phủ da đều giống hệt nhau và bảo vệ vết thương với cùng chất lượng như nhau. Đồng thời, retrovirus nội sinh (endogenous retroviruses) của lợn không truyền sang người trong quá trình cấy ghép da, vì trước đó, đây là một vấn đề nghiêm trọng mà y học chưa khắc phục được.
Paul Holzer, CEO của XenoTherapeutics nhận định rằng, các nhà khoa học đã thực hiện một bước tuy nhỏ nhưng chưa từng có trong việc đưa mô cấy ghép của công ty từ lý thuyết sang trị liệu, một bước mà họ hy vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực y học đầy triển vọng này và mang lại lợi ích cho bệnh nhân trên toàn thế giới.
Vũ Trung Hương