Theo Scientific Report, tình trạng thiếu hụt thuốc thông thường trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) đã thúc đẩy các bác sĩ trong quân đội liên minh miền Nam (Confeederate States ò America) sử dụng các chất chiết xuất từ các loài cây bản địa để làm thuốc.
Năm 1863, nhà thực vật học Francis Porcher đã biên soạn cuốn sách về các cây thuốc có nguồn gốc ở miền Nam Hoa Kỳ, bao gồm các loài cây được sử dụng trong y học cổ truyền của người Mỹ bản địa như cuốn sách tham khảo cho các nhân viên y tế của quân đội liên minh miền Nam.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tham khảo cuốn sách này và thu thập các mẫu từ 3 loài được chỉ định dùng làm công thức sát trùng, ngừa hoại tử mô.
Để có được loại thuốc này như công cụ sơ cứu trên chiến trường, các bác sĩ thời nội chiến Mỹ từng sử dụng vỏ cây sồi trắng (Quercus alba), lá một loài thực vật có hoa Aralia spinosa, chồi và rễ của cây tulip (Liriodendron tulipifera).
Những loài cây này chứa chất tạo ra tác dụng kháng khuẩn, không cho phép vi khuẩn thích nghi với điều kiện môi trường mới và hình thành màng sinh học (biofilm) có khả năng kháng kháng sinh.
Các bác sĩ Mỹ thời nay đặc biệt chú ý đến chất ngừa hoại tử mô. Trong các thử nghiệm, họ đã phát hiện ra rằng loại chất chiết xuất từ các loài cây đó có tác dụng kìm hãm sự phát triển của các loài vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, pneumococci và các vi khuẩn khác kháng các loại kháng sinh mạnh nhất.
Ngoài ra, thuốc bào chế từ các loài cây đó không cho phép vi khuẩn trao đổi tín hiệu và phối hợp hành vi của chúng. Nhờ vậy, chúng không thể chống đỡ với trị liệu.
Vũ Trung Hương