Trong lúc cắt gỗ, nam thanh niên bị khúc gỗ văng vào mặt, cứa ngang qua tai phải, cùng một mảnh gỗ lớn cắm sâu vào mặt.
Nam thanh niên N.D.T.T (18 tuổi, ngụ tại Long An) vừa cắt đứt khúc gỗ, bất ngờ bị các mảnh gỗ văng ra bay vào mặt, một mảnh cắt ngang qua tai phải dẫn đến chẻ đôi tai; một mảnh gỗ khác cắm sâu vào mặt. Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng trầy xước vùng mặt phải, vết thương rách da vành tai phải.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thái Sơn - Khoa Liên chuyên khoa - cho biết qua thăm khám các bác sĩ phát hiện vài mảnh dằm nhỏ ở vết xước mặt bệnh nhân và tiến hành lấy mảnh dằm, khâu vết thương ở tai. Lúc này, bác sĩ nghi ngờ vẫn còn dị vật sót lại nên đề nghị chụp CT để kiểm tra nhưng bệnh nhân từ chối do không có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân bắt đầu cảm thấy sưng đau nhẹ ở má phải, sờ cứng; một lỗ nhỏ chỉ bằng đầu bút bi tại vết thương trên mặt bắt đầu chảy mủ. Người bệnh cũng xuất hiện tình trạng phù kết mạc mắt phải và bị giới hạn vận nhãn, cho thấy có thể còn dị vật bị sót lại dưới da.
Lúc này các bác sĩ tiến hành rạch rộng vùng tổn thương để thám sát và tìm dị vật. Kết quả, một mảnh gỗ có kích thước 1x0.5x3.5cm đã được rút ra từ vùng da sâu dưới mặt, với hướng từ miệng vết thương kéo dài lên sát mắt phải. Ngoài ra, nhiều mảnh gỗ nhỏ khác cũng được tìm thấy và loại bỏ.
“Một mảnh gỗ lớn đã đâm sâu vào vùng da dưới mặt của bệnh nhân nhưng bên ngoài chỉ thấy một vết thương nhỏ, tương tự như lỗ của một chiếc bút bi. Điều này là do dị vật bay với tốc độ cao tạo vết cắt gọn, chìm sâu vào trong mô cơ, lấp mô nhanh chóng nên miệng vết thương chỉ nhỏ bằng lỗ bút bi, không tương xứng với kích thước dị vật”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
“Sau khi loại bỏ dị vật, chỉ trong một ngày, các triệu chứng của người bệnh đã thuyên giảm đáng kể. Sau hơn 1 tuần điều trị, đến chiều nay (30.8) bệnh nhân đã được xuất viện”, bác sĩ Sơn thông tin.
Theo bác sĩ Sơn, khi tai nạn xảy ra, không riêng người lao động chịu hậu quả mà còn kéo theo gia đình, người thân bị tác động bởi nạn nhân thường là trụ cột, lao động chính trong gia đình. “Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, ngoài chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết, khi phát hiện người bị tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu, băng bó vết thương, không tự ý rút dị vật ra khỏi cơ thể. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế tối đa tổn thương và giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.