“Trời cứ xanh hoài, thiệt hết ham”. Bà già kêu lên, khi vịn tay ở đầu rào, ngửa mặt ngó thinh không. Lội ngồi góc sân cạnh đám cháy tàn, nhìn ra cổng. Không thấy được con đường mà vừa nãy vợ anh đi. Bà mẹ che hết rồi, bóng bà đang ngược sáng. Cái lưng còng khiến thế đứng bà già như kền kền, giống loài lâu rồi không ghé qua xứ Nước Trong.
Ở đây giờ khó kiếm mồi. Gần nửa năm nay không khí cứ tươm mật, nền trời xanh ngắt, nếu mưa cũng là mớ nước rây ra từ vài đám mây nhã nhặn, vừa đủ cho cỏ cây ra lá non. Sau mưa nền trời càng xanh nắng càng lanh lảnh, như tráng một lớp thủy tinh.
Nhưng quang cảnh không khiến bà già vừa bụng chút nào. Cái giọng đầy bất mãn. Chắc là chưa quên cơn bẽ bàng sớm nay, bà chống gậy đi tìm bạn uống trà, nửa đường nhớ ra bạn đâu còn đằng đó chờ mình. Bạn qua đời rằm trước. Bữa đó trăng đặc tới mức để lại vệt gợn sau mỗi chuyển động của con mèo. Tính lẩn thẩn sẵn, những ngày trong veo khiến bạn sinh ảo giác rằng mình chắc đã chết rồi, cảnh này chỉ có ở thiên đường thôi. Không ăn bỏ ngủ, kiệt sức dần, bạn trút hơi tàn đúng ngày trăng nở. Bà già bị bỏ rơi, nhưng cái chân quen đường cũ cứ hay thả bộ về phía khói nhang.
Cũng đận này năm ngoái, hai bà già ngồi trên nóc nhà chia nhau nửa gói mì ướt, chờ tàu cứu hộ ngang qua. Vắt cái ống quần sũng nước, bạn khoe đùi mình thon. Bà già trề môi xì một tiếng, vỗ mớ da thịt nhão treo lòng thòng dưới khúc xương, nói Đực khen đùi tui thon hơn. Người đàn ông mà cả hai người đàn bà đều không còn nhớ rõ dạng hình, suốt sáu mươi mấy năm qua, luôn là cái cớ nhắc nhớ họ từng là tình địch. Và trong cái ký ức đầy nước, bà già vẫn nhớ hình ảnh Đực trôi ngang qua mình, bụng ngửa ra phình như bụng trống, một tay giơ lên nửa như có ý kiến với cha nội trời “mưa gió nhiêu đó đủ rồi”, nửa như vẫy tay chào cô bạn cùng xóm, “ở lại mạnh giỏi nghen, nhỏ!”. Bà lúc đó chừng mười bảy tuổi, níu ngọn cau chịu trận đã nửa ngày, muốn giơ tay ra níu người thương, nhưng tê cóng không làm sao nắm lại.
“Phải tay tui là ổng đâu trôi mất xác”, sau này bạn hay rền rĩ. Bà cười lạt, nhìn mấy con gà xõa cánh trong một vũ điệu thần bí giữa xoáy nước đục ngầu:
“Ờ, giỏi quá, sao không giở ngói chui ra sớm chút”.
Lụt năm nào cũng cuộc cãi cọ liên quan tới người đàn ông đó, rồi nước rút, hai bà già lại rủ nhau uống trà, kêu lụt năm nay không lớn như năm trước. Hay là năm trước nữa, cái đận mấy trại gà mất trắng, một nửa xóm bỏ xứ đi. Những mùa nước cứ nhịu lẫn, chồng nhòe lên nhau, cũng bão cơn nối cơn, cũng ngập tới nóc, người với vật cùng nổi trôi, và những đứa trẻ mang tên Lụt Lội Gió Giông chào đời trên xuồng cứu hộ, hết thảy mấy thứ đó không làm sao phân biệt một cách rõ ràng nữa.
Nhưng bà già có thể lấy cái tuổi bảy mươi chín của mình ra làm chứng, trời đẹp kiểu này xứ Nước Trong chưa từng. Se lạnh, tinh sạch như lau, óng mướt không tả nổi. Vàng của nắng và xanh của trời, sao chép nhau ngày này qua ngày khác, không sai lệch một sắc độ nào. Đêm thì lủ khủ sao trên cái nền đen nhức.
Tuần nắng mật đầu tiên, cả xứ như bị trúng bùa. Mấy con chó cứ ẳng lên không lý do, ai đó nói trời đẹp quá mà, người ta còn muốn sảng. Hồi đầu người Nước Trong mê mẩn, cứ muốn ngồi phơi ngoài trời cho nắng no da thịt, nhưng những ngày đẹp cứ nối nhau dài mãi, bỗng sợ. Cảm giác như đang xài phí một khoản vay mà không ai biết nay mai sẽ bị đòi lãi gấp chục hay trăm lần.
Má anh Lội ngờ lạc khỏi xóm mình khi đi qua cái đình sứt sẹo bởi đạn bom hồi chiến, giờ bỗng rờ rỡ trong nắng thu. Thứ nắng hóa vàng cả rác, mái nhà gỉ sét, bụi cây chết đứng giữa trời. Tất cả những xám xịt bỗng ngời lên. Núi tro xỉ phía xa kia nữa, vẻ hiểm độc cũng bị rửa trôi. Bà già hay thả tà tà theo lộ xóm, gặp ai cũng nói mỗi câu, “nay ông trời kỳ lắm nghen”, chờ ai đó đồng tình, “ờ đẹp kỳ, hiểu không nổi”. Thà là giông gió đi, hung tợn cỡ nào thì cũng không còn lạ. Lội khó chịu quá, kêu “má trông mưa bão chắc?”, nhưng nắng cứ sóng sánh không thôi, anh thấy bất an.
Cây huỳnh ngoài sân vàng lá một nửa, lẫn với nửa xanh kia nhìn nao cả lòng. Bữa Gấm về sớm, ngồi ngắm cây cả buổi. Ở nhà chồng ba năm, lần đầu thấy lá huỳnh đổi sắc. Mọi năm lá chưa kịp thay màu thì mưa bão tới, cây ngập gốc tuôn lá trơ cành. Như một kẻ tắm trần, trơ xương trong nước lạnh. Nghe nói huỳnh trồng ở xứ khác cho trái sai, thứ trái người Nước Trong chưa từng thấy. Không kịp thấy. Lụt xong cây cỏ chưa kịp hoàn hồn, bão lại tới, sức đâu mà cây treo hoa trái lên cành.
Thấy Gấm về không đúng cuối tuần, Lội tưởng vợ ở lại một đêm rồi đi như mọi khi, nên chạng vạng kéo vợ vô buồng ư ử. Xong phơi bụng ngáy khò, nửa đêm dậy thêm lần nữa, vì Gấm giang rộng đôi đùi trần quắp chặt lấy mình. Sáng ra thấy Gấm không còn nằm cạnh, hõm chiếu chớm lạnh, nghĩ vợ đã đi làm, ra sàn nước anh hơi giật mình thấy chị ngồi vo gạo.
“Cây huỳnh đẹp muốn xỉu”.
Gấm nói, như là lý do duy nhất khiến chị vẫn chưa rời đi. Từ nhận làm giúp việc cho một quán nhậu trong thị trấn, lần đầu tiên Gấm ở lại nhà luôn mấy ngày. Chị đem mùng chiếu ra giặt, quét rác mấy hốc nhà, dọn bồ hóng trong chái bếp. Chị gom củi về trải phơi kín sân. Hệt như hồi mới cưới nhau, xế trưa chị nhờ Lội dội nước gội đầu rồi ra sân phơi tóc.
“Phải bẹo hình dạng ngoài sân mới chịu”, bà già gầm gừ.
“Người ta đi ở đợ kiếm tiền nuôi má, còn chưa vừa?”, Lội nổi sùng, rồi sau đó là một nỗi xấu hổ khi ba năm rồi không nghĩ ra được câu nào mới. Hay anh xấu hổ vì đã nhẹ người khi nói ra câu đó, rằng Gấm phải đi làm kiếm tiền là tại mẹ chồng không thương. Đổ lỗi cho lụt lội thì ông trời ở xa, cho cái thân đàn ông mà không lo nổi ba miệng ăn lại không thể ngẩng đầu nhìn làng xóm, ngó quanh chỉ thấy bà mẹ là có thể chịu tội.
Ngay lần đầu gặp Gấm bà đã không ưng.
“Thứ đàn bà trắng ớn, xài sao được”.
Người Nước Trong, những kẻ mang dòng máu khẩn hoang lai tạp với thổ dân bản xứ mang sắc da tối màu, không ai như Gấm. Chị trắng đến nhói con mắt người nhìn, vốn đã quen ngó nhau da đồng mặt cháy. Lạc lõng giữa người đã đành, chị cũng không ăn nhập gì với thứ đất mủn nước, những ngôi nhà thấp bị trói bởi mớ sợi dây chằng chống bão, dãy núi tro xỉ của nhà máy nhiệt điện chở vào ngày một cao.
“Có đâm đầu cưới về thì nó cũng đi mất”, bà già nhai đi nhai lại trong cái bộ điệu vô vọng. Lội chỉ nói đúng một câu, “kệ tui”, rồi chạy te đi thị trấn mua nhẫn cưới bằng tiền lương mượn trước của chủ xưởng. Anh không nghĩ được thứ nào khác để giữ Gấm ở lại bên mình. Nhỏ hơn vợ sáu tuổi, nhưng dân Nước Trong đều kêu không lý nào, ngó thằng Lội già khằn, mặt có nếp có hằn, sao trẻ hơn con nhỏ trắng tinh được.
Không biết có phải vì bộ da ngậm sữa, mà ba năm sau cái đám cưới qua loa, Gấm còn giữ được cái tên của mình. Cũng có thể chị chưa có con. Chị đi ngoài đường, người ta vẫn gọi là con Gấm, không phải là vợ thằng Lội. Những con đàn bà khác tên tuổi bị bốc hơi sau cuộc theo chồng.
“Có sao đâu, kêu bằng gì thì cũng là vợ tui”, Lội thường nói mỗi khi bà mẹ bới móc. Giọng vống cao, che giấu bất an. Đám đàn ông đi nhậu ngoài thị trấn về, gặp anh vỗ vai cười, nói đúng mấy chữ, “tao mới gặp Gấm ngoài đó”. Chỉ vậy, và khoảng trống sau câu nói đó, cái cười ẩn ý, chúng rúc rỉa anh.
Và những ngày nắng mật tràn lên tàng cây, chảy qua kẽ lá nhuộm lốm đốm khoảng sân, ngó vợ nghiêng đầu phơi tóc, khoảng gáy trần làm anh thấy tức giận. Anh muốn cắn lấy cái gáy đó, cho máu loang đỏ lấp bớt khoảng da trắng nhói kia đi. Nhưng anh biết có làm vậy thì chẳng ích gì, cái tấm thân kia không cách nào che chắn hết. Không gáy thì cánh tay, hay đôi cổ chân lúc nào cũng để trần.
Lội ngờ phấp phỏng này bị nắng vàng phát tán. Bên xóm cũng nhiều người mắc. Có chị trốn miết gầm giường không nhận lấy mớ bó bông cỏ đuôi chồn anh chồng tặng. Anh chưa bao giờ tặng gì ngoài những trận đòn lúc say. Chị ngờ bó bông chỉ là mồi nhử để chồng đánh đã tay. Hay như ông già thằng Bảy Thẹo cự tuyệt mớ bánh nướng thằng con chuyên chửi thuê chém mướn gởi cho, nghi trong đó có độc. Hai cha con nó thường rượt đuổi nhau trên đường xóm, mà vị trí kẻ cầm dao phay dứ dứ đằng sau không nhất thiết thuộc về người lớn tuổi hơn. Lúc con, lúc cha, và sau cuộc đuổi đánh nhau mệt lả, chính họ cũng không nhớ lý do sao lại thành ra thâm thù.
Những câu chuyện đó được kết lại thành chuỗi, ngày mỗi dài thêm, như một chứng cứ bất thường của cái tiết thu lịm ngọt khó tin này. Từ giông mưa không tới, người Nước Trong lúc nào cũng ngó trời, họ không muốn bỏ sót bất cứ thứ gì được giấu sau cái màn xanh cao vợi trên kia. Một thứ nhọn hoắc, độc địa. Cứ cho là mùa thu lỡ dại ghé qua cái đất oan ương này, nhưng nó không co cẳng bỏ chạy thì thôi, chớ lý nào ở lại lâu đến vậy.
“Ổng toàn lấy đi, đâu cho không ai cái gì”, má anh Lội nói, tay chỉ vào gợn mây trắng mỏng tang vừa bong ra khỏi màn xanh vô tận. Ngay từ đầu bà già đã dè chừng cái thời tiết đẹp dị thường này. Thấy nắng nên chỉ mặc áo mỏng ra ngoài, chừng đi nửa đường khắp người gai lạnh, bà teo ruột quay về. Những ngày này bông cúc đá nở mãi không chịu tàn, đến ngờ chúng là hoa giả, vài ba bữa bà già lại hái vò thử coi có gãy cánh không. Cả khi đi tắm bà già cũng dòm chừng qua lỗ tường, sợ có cơn nước nào đằng chân trời ào tới. Nhưng ở nhà tắm ngó ra chỉ thấy chiều đổ bóng đám bần dại lên chòm mộ những người đã khuất, thứ duy nhất được cố định bằng bê tông cho xương cốt không trôi mất lúc nước lên. Mồ mả còn là đất còn, xóm làng còn, người nhà bà hay nói vậy. Dù là mộ gió, như mộ chồng bà. Thân xác nọ đã gửi lại một chiến trường nào đó.
Những ngày gần đây, ngó ra không còn thấy đám bần. Gấm đã xoắn áo rủ chồng chặt rụi, thêm được chục ngoài bó củi. Đứa con dâu đó bà già cự tuyệt cảm tình ngay từ đầu, vì không muốn tan nát một khi cô ta bỏ chạy. “Người vậy sao xứ này dung chứa nổi”, bà già lại thở dài, nhìn người dưng ẩn hiện trong vườn, nhớ ra cô con dâu mình không có miếng xương người thân nào được chôn ở cái đất này. Lụt đưa cô ta tới.
Lúc Gấm lấy xe đạp ra thị trấn, bà mẹ chống gậy ngược từ đằng xóm về. Cái ý thức bạn già đã ra thiên cổ làm bà ê ẩm, không thèm ngó lại ừ hử lời thưa của con dâu, “má, con đi chợ chút”. Chỉ đi tới cổng, nhìn thấy thằng con ngồi cời mớ rác cho cháy bằng hết, máu bặc hặc của bà già lại nổi lên.
“Ai biết được có đi luôn không”.
Lội nín thinh. Anh không cất tiếng nổi, bởi cơn phấp phỏng đang độc chiếm cả người mình. Vợ không nhìn thẳng vào anh lúc bảo ra thị trấn mua mấy khúc vải may vài bộ đồ cho mẹ. Quay mặt phía nào đó, vợ nói quần áo mẹ cũ rồi, toàn thứ vớt được trong lụt nên áo đông quần tây, không giống ai. Lội nhớ lại, nhìn ngọn khói rụi dần.
Mớ rác cháy tàn này Gấm vun lại từ cái nhà đã lâu không được quét dọn tử tế, bởi mỗi tuần chị chỉ về được một hai tối, sớm ra lại lóc cóc đạp xe đi. Cái nhà bị bỏ bừa, mấy bữa nay sáng rỡ trở lại. Lội cũng được đánh bóng. Gấm tẩm dầu lửa vô cái khăn cũ, kỳ cọ khắp người chồng. Chị cưng nựng mãi vết sẹo dài mà mùa lụt ba năm trước, một miếng thiếc lợp nhà bị nước vụt vào người anh, cắt ngọt bắp tay. Nhưng thằng đàn ông đẹt ngắt đó vẫn cắn răng níu cứng vạt áo người đàn bà lạ mặt buộc mình vào bè chuối từ phía núi trôi về. Mang người lên bờ mới biết chị ta còn thở. Bùn sình trên ngực chị được máu Lội rửa trôi.
“Phải nói chồng lì thiệt”, Gấm rơm rớm nhắc, áp bàn tay đầy thẹo vết của chồng vào bầu vú nóng.
Giờ Lội tự hỏi, sao bữa qua vợ lại rơm rớm. Mấy lần nhắc lại chuyện cũ, vợ có biểu cảm giống vậy không? Tất cả những gì vợ làm mấy bữa qua, cổ đã từng làm trước đó? Anh cố nhớ trong lúc ngó ra đường vắng, nghĩ về hương mật những ngày qua, nghĩ tới bữa ăn cuối của tử tù, cái khoảng lặng trong tâm bão.
Bà mẹ đã lui vào sân, đứng dưới cây huỳnh, dỏng tai coi có lời đe dọa nào được đưa tới bởi gió thu. Giờ mới nhận ra lá huỳnh đã chuyển vàng bằng hết, mớ lá chín trước giờ bắt đầu cuộc buông mình. Bà già đứng đó, ngó thằng con. Thằng con ngó ra đường. Con đường đổ dốc về thị trấn.
“Chỉ bộ đồ dính da, đi đâu được”, tự dưng Lội nghĩ, hay là anh buột miệng nói luôn thành lời, chính anh cũng không chắc. Bà mẹ cũng có thể đã nghe được, hoặc không, thở dài cái thượt.
“Thiệt không ưa nổi cái thứ nắng lạnh này”.
Nguyễn Ngọc Tư. Minh họa:Kim Duẩn/ Người Đô Thị