"Khi các cơ quan phát hiện có thanh, kiểm tra chồng chéo thì yêu cầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết như Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu người có trách nhiệm không giải quyết mà doanh nghiệp (DN) kiến nghị lên cấp cao hơn thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nếu DN bị thanh tra quá nhiều, Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc xử lý

Trí Lâm | 17/05/2017, 20:50

"Khi các cơ quan phát hiện có thanh, kiểm tra chồng chéo thì yêu cầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết như Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu người có trách nhiệm không giải quyết mà doanh nghiệp (DN) kiến nghị lên cấp cao hơn thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tinh thần khởi nghiệp lên cao chưa từng có

Tại cuộc họp báo sau khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng với DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đây là sự kiện gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng với cộng đồng DN có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với trên 10.000 đại biểu tham gia, trong đó riêng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã có hơn 2.000 đại biểu.

“Tinh thần của hội nghị là là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. Hiện nay, khối tư nhân chiếm chủ yếu, là động lực phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển DN”, ông Dũng nói.

“Hội nghị với DN tổ chức tại TP.HCM thời gian trước rất nóng, rất bức xúc nhưng hôm nay thì đã giảm nhiều. Điều đó cho thấy đã có những biến chuyển trong công tác điều hành, các thủ tục hải quan, thuế, chi phí không chính thức… cũng đều đã giảm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, tổng kết sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp chưa bao giờ sôi động và có sức sống như những ngày qua.

“Việc hun đúc tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên khởi nghiệp, sáng tạo có ý nghĩa vô cùng lớn, nếu không muốn nói là có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của các quốc gia khởi nghiệp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chính phủ nói gì về 60 dự án bất động sản sắp thanh tra?

Liên quan đến việc Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra 60 dự án bất động sản, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã rà soát các dự án từ 1.7.2014 đến hết 2016, tức là thời điểm thực hiện Luật Đất đai 2013 và báo cáo Thủ tướng.

Theo Bộ này, năm 2017Thủ tướng đã duyệt, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra, thanh tra tình trạng sử dụng đất trên địa bàn TPHCM. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị cho phép chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để chọn ra các đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó.

“Đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm so với Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, gây bức xúc trong dư luận thì kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh đình lại những cái đang thực hiện, chứ không phải tất cả”, ông Tuấn nói.

Như vậy, ông Tuấn cho rằng việc Bộ Tài chính báo cáo là theo yêu cầu của Chính phủ, và đối tượng nào vi phạm thì cần phải có biện pháp ngăn chặn và khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói về 60 dự án bất động sản kiến nghị thanh tra - ảnh VGP

Bộ này cũng cho biết đồng tình với ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội DN bất động sản TP.HCM khi kiến nghị Chính phủ sớm thay thế Quyết định 09, 80, 86 về việc sử dụng đất của các DN trong quá trình cổ phần hóa để không thất thoát, bảo đảm được đúng mục tiêu của quy định pháp luật. Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai về cơ chế định giá đất và cơ chế đấu thầu giá đất.

Được biếtông Châu cũng kiến nghị thêm rằng “Các chủ đầu tư mặc dù vi phạm nhưng vẫn cho tiếp tục xây dựng, nhưng với cam kết phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các nghĩa vụ theo thanh tra, kiểm tra. Riêng về chênh lệch giá, không thể bắt người tiêu dùng chịu, mà phải bắt nhà đầu tư chịu”.

Thanh tra chồng chéo, lãnh đạo tỉnh phải xử lý

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay trong khi đang chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng đã ký tại chỗ Chỉ thị số 20 nhằm tránh tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo với doanh nghiệp.

“Chính phủ đã nghe nhiều phản ánh về tình trạng doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều lần, có DN bị hàng chục lần mỗi năm. Quan điểm nổi bật trong Chỉ thị 20 là trong một năm chỉ được thanh, kiểm tra hoặc kiểm toán doanh nghiệp một lần” Bộ trưởng Dũng nêu.

Theo ông Dũng thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, TP là đầu năm phải ban hành kế hoạch thanh tra, cònkhi thanh tra đột xuất phải có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Hiện nay, có doanh nghiệp nói trên “nóng”, dưới “lạnh”, thậm chí đóng băng. Với sự ra đời của Chỉ thị 20 được công khai vớitoàn dân trước sự giám sát của doanh nghiệp thì các cơ quan, cá nhân, tổ chức đều phải chấp hành.

"Khi chỉ thị được ban hành thì tất cả đều phải chấp hành, kể cả DN cũng phải chấp hành vì DN tạo ra cán bộ hư hỏng là DN cũng có lỗi, cái đó phải nhìn hai mặt, vì phải công khai, minh bạch. Chỉ thị này sẽ là công cụ tốt nhất để cùng nhau làm và giám sát", ông Dũng cho biết.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu DN bị thanh tra quá nhiều, Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc xử lý