Về cơ bản, có ba cách chúng ta có thể dùng để trả lời câu hỏi về chân tính - câu hỏi “Bạn thật sự là ai?” - tương ứng với các nguồn gốc khác nhau của đặc điểm tính cách con người.

Nếu được mời dự tiệc bạn có ba cách để trả lời câu hỏi ‘Bạn thật sự là ai?’

H.V | 29/09/2022, 15:58

Về cơ bản, có ba cách chúng ta có thể dùng để trả lời câu hỏi về chân tính - câu hỏi “Bạn thật sự là ai?” - tương ứng với các nguồn gốc khác nhau của đặc điểm tính cách con người.

Chân tính sinh học: Thuận theo bản tính tự nhiên

Một cách để bạn có thể sống đúng chân tính là hãy trung thành với bản tính sinh học của mình - bản thể được hình thành bởi các yếu tố thuộc về thể chất.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn vừa nhận được lời mời tham dự một bữa tiệc tại khu phố nhà mình vào cuối tuần tới. Cảm giác gì lập tức xuất hiện trong bạn? Cảm giác vui sướng vì bạn vốn thích tiệc tùng, hay cảm giác lo lắng vì bạn thấy những bữa tiệc chỉ khiến mình mệt mỏi? Nếu bạn hành động theo sự thôi thúc đến từ bản tính tự nhiên của mình, điều đó nghĩa là bạn đang thể hiện chân tính sinh học - sự trung thành với bản thể tự nhiên.

banthatsulaai-10-.jpg

Bạn có thể thích hoặc không thích tiệc tùng, nhưng con người đang hành động theo cảm giác thích hoặc ghét đó chính là con người chân thật của bạn. Những lựa chọn bắt nguồn từ bản năng sinh học có mối liên hệ mật thiết với các nét tính cách tương đối ổn định của chúng ta.

Người cởi mở và hướng ngoại thường thoải mái đưa ra câu trả lời “Đi nào!” khi nhận được lời mời. Người nhạy cảm thái quá và hướng nội có khuynh hướng đáp lời theo phản xạ rằng “À, xin lỗi, tối hôm đó tôi bận rồi” (và có lẽ họ cũng tự nhủ “trong vòng bảy năm tới cũng bận luôn rồi”).

Chân tính xã hội: Thực hiện các nghĩa vụ

Tuy nhiên, khi nói đến tiệc tùng, có thể bạn cũng tuân theo các yêu cầu mang tính xã hội xuất phát từ các quy chuẩn văn hóa và tình huống định hình hành vi hằng ngày của bạn. Bất kể đặc điểm tính cách của bạn là gì, quyết định từ chối hoặc chấp nhận lời mời dự tiệc có thể tùy thuộc vào việc bạn có phải là thành viên của một nhóm cực đoan luôn coi các bữa tiệc là phù phiếm hay không; hoặc có thể bạn là ủy viên ban chấp hành của hiệp hội khu phố, và xét cho cùng thì bữa tiệc chính là một sự kiện của khu phố.

Do đó, bạn không cần nghĩ ngợi mà nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên trách nhiệm xã hội của mình, chứ không nhất thiết là theo mong muốn cá nhân. Đương nhiên, mong muốn của bạn hoàn toàn có thể hòa hợp với trách nhiệm mà bạn cho rằng mình cần thực hiện, và trong trường hợp đó, hành động của bạn càng quyết đoán bội phần.

Ngoài phạm vi của khu nhà mình sống, các đặc điểm tính cách của chúng ta có thể được xây dựng từ các quy ước văn hóa thể hiện qua các phương tiện truyền thông hoặc ấn phẩm văn hóa. Khái niệm này được gọi là Nguyên lý Quixotic, một khái niệm được nhà tâm lý học Ted Sarbin đưa ra vào năm 1994.

banthatsulaai-18-.jpg

Nguyên lý này cho rằng các kịch bản hoặc khuôn mẫu trong nền văn hóa cho chúng ta biết nên hành động và cư xử thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Những quy tắc hành xử này có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ.

Ví dụ điển hình nhất của ảnh hưởng này là Don Quixote, một nhân vật vô cùng thú vị trong tác phẩm của đại văn hào Miguel de Cervantes. Don Quixote được miêu tả như một người đàn ông đơn giản đến từ La Mancha, vì mê đắm những câu chuyện về hiệp sĩ xa xưa nên đã lên đường tìm kiếm những chiến tích vĩ đại cũng như hình tượng kỵ sĩ hào hiệp. Don Quixote đã áp dụng các khuôn mẫu và kịch bản xã hội của thời đại trước, đến mức những mục tiêu mà anh theo đuổi hoàn toàn là chuyện điên rồ trong mắt những người từng tiếp xúc với anh. Nhưng chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Trong tâm trí của Don Quixote, anh đang thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chân tính đặc trưng: Con người sâu sắc hơn của bạn

Trở lại ví dụ về lời mời dự tiệc. Giả sử bạn nhận lời dự tiệc. Đến ngày hẹn, bạn đến nơi tổ chức tiệc, bước vào cửa và nhìn thấy anh hàng xóm Diego cùng với cô vợ Emily của anh ấy. Một tháng vừa qua, bạn đã vô tình gặp Diego tại một vài sự kiện xã hội và lúc nào anh ấy cũng đi cùng Emily. Sự nhiệt tình tham gia các sự kiện xã giao mà Diego đã thể hiện khiến bạn cho rằng anh ấy hẳn là một người khá hướng ngoại. Bạn mặc nhiên nghĩ rằng đối với Diego, dự tiệc là hành động tự nhiên.

Nhưng có thể Diego không phải là người bẩm sinh thích tiệc tùng; trên thực tế, anh ấy cực kỳ hướng nội, thích sự riêng tư và tránh đương đầu với các tình huống xã hội. Và có thể không có bất kỳ quy tắc xã hội cụ thể nào buộc anh phải tham dự mọi sự kiện xã hội quan trọng trong tháng đó. Về phương diện văn hóa, không có ràng buộc nào khiến Diego và Emily phải tích cực tham gia các sự kiện xã hội như vậy - ngược lại thì đúng hơn. Vì vậy, đối với Diego, sự nhiệt tình tham gia tiệc tùng không bắt nguồn từ bản tính sinh học hay bản tính xã hội của anh.

Thay vào đó, hành động của Diego trong tháng đó có thể xuất phát từ bản tính thứ ba - những công trình cá nhân cốt lõi trong đời anh. Emily đang mắc bệnh nan y, nhưng cô và Diego đã quyết định không cho bất cứ ai ngoài những người thân nhất trong gia đình biết chuyện này. Các triệu chứng của cô sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng tại thời điểm này, cô vẫn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày và thậm chí là làm một số việc mà cô yêu thích, chẳng hạn như gặp gỡ hàng xóm và cùng nói về những chuyện có ý nghĩa với họ. Emily thích những bữa tiệc - thật ra, cô ấy sống vì chúng.

ban-that-su-la-ai-quote-3.jpg

Đối với Diego, công trình quan trọng nhất hành tinh lúc này là “hiện diện vì Emily” và không gì có thể ngăn cản anh hoàn thành mục tiêu này. Nếu chuyện đó có nghĩa là anh cần phải hành xử ngược với bản tính sinh học của mình thì cũng không sao cả. Nếu nó gây trở ngại cho lịch làm việc của anh và anh phải khiến công ty thất vọng thì cũng không sao cả. Đôi khi, một công trình nào đó sẽ đòi hỏi toàn bộ tâm trí và sức lực của chúng ta. Khi người mà ta yêu thương đang cận kề cái chết, hiển nhiên ta sẽ tập trung toàn bộ tâm trí vào chuyện đó.

Vậy có phải Diego đang hành xử không đúng với chân tính hay không? Không, anh ấy đang hành động ngược với những đặc điểm sinh học của mình, bỏ qua những áp lực xã hội và thể hiện sự cam kết tuyệt đối với công trình cốt lõi của đời mình.

Khi nhìn thấy bức tranh sinh thái-xã hội hoàn chỉnh về con người mình, chúng ta nhận ra sự thật rõ ràng là mình có thể có đa chân tính. Và không có gì bất thường nếu một vài phiên bản trong số đó xung đột với nhau. Điều này không có nghĩa là chúng ta lạc lối trong thế giới của “chủ nghĩa đạo đức tương đối”, mà chỉ đơn giản là có nhiều cách để làm một người tốt và - quan trọng nhất - để trở thành một người tốt hơn. Chính bằng cách công nhận tất cả bản thể của mình cũng như xem xét và tái cân bằng chúng, ta mới có thể thật sự sống đúng với chân tính của mình. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu rõ nhất mình là ai và làm thế nào để sống trọn vẹn nhất cuộc đời phong phú của mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu được mời dự tiệc bạn có ba cách để trả lời câu hỏi ‘Bạn thật sự là ai?’