Điện Kremlin "cực lực bác bỏ" tin Tổng thống Vladimir Putin có “quỹ đen Putin” dùng để ám sát nhà báo Nga Arkady Babchenko, một người nổi tiếng chống đối ông Putin.
Ngày 1.6, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói các cáo buộc ông Putin lập “quỹ đen” để thuê giết người là tin nhảm: “Nói nghiêm túc, dĩ nhiên không hề có quỹ nào như thế ở Nga, và bất kỳ cáo buộc nào về khả năng Nga dính líu vụ trương cờ giả này chỉ là nói bóng gió, phi thực tế”.
Kiev khoe tìm được “danh sách cần khử” những người chống Nga
Ngày 2.6, Reuters dẫn tin Kiev muốn trấn an các đồng minh phương Tây sau vụ giả ám sát nhà báo Bacheko, khẳng định đã phát hiện một danh sách 47 người mà Nga muốn giết ở nước ngoài.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Ukraine, ông Yuriy Lutsenko là một trong số ít người biết vụ giả ám sát, đã nói chuyện với các đại sứ Mỹ, EU và các nước khác.
Sau đó, ông nói vụ giả ám sát Babchenko là cần thiết, với lý do họ cần bảo vệ nhà báo hàng chục người khác bị “Nga đặt vào tầm ngắm”. Nó còn cho phép Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) có thêm thông tin về danh sách những mục tiêu bị ám sát và ai ra lệnh ám sát.
Ông Lutsenko viết trên Facebook: “Kết quả cuộc điều tra nhận được danh sách 47 người có thể là nạn nhân kế tiếp của bọn khủng bố”. Ông không nêu tên ai, chỉ nói đó là những nhà báo Nga và các nhân vật quyền thế ở Ukraine.
Con số 47 người này cao hơn con số 30 người (gồm Babchenko) mà ban đầu Ukraine nhận định là mục tiêu.
Ông Lutsenko còn nói cuộc điều tra cũng có được chứng cứ quan trọng, kết nối vụ mưu sát Babchenko với các cơ quan tình báo Nga.
Một nhà ngoại giao EU cấp cao dự cuộc họp, cho Reuters biết: ông Lutsenko giải thích thuyết phục để biện hộ cho mưu kế của họ. Ông nói: “Tôi hài lòng, những người khác hài lòng hơn trước. Tôi đã bảo đó là việc làm đúng”.
Trong khi đó, hai người dẫn chương trình truyền hình ở Ukraine, gồm một người Nga, công bố rằng chính quyền Ukraine đã cho họ xem chứng cứ họ có tên trong “danh sách ám sát” của Nga, và hiện họ đang được chính quyền Ukraine bảo vệ.
Một quan chức cấp cao EU nói vụ bày mưu giả giết Babchenko có thể làm mất niềm tin vào Kiev, nếu chính phủ Ukraine không sớm trưng chứng cớ hậu thuẫn cho tuyên bố Nga lên kế hoạch ám sát các phần tử chống đối.
Quan chức này nói hạn chót để Tổng thống Petro Poroshenko trình chứng cứ là ngày 9.7 tới, khi EU họp thượng đỉnh với Ukraine tại Brussels: “Nếu họ không thể trưng chứng cứ? Còn tùy theo cách họ thực hiện tốt thế nào”.
Nghi can khai “quỹ đen Putin” dùng để ám sát các phần tử chống Nga
Ukraine đã nhanh chóng đổ tội Điện Kremlin là chủ mưu và đã bắt 2 nghi can. Ngày 31.5, ngành kiểm sát cáo buộc công dân Borys Herman được Nga thuê với số tiền công 40.000 USD để tổ chức và giám sát vụ giết Babchenko.
Sau đó, luật sư của Herman thừa nhận thân chủ liên lạc với phe chủ mưu, nhưng không dính líu vụ mưu sát. Tại tòa, Herman khai thực tế ông ta là “chuột hai mang” của tình báo Ukraine.
Herman bị tạm giam 2 tháng chờ xử án, còn khai ông ta có tiếp xúc với một người Nga tên là Vyacheslav Pivovarnik ở Moscow làm việc cho một tổ chức gây quỹ ủng hộ quân ly khai ở đông Ukraine, và quỹ này có sự ủng hộ của Tổng thống Putin.
Herman cũng khai đã thuê một đồng bào Ukraine tên là Alexey Tsymbalyuk thực hiện vụ ám sát Babchenko, vì ông ta biết tay này là một tu sĩ sẽ không khai ra âm mưu.
Nhưng Tsymbalyuk đã báo với các quan chức Ukraine, từ đó SBU dàn dựng vụ giả ám sát nhà báo chống đối Putin nhằm bắt Herman, người nói ông ta giả bộ lập kế hoạch ám sát, nhằm có thêm thông tin về dòng tiền của “quỹ đen Putin” chảy qua Kiev.
Herman-đồng chủ nhân một cơ sở sản xuất vũ khí-cũng khai có nguồn tin ở Moscow cho biết có danh sách 30 người ở Ukraine mà Điện Kremlin muốn khử.
Bị cáo Herman khai nhận làm việc cho SBU - Ảnh: Independent
"Sân khấu hóa” vụ giả ám sát bằng máu heo
Nhà báo Babchenko luôn chống đối ông Putin, hiện sống lưu vong ở Ukraine. Ngày 29.5, chính quyền Kiev tuyên bố Babchenko bị bắn chết bằng 3 phát đạn từ phía sau ở cầu thang chung cư mà gia đình ông đang cư ngụ ở Kiev.
Nhưng hôm sau, Babchenko tổ chức họp báo, tuyên bố đó là một giả chết, hợp tác với SBU nhằm bắt người thật sự tham gia âm mưu ám sát ông.
Babchenko còn nói ông hợp tác với SBU vì lo sợ cho tính mạng: “Ai cũng nói vụ này làm mất niềm tin vào nhà báo. Nếu bạn ở vào thế của tôi, bạn sẽ làm gì khi được cho biết có người tính giết bạn?”.
Nhà báo này cho biết khi SBU báo cho biết, “phản ứng đầu tiên của tôi là chỉ muốn tóm lấy ba-lô rồi biến mất ở Bắc cực. Nhưng rồi tôi nhận ra chẳng thể trốn. Skripal cũng đã trốn đấy thôi”.
Chính quyền Anh đã cáo buộc Nga đầu độc cựu đại tá tình báo phản ga Sergei Skripal và con gái ông ở Anh.
Babchenko vào “đêm diễn”, một nghệ sĩ hóa trang đến nhà thu xếp để ông trở thành nạn nhân vụ ám sát, mặc một áo-thung khoét sẵn lỗ đạn và đổ máu heo lên người ông.
Khi ông giả chết, nhóm y tế-tham gia vụ “sân khấu hóa” này, chở ông đến bệnh viện trên xe cứu thương, sau đó làm giấy chứng tử và đưa ông vào nhà xác: “Khi cửa nhà xác đóng lại, tôi sống lại, rửa rạch máu heo và lấy chăn quấn thân thể. Rồi tôi xem tin tức và thấy tôi quá hay”, ám chỉ những lời khen ngợi ông trên báo chí sau khi cái chết giả của ông được loan báo.
Khi được hỏi sẽ làm gì tiếp, nhà báo nói: “Tôi sẽ cố gắng ngủ thật ngon, có lẽ nên nhậu thật say, rồi 2, 3 ngày sau thức dậy”.
Cảnh sát Ukraine bảo vệ nhà của Babchenko - Ảnh: Newsweek
Kiev bị chỉ trích làm mất lòng tin vào nghề báo
Kiev vừa được khen, vừa bị chỉ trích vì vụ dàn dựng vụ giả ám sát Babchenko. Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga viết Facebook: “Việc Babchenko còn sống là thông tin tuyệt vời. Luôn cứ nên như vậy. Tiếc là trong những trường hợp khác, trò chơi khăm kiểu này lại không ổn. Rõ ràng là chuyện này nhằm mục đích tuyên truyền và nó sẽ sớm bị rơi vào quên lãng của lịch sử".
Bộ Ngoại giao Nga còn tố cáo vụ việc là "một cú khiêu khích mới chống Nga". Trong khi đó, một số tổ chức, giới truyền thông và các nhà bình luận chỉ trích Kiev bày mưu lừa mà Ukraine thường cáo buộc Nga sử dụng, đã khiến dẫn đến sự thương tiếc giả tạo và đổ trách nhiệm cho Nga.
Họ cũng nói mưu này làm Kiev bị mất uy tín và cho Nga “một món quà tuyên truyền”. Vấn đề uy tín của Kiev phải tính đến, vì phương Tây hỗ trợ tài chính và trừng phạt Nga với cớ Moscow sáp nhập Crimea và “chống lưng” quân ly khai trong cuộc nội chiến Ukraine vốn đã làm hơn 10.000 người chết.
Nhiều tổ chức phương Tây phản ứng mạnh với kiểu "bắt sát thủ" của Ukraine, vì điều này đụng chạm đến một trong những quyền tối thượng của đất nước dân chủ là "quyền được biết sự thật của công chúng".
Ông Harlem Désir - đại diện mảng Tự do Báo chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OSCE), viết trên Twitter: "Thật nhẹ nhõm khi biết Arkady Babchenko còn sống! Nhưng tôi thấy đau lòng trước quyết định công bố thông tin giả mạo như thế về tính mạng của một nhà báo. Các quốc gia cần phải công bố thông tin chính xác cho công chúng".
Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) đã lên án nặng nề cách làm này với tuyên bố "rất phẫn nộ khi phát hiện cách thao túng của an ninh Ukraine cho cuộc chiến thông tin của họ. Luôn rất là nguy hiểm khi các quốc gia tung hứng các sự việc theo kiểu như thế và nhất là lại diễn trò trên lưng các nhà báo".
Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Reuters)