Đó là một không gian đón Tết xưa của người dân Nam bộ khơi gợi lại những hoài niệm đẹp được nữ nghệ nhân tái hiện ngay giữa lòng Sài Gòn.

Nghệ nhân Đoàn Thị Thu Thủy kể chuyện Tết xưa

28/01/2019, 09:34

Đó là một không gian đón Tết xưa của người dân Nam bộ khơi gợi lại những hoài niệm đẹp được nữ nghệ nhân tái hiện ngay giữa lòng Sài Gòn.

Với chủ đề “Tết xưa trong miền nhớ”, chỉ trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 5 giờ 30 phút chiều đến đêm 27.1, không gian đón Tết ở một làng quê Nam Bộ xưa, từ những ngày cận Tết tất bật, vui vẻ cùng nhau trang hoàng nhà cửa, sắm sửa hoa trái, chuẩn bị bánh mứt đến lúc thắp nhang kính cẩn mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết vào ngày 30 tháng Chạp được tái hiện tại Bếp Nhà Lục Tỉnh.

Một cô gái đang được hướng dẫn gói bánh tét

Từ ngoài cổng, những chậu cúc vàng tươi cùng chiếc xe lam chở đầy hoa tết dẫn lối khách bước vào “làng”. Hai bên đường tiếp tục là những khóm hoa vạn thọ - loại hoa phổ biến vào mỗi dịp Tết ở Nam bộ, là những dãy lu, khạp mà nhà nhà đều có, rồi các bài ca như Bài hát Đất Phương Nam, Lý Cây Bông, Bánh Bông Lan – những bài hát “kinh điển” của vùng đất phương Nam được cất lên, tha thiết mời gọi khách về quê, về với những cái Tết đầy nhung nhớ.

Hình ảnh quen thuộc trong những ngày Tết Nguyên đán

Và làng quê đó là đây, được thắp sáng bằng ánh sáng vàng vàng, nhè nhẹ của những ngọn đèn dầu. Hồi đó làm gì có điện nên nhà ai cũng có những ngọn đèn này. Chiếc đèn dầu ở làng quê là người bạn quý nên cứ phải thường xuyên châm dầu, thay tim, lau sạch muội dính đen quanh chiếc bóng thủy tinh để đèn thêm sáng, cho mỗi đêm cả nhà có thể quây quần bên mâm cơm, cho con trẻ học hành, cho các bà các chị giặt giũ, cơm nước...

Những món ăn ngày Tết cũng được tái hiện trong không gian này

Trong thứ ánh sáng đầy nhung nhớ đó, khách thấy dân quê đang sửa soạn Tết. Ở góc kia có nhà đang lau lá chuối chuẩn bị gói bánh tét; nhà nọ thì làm sớm hơn nên gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ đã sẵn sàng và đang cùng nhau gói bánh. Ở góc khác là một chị đang quệt mồ hôi sên cho xong chảo mứt dừa, rồi nhà khác đang đổ bánh bông lan và lại có người kia bận rộn nấu đồ mặn cho mấy ngày Xuân. Rảo qua góc khác, bạn lại thấy chợ quê Tết đầy náo nhiệt. Nơi đó, bạn không chỉ có thể tìm lại những món ăn bình dị của dân quê như chuối chiên, kẹo chuối, bánh tai yến, bắp chà... mà còn thấy và học cách người ta làm những món ăn đó.

Đó là những món ăn dân giã của làng quê để khách ngoại giao thưởng thức
Để cảm nhận "mùi vị" của Tết cổ truyền miền Tây Nam bộ
Không gian không chỉ có món ăn, có hoa cúc vàng, mai đào mà còn có các cô gái mặc áo dài đi chúc tết và các cô gái, chàng trai mặc đồ ba ba - nét văn hóa đặc trưng của người Nam bộ

Trên bến sông đó, có mấy chiếc thuyền chở hoa, chở dưa hấu cập bến để khách có thể lựa trái dưa, chậu bông đem về chưng Tết; có các chàng trai, cô gái hai bên bờ đang hò đối đáp với người bên kia sông để sau mỗi lần từ biệt, có những người còn lưu luyến mãi đến sau này.

Tết là dịp nhớ đến ông bà, tổ tiên và người dân Nam Bộ tưởng nhớ ông bà theo cách bình dị như cuộc sống hàng ngày của họ. Từ những ngày cận Tết, con cháu trong nhà lau dọn bàn thờ, chùi sạch bức tranh kiếng, đánh bóng lại chiếc lư đồng rồi chuẩn bị bình bông, dĩa trái cây là có thể thắp nhang đón tổ tiên về ăn Tết.

Nữ nghệ nhân chia sẻ về hoài niệm Tết cổ truyền trong ký ức của bà giữa không gian là một hồ nước, tái hiện hình ảnh bến sông quê ở Bếp Nhà Lục Tỉnh

Bà Đoàn Thị Thu Thủy cho biết chương trình trên không bán vé mà chỉ là một sự kiện đặc biệt mà bà tổ chức cho bạn bè cùng đại diện các đoàn ngoại giao biết người dân Nam bộ xưa đã ăn Tết vui vẻ và thú vị như thế nào. “Tôi lớn lên ở Miệt Đồng nên mê Tết hồi xưa. Trong ký ức của tôi, từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời là bắt đầu rộn rịp chuẩn bị Tết. Đến khoảng 26 Tết thì rộn ràng hoa, trái cây; cỡ ngày 29 thì còn vui và bận rộn hơn nữa. Chợ Tết thì nhộn nhịp, không chỉ bán đủ thứ mà còn là chỗ trẻ con đổ bầu cua cá cọp, có người thắt cào cào lá dừa... nên muốn kể lại câu chuyện đó trong chương trình này,” bà nói.

Nhật Hạ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ nhân Đoàn Thị Thu Thủy kể chuyện Tết xưa