Nếu Hà Nội chỉ có mỗi sân Hàng Đẫy thì ta có thể hiểu được nỗi khổ của 3 đội phải cày chung một sân bóng. Thế nhưng, cách Hàng Đẫy không xa là sân quốc gia Mỹ Đình.

Nghịch lý V-League 2023: Vì sao 3 đội ở Hà Nội chỉ chọn Hàng Đẫy là sân nhà?

Đặng Hoàng | 04/02/2023, 10:21

Nếu Hà Nội chỉ có mỗi sân Hàng Đẫy thì ta có thể hiểu được nỗi khổ của 3 đội phải cày chung một sân bóng. Thế nhưng, cách Hàng Đẫy không xa là sân quốc gia Mỹ Đình.

Trong trận ra quân mùa giải V-League 2023, tân binh Công an Hà Nội (CAHN) đã thắng giòn giã Bình Định 5-0 trên sân Hàng Đẫy. Vào ngày mai, 5.2, trận derby thủ đô vô cùng hấp dẫn giữa Hà Nội FC và Viettel cũng lại diễn ra trên sân Hàng Đẫy.

Người hâm mộ Hà Nội rõ ràng là hạnh phúc hơn hết khi liên tiếp được chứng kiến các trận đấu hàng đầu tại V-League khi có đến 3 đội bóng dự giải: CAHN, Viettel, Hà Nội FC.

Việc một thành phố có nhiều đội bóng chơi tại giải hàng đầu thực ra không có gì lạ. Như London (Anh) đang có 7 đội bóng chơi tại Premier League gồm Arsenal, Chelsea, Tottenham, West Ham, Fulham, Brendford, Crystal Palace. Hay TP.Madrid, ngoài Real, Atletico còn có Getafe, Rayo Vallecano. Tuy nhiên, đâu là điều khác biệt về chuyện thủ đô có nhiều đội bóng giữa ta và các nước có nền bóng đá phát triển. Các CLB chuyên nghiệp ở Anh hay Tây Ban Nha, mỗi CLB sử dụng một sân khác nhau, còn CAHN, Viettel, Hà Nội FC thì cùng chung sân... Hàng Đẫy!

Trên thế giới cũng có chuyện 2 CLB chung một sân đấu như Milan và Inter cùng đá tại sân San Siro, hoặc Roma và Lazio cùng đá tại Olimpico. Tuy nhiên, số CLB chung sân chỉ là 2 nên khi nào Milan dùng San Siro thì Inter đá sân khách, và ngược lại. Có lẽ chẳng có nền bóng đá phát triển nào mà lại có tới 3 CLB chuyên nghiệp chơi chung một sân bóng cả.

Việc 3 CLB chung sân sẽ gây phiền toái trong lịch sắp xếp. Sẽ có khá nhiều vòng đấu mà sân Hàng Đẫy phải tổ chức 2 trận mỗi vòng, như vòng khai mạc mà CAHN, Viettel, Hà Nội FC cùng đá tại Hàng Đẫy. Ban quản lý sân chỉ có thể tận dụng 1 ngày để chăm sóc lại mặt sân trước trận Viettel - Hà Nội FC vào ngày mai (5.2) nên chắc chắn mặt sân không thể nào đảm bảo chất lượng như các mặt sân có nhiều thời gian được “nghỉ dưỡng” và “chăm sóc” nhiều hơn.

Trong những vòng đầu, các đội tại Hà Nội có thể chia ca ra sử dụng sân Hàng Đẫy nhưng đến 2 vòng cuối, chắc chắn sẽ phức tạp khi các trận phải đá cùng giờ để đảm bảo công bằng. Theo lịch ở vòng áp chót, Viettel và CAHN cùng đá sân Hàng Đẫy, bài toán sẽ được giải ra sao? Không lẽ chỉ áp dụng đá cùng giờ ở vòng chót hay phải cho một CLB ra ngoài thuê sân riêng để đá. Chắc chắn Ban tổ chức sẽ tìm ra giải pháp tình thế nhưng có một điều chắc chắn là việc 3 đội cùng cày một mặt sân sẽ khiến Hàng Đẫy bị quá tải, ngoài ra Hà Nội FC còn đá giải châu lục cũng trên mặt sân này. Đó là chưa kể nếu các trận đấu diễn ra dưới trời mưa, chưa biết mặt sân Hàng Đẫy sẽ bị nát ra sao và tất nhiên khó lòng đảm bảo chất lượng cho giải đấu được coi là hàng đầu bóng đá Việt Nam!

Nhưng 3 CLB trên chẳng có gì sai khi quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2023 không hề quy định số lượng một sân có thể đăng ký bao nhiêu đội hay số ngày cần phục hồi mặt sân sau mỗi trận đấu.

Điều 11 về cơ sở vật chất, ở khoản 2 chỉ nêu là “Mỗi câu lạc bộ phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một sân vận động trong thời gian thi đấu giải, đảm bảo an toàn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 51 quy chế này”.

Điều 51 về sân vận động ở khoản 1 chỉ nêu “Mỗi câu lạc bộ phải đăng ký một sân vận động trong cùng tỉnh/thành phố với văn phòng của câu lạc bộ với ban tổ chức giải trong suốt quá trình tiến hành giải. Trường hợp sân vận động không trong cùng tỉnh/thành phố với văn phòng của câu lạc bộ thì câu lạc bộ phải có văn bản nêu rõ lý do gửi LĐBĐVN xem xét, quyết định”.

Điều 51 cũng có nêu yêu cầu về mặt sân là mặt sân cỏ tự nhiên hoặc sân cỏ nhân tạo phải đáp ứng được các quy định về chất lượng của FIFA. Đối với sân cỏ tự nhiên, mặt cỏ phải có màu xanh lá cây, cỏ phủ đều, được lu phẳng và mịn, trước ngày thi đấu phải cắt cỏ theo quy định, phải tưới nước lên cỏ trên mặt sân (nếu thời tiết nắng) và phải hoàn thành trước 3 (ba) tiếng đồng hồ trước giờ bóng lăn.

Quy chế không hề nêu về việc tối đa số đội chung một sân hay số giờ tối thiểu để bảo dưỡng mặt sân trước khi tổ chức một trận đấu. Nếu không thay đổi, bổ sung quy định này thì một ngày nào đó có một vị giàu có nào đó mua 4 - 5 đội bóng cùng thi đấu trên sân Hàng Đẫy thì chất lượng mặt sân sẽ ra sao?

Và nếu Hà Nội chỉ có mỗi sân Hàng Đẫy thì ta có thể hiểu được nỗi khổ của 3 đội phải cày chung một sân bóng. Thế nhưng, cách Hàng Đẫy không xa là sân quốc gia Mỹ Đình. Tuy mặt cỏ không được xanh lắm nhưng các nhà quản lý đã khẳng định là mặt sân đủ khả năng tổ chức các trận đấu lớn.

Vậy tại sao cả 3 đội không chọn Mỹ Đình làm sân nhà để giải phóng cho sân Hàng Đẫy được thư thái hơn, cho giao thông trung tâm bớt căng thẳng hơn?

Người trong nghề có nói rằng vấn đề là tài chính. Trước khi AFF Cup 2022 diễn ra, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng với Khu liên hợp thể thao quốc gia để thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà của đội tuyển Việt Nam. Giá thuê sân cho mỗi trận đấu của tuyển Việt Nam là 800 triệu đồng.

Không biết các CLB nếu thuê sân Mỹ Đình có được bớt không nhưng dù có bớt thì cũng chẳng đội nào kham nổi giá như thế trong khi mặt bằng giá thuê sân chất lượng khác ở Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 100 triệu đồng mỗi trận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
11 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý V-League 2023: Vì sao 3 đội ở Hà Nội chỉ chọn Hàng Đẫy là sân nhà?