Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình, 40% ví không có tiền mặt được nhân viên báo cáo là đã tìm thấy, so với 51% ví có tiền mặt. Do vậy, nhóm nghiên cứu kết luận rơi ví trên đường nếu còn tiền thì dễ được hoàn trả hơn là ví rỗng.

Nghịch lý: Vì sao rơi ví có tiền dễ được trả lại hơn là ví không có tiền?

Anh Tú (dịch) | 06/01/2023, 09:55

Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình, 40% ví không có tiền mặt được nhân viên báo cáo là đã tìm thấy, so với 51% ví có tiền mặt. Do vậy, nhóm nghiên cứu kết luận rơi ví trên đường nếu còn tiền thì dễ được hoàn trả hơn là ví rỗng.

Bạn có sẵn sàng trả lại chiếc ví nhặt được trên đường nếu trong đó có tiền mặt không? Một nghiên cứu mới cho thấy bạn sẽ làm thế — không nhất thiết vì bạn có lòng vị tha, mà vì bạn cảm thấy cắn rứt lương tâm, không muốn mình giống như một tên trộm.

vi.jpg

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học, được thiết kế để khám phá và so sánh tính trung thực của công dân ở 355 thành phố ở 40 quốc gia. Ở mỗi thành phố, một người tham gia nghiên cứu sẽ tới ngân hàng, viện bảo tàng, bưu điện, khách sạn và đồn cảnh sát để nộp một chiếc ví “bị thất lạc”. Khi nộp ví tại những địa điểm này cho người tiếp nhận thì người tham gia nghiên cứu sẽ nói:

“Tôi tìm thấy cái này (chiếc ví) ở góc phố. Chắc hẳn ai đó đã làm mất nó. Tôi đang vội và phải đi. Bạn có thể vui lòng để ý tới nó không?

Sau đó, người nộp ví sẽ rời đi mà không cung cấp thông tin liên lạc. Mỗi ví chứa một mớ giấy tờ lộn xộn như thật và địa chỉ liên hệ qua email, đồng thời tất cả các ví đều trong suốt, nghĩa là nhân viên không cần phải mở chúng ra để xem bên trong có gì. Một số ví không chứa tiền mặt trong khi những ví khác có số tiền bằng nội tệ tương đương khoảng 13,45 USD.

Kết quả chỉ ra rằng, trung bình, 40% ví không có tiền mặt được nhân viên báo cáo là đã tìm thấy, so với 51% ví có tiền mặt. Mọi người thường trao nộp ví có tiền mặt nhiều hơn ở tất cả (trừ hai quốc gia: Mexico và Peru thì ví không tiền mặt được trao nộp nhiều hơn). Kết quả khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên, họ viết rằng “cả những người không phải là chuyên gia và các nhà kinh tế chuyên nghiệp đều không thể dự đoán được kết quả này”.

Để kiểm tra xem nhân viên có đang báo cáo ví tiền mặt vì 13,45 USD không đủ để mạo hiểm đánh cắp hay không, nhóm đã tiến hành thêm một số thử nghiệm ở Mỹ, Anh và Ba Lan — lần này tương đương với 94,15 USD thay vì 13,45 USD. Đáng ngạc nhiên là nhân viên trung thực hơn đáng kể khi ví chứa nhiều tiền hơn — trung bình 72% nhân viên báo cáo đã tìm thấy những chiếc ví này.

Vì vậy, cần giải thích hành vi này như thế nào? Để xem mức độ mà lòng vị tha có thể đóng vai trò như thế nào, nhóm đã đặt thêm chìa khóa vào một số ví. Không giống như tiền mặt, chìa khóa sẽ chỉ có giá trị đối với chủ sở hữu của chiếc ví. Kết quả cho thấy những chiếc ví có tiền mặt và chìa khóa vẫn có nhiều khả năng được báo cáo là tìm thấy hơn, nhưng sự khác biệt không đủ lớn để nói rằng chỉ riêng lòng vị tha thôi thúc mọi người trả lại ví.

Để khám phá một lời giải thích khác, nhóm đã khảo sát 2.525 người được chọn ngẫu nhiên ở Mỹ, Anh và Ba Lan. Những người đó được yêu cầu đánh giá mức độ "cảm thấy giống như ăn cắp" khi giữ một chiếc ví có tiền mặt và không có tiền mặt. Khi số tiền giả định tăng lên, “động cơ ăn cắp” cũng tăng theo. Nhưng thật thú vị, sự hiện diện của chìa khóa trong những tình huống đó không làm thay đổi đáng kể điểm số.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng hầu hết mọi người không muốn cảm thấy mình là một tên trộm hơn là bỏ túi thêm một số tiền mặt. Các nhà nghiên cứu viết:

“Khi mọi người kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc tham gia vào hành vi không trung thực, mong muốn gian lận tăng lên, nhưng cái giá phải trả về mặt tâm lý khi cảm thấy mình là kẻ trộm cũng tăng lên — và đôi khi, cái sau sẽ lấn át cái trước”.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những kết quả này phản ánh mức độ trung thực của công dân ở những quốc gia này như thế nào. Trước hết, có thể nhân viên của các ngân hàng, viện bảo tàng và đồn cảnh sát sẽ trung thực hơn một chút so với người dân nói chung. Hơn nữa, mọi người có thể cư xử khác đi do tính chất công việc, đặc biệt nếu đó là một doanh nghiệp như ngân hàng. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu đã nói rằng sự hiện diện của camera an ninh dường như không giải thích được lý do tại sao nhân viên có nhiều khả năng trả lại ví tiền mặt hơn.

Trong mọi trường hợp, kết quả được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đây cho thấy mọi người sẽ cố gắng hết sức để duy trì hình ảnh bản thân. Vì vậy, cuối cùng, việc đánh mất tự tôn, biến mình là một tên trộm có thể khiến bạn mất nhiều hơn 94,15 USD.

* Nhặt được của rơi thì phải làm gì?

Căn cứ Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật."

* Mức xử phạt khi nhặt được của rơi không trả lại?

Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với trường hợp nhặt được của rơi không trả lại như sau:
"2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự."
Như vậy theo quy định trường hợp nhặt được của rơi không trả lại có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

* Nhặt được của rơi không trả lại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định trường hợp nhặt được của rơi không trả lại như sau:

"Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm."

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
31 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch lý: Vì sao rơi ví có tiền dễ được trả lại hơn là ví không có tiền?