Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã công nhận quyền của người chuyển giới.

Ngổn ngang câu hỏi về chuyển giới

Một Thế Giới | 29/11/2015, 13:20

Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã công nhận quyền của người chuyển giới.

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp, cho rằng để quy định này đi vào cuộc sống vẫn còn “một chặng đường” dài với hàng loạt vấn đề cần được giải quyết.
Bảo vệ nhóm yếu thế
Chuyen gioi, chuyen doi gioi tinh, LGBT
 Ông Nguyễn Hồng Hải
Sau khi Quốc hội (QH) thông qua bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, người đồng tính ở Hà Nội, TP.HCM đã đổ ra phố để ăn mừng. Là người tham gia soạn thảo bộ luật này, ông có chia sẻ gì?
- Trước hết, tôi xin chúc mừng cộng đồng người chuyển giới (LGBT) và gia đình của họ. Tôi đã tiếp xúc với đại diện của cộng đồng này và hiểu họ cần nhận được lời chúc mừng như vậy. Việc QH thông qua điều luật thừa nhận việc chuyển đổi giới tính trong bộ luật Dân sự là một bước tiến đầy ý nghĩa trong cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với một trong các nhóm yếu thế ở xã hội mà việc công nhận, bảo vệ quyền, lợi ích của họ vốn còn có những quan điểm khác nhau. Mặc dù bước tiến này đặt ra nhiều việc mà chúng ta phải làm trong tương lai để bảo đảm thực chất trong quy định của pháp luật, nhưng nó thực sự là bước khởi đầu quan trọng, khẳng định địa vị pháp lý của người chuyển đổi giới tính trong đời sống xã hội, giúp họ bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.
"Chúng ta cần phải xem xét ai là người được chuyển giới, người độc thân hay người đang có hôn nhân? Nếu ông A đang là bố mà chuyển giới thành nữ thì con cái sẽ gọi bằng bố hay mẹ? Từ đây phát sinh rất nhiều hệ quả mà chỉ có thể giải quyết bằng pháp lý. Như vậy, sẽ cần tới một đạo luật riêng về chuyển giới, ngoài ra các luật về hộ tịch, giáo dục, an sinh xã hội... cũng phải được điều chỉnh theo"
* Trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến về bộ luật Dân sự (sửa đổi) chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản ứng gay gắt về quy định chuyển giới nhưng cuối cùng QH cũng đã thông qua. Những yếu tố nào đã tạo ra bước ngoặt này, thưa ông?
- Dưới góc độ quyền con người thì ai cũng có quyền sống. Thời gian qua, mặc dù pháp luật không ghi nhận nhưng vẫn có những người có nhu cầu được chuyển đổi giới tính, có người đi chuyển giới theo dạng “chui” ở nước ngoài và khi về VN họ lại mang thân phận không chính danh, không đúng với nhân thân được ghi nhận hộ tịch khiến họ gặp nhiều khó khăn hoặc không thể tiếp cận được các quyền của mình từ việc làm, học tập, tự do đi lại, lưu trú… đến gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận sự hỗ trợ, dịch vụ về y tế để duy trì giới tính sau khi chuyển đổi... Khi pháp luật ghi nhận việc được chuyển đổi giới tính tức là nhà nước thể hiện sự minh bạch, công khai trong xác định rõ điều kiện để được chuyển giới, các quyền về hộ tịch, việc làm, an sinh xã hội... mà người chuyển giới được thụ hưởng, qua đó tạo điều kiện cho người chuyển đổi giới tính được sống và được xã hội thừa nhận với giới tính đích thực của họ. Mặt khác, việc pháp luật ghi nhận chuyển đổi giới tính cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề này, bên cạnh bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính thì cũng kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi trái pháp luật có liên quan... Trên tất cả là tôn trọng quyền con người, quyền công dân, tôi nghĩ đó là yếu tố quan trọng để các đại biểu QH bấm nút với tỷ lệ tán đồng tương đối cao.
Người lập gia đình có được chuyển giới?
* Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ mới quy định chung rằng “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, vậy nên hiểu như thế nào cho đúng?
- Về vấn đề này, tôi cho rằng bộ luật Dân sự là luật chung của hệ thống luật tư, nên không thể cụ thể hóa chi tiết về vấn đề chuyển đổi giới tính đến mức cá nhân được phép làm những gì, làm như thế nào, mà chỉ là ghi nhận sự bình đẳng về địa vị pháp lý của người chuyển đổi giới tính trong các quan hệ dân sự và định hình chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của các chủ thể trong xã hội đối với người chuyển giới. Trên cơ sở đó, các luật có liên quan sẽ cụ thể hóa vào trong cụ thể, nhất là trong việc tạo hành lang pháp lý minh bạch, cụ thể, có tính khả thi để cá nhân có đủ điều kiện theo luật định được chuyển đổi giới tính, được thụ hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ dân sự theo giới tính đã chuyển đổi.
Để quy định của bộ luật Dân sự nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhà nước cần nhanh chóng ban hành luật riêng về chuyển đổi giới tính, nếu không quyền này sẽ bị “treo”. Đây là trách nhiệm nhiều cơ quan có thẩm quyền trong triển khai thi hành bộ luật Dân sự.
* Nhiều người đang quan tâm đến vấn đề “hậu chuyển giới” tới đây chúng ta sẽ làm…
- Chúng ta thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, cũng đồng nghĩa với việc phải tính toán giải quyết hàng loạt hệ quả kéo theo. Rõ ràng quyền này không phải dành cho mọi người trong xã hội mà là dành cho một nhóm xã hội nhất định. Để bảo đảm sự thuận lợi, hạn chế tối đa những rủi ro pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính và người đã chuyển đổi giới tính, pháp luật phải làm rõ điều kiện về chủ thể, điều kiện về mục đích, nội dung, thủ tục chuyển đổi giới tính, cơ sở y tế có thẩm quyền về thực hiện việc chuyển đổi giới tính, tác động của việc chuyển đổi giới tính đến người chuyển đổi, gia đình, người thân của họ và xã hội... Ví dụ, chúng ta cần phải xem xét ai là người được chuyển giới, người độc thân hay người đang có hôn nhân? Nếu ông A đang là bố mà chuyển giới thành nữ thì con cái sẽ gọi bằng bố hay mẹ? Từ đây phát sinh rất nhiều hệ quả mà chỉ có thể giải quyết bằng pháp lý. Như vậy, sẽ cần tới một đạo luật riêng về chuyển giới, ngoài ra các luật về hộ tịch, giáo dục, an sinh xã hội... cũng phải được điều chỉnh theo.
* Tức là nếu có luật thì người có gia đình cũng có thể được chuyển giới?
- Ai được chuyển giới là điều nhà làm luật cần phải cân nhắc. Ví dụ, A và B đang là vợ chồng. Anh A đang thực hiện quyền, nghĩa vụ, vị trí, vai trò của người chồng, người cha trong gia đình, nếu chuyển đổi giới tính thì quan hệ hôn nhân của A, quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con anh cũng chịu nhiều tác động cần phải được giải quyết như thế nào. Điều đó đặt ra câu hỏi, người có yêu cầu chuyển giới phải là người đã thành niên, độc thân hay có thể bao gồm cả người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân trước pháp luật? Rõ ràng, nếu họ người thành niên và là người độc thân thì tôi nghĩ không vấn đề gì cả nếu họ có đủ các điều kiện về y, sinh học để chuyển đổi giới tính...
Sẽ còn nhiều tranh luận
* Để có đạo luật riêng về chuyển giới cũng như điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan, chắc chắn không thể thực hiện được ngay, tức quyền con người của người chuyển giới vẫn bị “treo”?
- Tôi cho rằng, trên cơ sở quy định của bộ luật Dân sự, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ kịp thời đưa ra lộ trình xây dựng luật về vấn đề này. Thời gian thực hiện còn phụ thuộc vào tính phức tạp của vấn đề, sẽ còn có quan điểm tranh luận về ai sẽ là người được chuyển giới trên nhiều góc độ y học, xã hội học, luật học... Tuy nhiên, trước mắt tôi cho rằng Chính phủ cần giải quyết cho những người hiện nay đã chuyển đổi giới tính, để họ được hợp thức hóa về thân phận, được tiếp cận ngay quyền, nghĩa vụ về hộ tịch và các quyền nhân thân khác phù hợp giới tính đã chuyển đổi, để nhanh chóng giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Thái Sơn/ Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngổn ngang câu hỏi về chuyển giới