Câu hỏi đó hoàn toàn thuộc về điều tra xã hội học. Nhưng tôi bảo đảm, ngay khi đã thực hiện điều tra “trên diện rộng”, thì những câu trả lời cũng sẽ rất phân tán, và không thể “tóm lại” để biết, thực sự thì người dân cần gì?

Người dân đang cần điều gì?

Nhà thơ Thanh Thảo | 26/09/2021, 17:23

Câu hỏi đó hoàn toàn thuộc về điều tra xã hội học. Nhưng tôi bảo đảm, ngay khi đã thực hiện điều tra “trên diện rộng”, thì những câu trả lời cũng sẽ rất phân tán, và không thể “tóm lại” để biết, thực sự thì người dân cần gì?

Nhưng những gì người dân cần, nhất là trong thời dịch bệnh này, thì đã quá rõ ràng. Những điều cần thiết quá giản dị, nhiều khi là cả không mất tiền. Như cần một lúc nào đó được đi ra ngoài đường mà không bị ngăn chặn. Được hít thở không khí thoáng đãng do ở quá lâu trong nhà chật hẹp. Đàn ông thì cần được cắt tóc khi tóc đã mấy tháng trời không được hớt. Phụ nữ thì có nhu cầu được gội đầu tử tế một lần cho cái đầu nó nhẹ.

Ai có bệnh ngoài bệnh dịch cần được chữa trị mà đành “nín bệnh” vì COVID-19, thì chỉ khát khao được đi chữa bệnh. Ai muốn thăm người thân lâu ngày không gặp mà không dám, vì khu vực người thân bị phong tỏa, thì cứ ngóng ra ngoài đường. Bạn bè, anh em nhiều khi có nhu cầu gặp nhau chốc lát để tâm sự, nhưng đều phải tự gạt bỏ cái “nhu cầu không thiết yếu” ấy đi.

Tại sao vừa rồi Đà Nẵng phải di dời nhiều hộ dân trong những hẻm quá chật ? Chỉ vì hẻm thì nhỏ quá, nhà đối diện nhau chưa đủ cách 2 mét, mà láng giềng thì ở nhà buồn quá muốn mở cửa ra chuyện trò với hàng xóm, thế là…lây nhiễm. Con virus quái ác đã len vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của rất nhiều gia đình. Ngay khi nó chưa vào, thì cái “vía” đáng sợ của nó đã phủ bóng đen lên rất nhiều quan hệ bình thường giữa con người với nhau. Khi “bình thường cũ” đã mất, mà ”bình thường mới” chưa tới, thì mọi nhu cầu dù tối thiểu của người dân bỗng trở nên xa vời, thậm chí, trở nên bất khả.

Xem ra, trong lúc này người dân không cần gì to tát, không cần gì quá nhiều, những nhu cầu có thể chỉ là tối giản, nhưng để thỏa mãn được nó, là vô cùng khó khăn.

Tâm lý “ào ra đường” trong đêm trung thu vừa qua khi Hà Nội vừa “mở cửa hạn chế” đã cho thấy sự bất ổn nằm trong tâm lý, sự khao khát nằm ở tinh thần, chứ không hẳn là vật chất. Đi xe máy quanh quanh mấy phố gần Bờ Hồ không phải để mua bán cái gì, ăn uống cái gì (vì không được ăn uống tại chỗ), mà đơn giản, chỉ là để tự giải tỏa bức bối cho chính mình.

Những nhà lãnh đạo Hà Nội đã hết sức lo lắng cho cú “ào ra đường” này, nhưng lo thì đã muộn. Bây giờ, chỉ là làm sao đừng để chuyện “giải tỏa tâm lý” dẫn tới một đợt bùng phát dịch mới. Kêu gọi ý thức người dân là việc cần phải làm liên tục, phải dùng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, chứ không phải tuyên truyền theo thời vụ. Bây giờ, khi chúng ta đã quyết tâm “sống chung với COVID”, thì trong cuộc chung sống bất đắc dĩ này, mình không được để bị động với con vi rút, mà phải thường trực cảnh giác với nó, phải đoán được trước những “hành tung bí ẩn” của nó để đối phó.

“Bình thường mới” bao hàm từ nay sự thảnh thơi vô ý thức sẽ không còn chỗ ở tất cả các giao tiếp, quan hệ. Sự cảnh giới lên ngôi, và chúng ta càng yêu thương nhau càng phải biết gìn giữ cho nhau, biết nén lại những chuyện mà ngày trước được coi là bình thường. Như thế, “Bình thường mới” không phải là bình thường như cũ.

Người dân, trong lúc này, chỉ cầu mong hai chữ bình yên, cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng mình. Để có hai chữ ấy, nhiều khi phải tốn rất nhiều tiền, cả tiền nhà nước lẫn tiền dân. Phải chấp nhận, dù không ai muốn.

Còn chuyện người dân cần gì, thì nói ra thật thiên hình vạn trạng. Các anh bộ đội giúp dân TP.HCM “đi mua hàng hộ”, đã quá thấm thía sự “đa dạng” này trong nhu cầu bình thường của người dân. Dù các anh bộ đội còn những bỡ ngỡ thật thà, thì phải hết sức cảm ơn các anh đã vì nhân dân mà “đi chợ hộ”, một chuyện nhiều khi còn mệt hơn tập trận.

Lại còn khoản “nhu cầu thiết yếu” nữa. Một người bạn văn nghệ hỏi tôi: “ Sách có phải thuộc “nhu cầu thiết yếu” không hở anh?” Thú thật, tôi không biết trả lời thế nào. Ai ham đọc sách, thấy sách không thể thiếu với mình, thì sách là nhu cầu thiết yếu đối với họ. Còn những ai không đọc sách, thì tốt nhất mình không nên đặt ra câu hỏi đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân đang cần điều gì?