Đối với đại đa số dân chúng, dịch COVID-19 đồng nghĩa với hạn chế đi lại, du lịch. Tuy nhiên, giới siêu giàu đang chi mạnh tay mua quốc tịch mới để đến được những nơi họ cho là an toàn hơn.
Theo kênh CNN (Mỹ),giới siêu giàu trên thế giới đang tập trung vào chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) còn được biết đến với cái tên “thị thực vàng”. Theo đó, các cá nhân có năng lực tài chính sẽ đầu tư mạnh vào một quốc gia khác để được ưu đãi nhập quốc tịch.
Trong 5-10 năm qua, mục tiêu của những cá nhân chọn CIP là được tự do di chuyển, nhận ưu đãi thuế hoặc được hưởng nền giáo dục tốt hơn…
Nhưng dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn năm 2020, một số gia đình dư dả về tài chính lại cân nhắc về y tế, phương pháp đối phó với dịch bệnh là yếu tố hàng đầu cho CIP.
Công ty tư vấn cư trú Henley & Partners (Anh) tiết lộ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.2020, họ nhận được yêu cầu tăng 49% từ khách hàng.
Montenegro và CH Cyprus nhận được đơn đăng ký mới chương trình đầu tư nhận quốc tịch tăng lần lượt là 142% và 75% trong quý đầu năm 2020 so với quý 4 năm 2019. Trong khi đó, Malta cũng là cái tên nổi bật.
Ông Dominic Volek tại công ty Henley & Partners cho biết: “Nhiều người quan tâm đến CH Cyprus và Malta bởi hai quốc gia này tạo điều kiện để người đăng ký và gia đình họ được tự do đi lại qua Liên minh châu Âu và hưởng chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn".
CIP đối với Australia và New Zealand cũng khá cao bởi khả năng xử lý khủng hoảng dịch của hai quốc gia này.
Mức giá đối với CIP tại Australia là 1-3,5 triệu USD, trong khi đó các cá nhân quan tâm đến New Zealand cần chuẩn bị từ 1,9-6,5 triệu USD.
Ông Volek bổ sung rằng chương trình đầu tư nhận quốc tịch tại New Zealand khá linh hoạt về lĩnh vực. Nhiều người lựa chọn đầu tư vào việc hình thành nông trại thương mại tự lực tại New Zealand để có một nơi đến và chờ đợi trong những khoảng thời gian như thế này.
Trong 9 tháng qua, các cá nhân nộp đơn là công dân Mỹ, Ấn Độ, Nigerian và Liban đã tăng mạnh. Chỉ riêng quý đầu năm 2020, số người Mỹ nộp đơn đã tăng 700%, so với quý cuối năm 2019. Công dân Trung Quốc và Trung Đông cũng giữ “phong độ ổn định” trong chương trình đầu tư nhận quốc tịch.
Nhiều trong số những người nộp đơn có mục tiêu chính là tìm một địa điểm an toàn hơn để họ và gia đình có thể trú nạn nếu làn sóng dịch mới bùng nổ.
Các quốc gia Caribbean cũng nằm trong nhóm được “để mắt” bởi CIP không quá đắt đỏ. Ông Volek nói: “Nếu đầu tư 100.000 USD cho chính phủ Antigua và Barbuda cùng một số khoản phí khác, bạn và gia đình gồm 4 người hoàn toàn có thể nhận hộ chiếu thứ hai chỉ trong 4-6 tháng”.
CIP đồng nghĩa với việc các quốc gia cấp quốc tịch cho nhà đầu tư để nhận khoản đầu tư bền vững, thường áp dụng đối với bất động sản, tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng hoặc trái phiếu chính phủ.
CIP đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1984 bởi đảo quốc St Kitts và Nevis. Từ đó đến nay, có nhiều quốc gia khác cũng áp dụng chương trình này bao gồm Áo, CH Cyprus, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Montenegro…
Một số quốc gia yêu cầu người nộp đơn thành lập công ty tạo thêm việc làm cho người dân địa phương hoặc trái phiếu chính phủ, bất động sản, dự án phát triển vùng xa xôi hẻo lánh…
CIP là chương trình “đôi bên cùng có lợi” khi người đầu tư có thêm quốc tịch trong khi nước sở tại có thêm nguồn vốn phát triển nhiều lĩnh vực, tăng việc làm cho người dân. Tuy nhiên, năm 2018, tổ chức Minh bạch Quốc tế đã chỉ trích CIP tại Malta, CH Cyprus, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bởi cho rằng chương trình này đã “bán khả năng tự do di chuyển trong khối Schengen cho các nhà đầu tư nước ngoài mà không có nhiều xem xét kỹ lưỡng hoặc thẩm tra”.
Theo TTXVN