Ở tuổi 70, nhưng ông Phan Văn Mật (hay gọi là Tư Mật, ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn tích cực cùng gia đình chăm sóc trang trại cá tra dầu “khủng”, với khoản lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Người nông dân làm giàu từ trang trại cá 'khủng'

Văn Kim Khanh | 16/12/2021, 13:12

Ở tuổi 70, nhưng ông Phan Văn Mật (hay gọi là Tư Mật, ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn tích cực cùng gia đình chăm sóc trang trại cá tra dầu “khủng”, với khoản lãi khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Ông Tư Mật cho biết, gia đình ông trước đây sống bằng nghề trồng lúa. Năm 1990, ông bắt đầu thử nghiệm nuôi cá thịt với một cái ao đào trên 1.000 mét vuông. Do tích cực học hỏi kỹ thuật nuôi cá từ sách báo và cán bộ kỹ thuật nên đàn cá nuôi chóng lớn và đạt hiệu quả cao.

Sau đó, được sự hỗ trợ của Ủy hội sông Mê Kông và Trung tâm khuyến ngư tỉnh Tiền Giang, ông mạnh dạn đào thêm ao rộng 3 công đất ruộng để thực hiện thêm mô hình ương ép các loại cá giống, phục vụ cho nhu cầu nuôi cá của nông dân địa phương.

ca-ho-khung.jpg
Cá hô trang trại ông Tư Mật - Ảnh: VKK

Với bản tính siêng năng, lam lũ trong lao động, chịu học hỏi kỹ thuật nên mô hình nuôi cá thương phẩm của nông dân Phan Văn Mật thành công nối tiếp thành công. Tích lũy được kỹ thuật và nguồn vốn khá, từ năm 2005 ông bàn với gia đình tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá thương phẩm với quy mô lớn. Ngoài 4 công đất của gia đình, ông thuê thêm 8 ha ao ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp để đầu tư nuôi cá nước ngọt.

ca-tra-dau-ong-tu-mat.jpg
Cá tra dầu khủng từ trang trại của ông Tư Mật - Ảnh: VKK

Hiện nay, gia đình ông có 3 trang trại nuôi khoảng 10 chủng loại cá; trong đó có nhiều loại cá dạng “khủng” quý hiếm có trọng lượng đến vài chục kg mà ít có trang trại nào trong khu vực có được như: như cá hô, cá tra dầu, cá vồ đém (cá tra bần), cá hồng vĩ...

Đối với các loại cá “độc lạ” này, gia đình ông đã chịu khó đi sưu tầm các con giống từ các địa phương trong cả nước thậm chí ở nước ngoài. Ngoài ra, ông còn liên kết với 10 nông dân khác trong khu vực để nuôi khoảng 50 ha mặt nước với các loại cá “khủng”.

Ngoài việc bán con giống, nhà ông Tư Mật còn là địa chỉ cung ứng các loại cá thịt “khủng” cho các siêu thị, nhà hàng khắp khu vực phía Nam với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg.

Tính trung bình mỗi năm, trại cá nhà ông đã bán ra thị trường hơn 10 tấn cá các loại cá có trọng lượng lớn; trong đó chủ lực vẫn là cá hô, từ hơn 10 kg đến vài chục kg mỗi con. Từ mô hình sản xuất, kinh doanh thủy sản này, gia đình ông thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm.

“Lúc trước mình làm ruộng thấy vất vả mà thu nhập không khá, sau mới chuyển qua nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ anh em kỹ sư của Trung tâm khuyến ngư tập huấn, chuyển giao nhiều mô hình hay, từ đó mình yêu nghề nuôi cá. Cá nước ngọt rất thích hợp với vùng Tiền Giang, nếu biết và am hiểu kỹ thuật sẽ có hiệu quả rất cao, đầu ra ổn định”, ông Phan Văn Mật chia sẻ.

Gần đây, người con trai của ông là anh Phan Minh Luận đã hỗ trợ cha chăm sóc các trang trại cá. Nhờ “tiếng lành đồn xa”, và thiết lập nhóm thông tin trên mạng xã hội nên nhiều người biết nhiều đến trang trại cá “khủng” này.

Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nhiều mặt hàng nông - thủy sản khác tại tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn về đầu ra, nhưng đối với sản phẩm cá lạ, quý của ông Mật vẫn tiêu thụ bình thường và có nguồn thu nhập cao.

ong-phan-van-mat-nhan-bang-khen.jpg
Ông Phan Văn Mật nhận bằng khen của Nông dân Việt nam Xuất sắc năm 2021 - Ảnh TL

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, mô hình nuôi cá thương phẩm của ông Phan Văn Mật là “có một không hai” hai tại địa phương. Mô hình này rất có triển vọng, có thể giúp nông dân địa phương nhân rộng.

“Mô hình của chú Tư Mật hiện nay phát triển bền vững, ở thời điểm này dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng đầu ra sản phẩm rất ổn định. Đây cũng là mô hình khá đặc biệt của tỉnh khi nuôi cá với diện tích rất rộng, nên rất mong có điều kiện nhân rộng ra, giúp cho nông dân khu vực xung quanh tiếp cận, được giúp đỡ con giống để bà con có thể làm theo, nâng cao thu nhập”, ông Sơn cho biết.

Từ ngày gắn bó với mô hình nuôi cá thương phẩm, cuộc sống gia đình người nông dân này trở lên khấm khá hơn. Tại địa phương ông đã tích cực đóng góp xây dựng nhà tình thương cho nông dân nghèo, xây dựng đường giao thông nông thôn.

Thành công trong sản xuất kinh doanh của ông Phan Văn Mật đã khẳng định câu nói của người xưa: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...”, và với những người có ý chí, vượt khó, chăm lo lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng như người nông dân này.

Với những phấn đấu, nỗ lực của bản thân, thời gian qua, ông Phan Văn Mật đã được UBND tỉnh Tiền Giang tặng 4 bằng khen. Năm 2019, ông vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Mới đây, ông Phan Văn Mật là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu trong cả nước và là nông dân duy nhất của tỉnh Tiền Giang được bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
21 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nông dân làm giàu từ trang trại cá 'khủng'