Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với những thảm họa bất động sản và ảnh hưởng từ những đợt phong tỏa lẻ tẻ do COVID-19. Nay, sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến Trung Quốc đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2022.
Theo CNN, dữ liệu của chính phủ Trung Quốc công bố hôm 15.12 cho thấy những khó khăn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 11.2021.
Giá nhà ở giảm trong tháng thứ ba liên tiếp là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản đang tiếp tục diễn ra sâu sắc hơn. Doanh số bán lẻ cũng gặp khó khăn cho thấy chiến lược Zero COVID-19 (đưa số ca COVID-19 về 0) của chính phủ trong việc phong tỏa các khu vực bùng phát COVID-19 đang gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng những vấn đề này sẽ không biến mất, khi những đợt bùng phát dịch mới buộc các công ty phải đóng cửa nhà máy ở các khu vực sản xuất trọng điểm.
"Đợt bùng phát COVID-19 mới ở tỉnh Chiết Giang một lần nữa gây ra các hạn chế tại địa phương và đóng cửa nhà máy, trong khi những rắc rối trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kìm hãm hoạt động xây dựng bất động sản trong một thời gian", các nhà phân tích từ Capital Economics (hãng cung cấp phân tích, dự báo và tư vấn kinh tế vĩ mô độc lập đa quốc gia) viết trong một lưu ý hôm 15.12.
Họ nói thêm rằng những nỗ lực của chính phủ nhằm nới lỏng các chính sách và giúp đỡ nền kinh tế "sẽ chỉ làm sự suy thoái chậm lại".
Sau khi gây tiếng vang năm 2020 với tư cách là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng kỷ lục, Trung Quốc năm nay đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa để tiếp tục phát triển. Tình trạng thiếu hụt năng lượng gây ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp trong phần lớn thời gian của năm khi Trung Quốc phải vật lộn để cân bằng nhu cầu điện với những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bày tỏ lo ngại về triển vọng tăng trưởng. Tại cuộc họp chính sách quan trọng vào tuần trước, họ thừa nhận rằng nền kinh tế phải đối mặt với ba áp lực là giảm nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu.
Theo Macquarie Capital (công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dự kiến sẽ tăng trưởng 7,8% vào năm 2021. Thế nhưng Larry Hu, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế về Trung Quốc của Macquarie Capital, cảnh báo rằng "xu hướng giảm trên diện rộng sẽ tiếp tục kéo dài sang năm mới".
“Trong khi mục tiêu GDP tăng trưởng 6% vào năm 2021 là kết quả thấp, việc giữ tăng trưởng 5% cho năm tới là nhiệm vụ khó khăn", Larry Hu nhận định.
Mối quan tâm về tăng trưởng
Ngoài số liệu về bất động sản và bán lẻ tăng không khả quan, đầu tư vào tài sản cố định như nhà máy và thiết bị cũng sụt giảm. Chỉ số này chỉ còn tăng 5,2% trong 11 tháng của 2021, so với tăng 6,1% trong 10 tháng năm nay. Sự sụt giảm chủ yếu là do chi tiêu vào bất động sản và cơ sở hạ tầng chậm hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ lên 5%.
Có một điểm sáng là sản lượng công nghiệp trong tháng 11 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với tháng 10.
Thế nhưng, chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu đúng thời điểm có tin tức đáng lo ngại từ tỉnh Chiết Giang, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc. Nhiều nhà máy ở Chiết Giang đã tạm ngừng hoạt động do chính quyền địa phương thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn dịch trở nên tồi tệ hơn sau khi phát hiện hơn 200 ca mắc COVID-19.
Zero COVID-19 và các đợt bùng phát dịch mới
Vẫn còn những câu hỏi về tính hiệu quả của chiến lược Zero COVID-19 liên quan đến việc tích cực phong tỏa các khu dân cư, thành phố và toàn bộ khu vực để đối phó với chỉ 1 hoặc 2 bệnh nhân. Việc phong tỏa trước đó ở các trung tâm kinh tế lớn đã gây ảnh hưởng đến các cảng vận chuyển và làm ngưng trệ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mức độ bùng phát dịch COVID-19 ở tỉnh Chiết Giang sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thế nào vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, thành phố Ninh Ba, nơi có một trong những cảng container lớn nhất thế giới, đã thắt chặt việc nhập cảnh, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Các nhà phân tích tại Capital Economics đã viết trong báo cáo nghiên cứu hôm 15.12: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục là khả năng dễ xảy ra”.
Mối quan tâm về biến thể Omicron cũng tăng lên. Tuần này, Trung Quốc đã ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron: 1 người ở thành phố cảng Thiên Tân phía bắc và 1 trường hợp khác tại tỉnh Quảng Đông phía nam.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh hôm 15.12, các nhà chức trách nhắc đến sự lan rộng toàn cầu của biến thể Omicron, giá hàng hóa tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, gọi "môi trường quốc tế" là thứ gì đó đã trở nên "phức tạp và nghiêm trọng hơn".
“Các đợt bùng phát COVID-19 gần đây tại Trung Quốc cho thấy các hạn chế áp dụng và sự thận trọng của người tiêu dùng ở đây sẽ được duy trì trong tương lai gần", các nhà phân tích của Capital Economics viết.
Áp lực giảm giá bất động sản
Những vấn đề bất động sản vẫn tiếp diễn. Evergrande vỡ nợ vào tuần trước khiến chính quyền Trung Quốc phải can thiệp trong nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ mất trật tự có thể tàn phá nền kinh tế, gây ra rủi ro lớn hơn cho các chủ sở hữu nhà và hệ thống tài chính.
Cơ cấu bất động sản tăng chậm lại do Trung Quốc cố gắng kiềm chế rủi ro nợ và hạn chế khu vực sử dụng đòn bẩy quá cao. Một cuộc đàn áp quy định bắt đầu vào năm ngoái nhằm mục đích kiềm chế việc vay nợ quá mức trong lĩnh vực bất động sản, đã làm giảm tính thanh khoản của lĩnh vực này và đẩy một số công ty yếu kém đến bờ vực sụp đổ.
Cùng với những tai ương gần đây của Evergrande, các nhà phát triển khác cũng đang gặp rắc rối.
Cổ phiếu Shimao Group (có trụ sở ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) đã giảm mạnh tại Hồng Kông tuần này sau khi kế hoạch bán tài sản gây ra lo ngại về sức khỏe tài chính của công ty.
Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, gọi thị trường bất động sản nói chung là "ổn định". Song, ông thừa nhận rằng một số thành phố đang phải đối mặt với áp lực giảm giá bất động sản do sợ mất khách hàng và khó khăn kinh tế.
Ông Fu Linghui nói: “Rủi ro nợ đang tăng lên với một số công ty bất động sản trước đây dựa vào đòn bẩy tài chính cao để mở rộng quy mô một cách mù quáng”.
Chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng can thiệp và cung cấp sự trợ giúp có giới hạn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã tuyên bố sẽ bơm 188 tỉ USD thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, động thái được hiểu là nỗ lực nhằm chống lại đà lao dốc của bất động sản.
Các nhà phân tích kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ chính sách tích cực hơn. "Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến một cuộc chạy đua giữa phục hồi kinh tế và thắt chặt chính sách. Hóa ra là thắt chặt chính sách đã giết chết sự phục hồi. Năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc đua mới giữa suy giảm kinh tế và nới lỏng chính sách", chuyên gia Larry Hu nhận định.
Ông nói thêm: “Trong khi áp lực tăng trưởng đang gia tăng, người ta không muốn đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đạt được sự ổn định”.