Chị Trương Thị Bạch Thuỷ (tỉnh Sóc Trăng) được trao giải đặc biệt với dự án “Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết" tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng miền Nam năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” vào tháng 9.2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức.
Theo dòng thời sự

Người phụ nữ làm vang danh nghề đan đát truyền thống

Văn Kim Khanh - Lương Xuân Cao 07/03/2024 23:04

Chị Trương Thị Bạch Thuỷ (tỉnh Sóc Trăng) được trao giải đặc biệt với dự án “Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết" tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng miền Nam năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” vào tháng 9.2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức.

Từ nhiều năm nay, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như vẽ tranh trên kiếng, nghề làm cốm dẹp và nghề đan đát....

ln-1.jpg
Chị Thuỷ với sản phẩm từ tre - Ảnh: Lương Xuân Cao

Nói về nghề đan đát, chị Trương Thị Bạch Thuỷ, Giám đốc HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết chia sẻ Phú Tân là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, có làng nghề đan đát từ xa xưa, nhiều bà con đã giỏi nghề, nhưng do chủ yếu làm nhỏ lẻ, đặc biệt sản phẩm chưa được sáng tạo, chủ yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày nên chưa thực sự phát triển, thậm chí có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó, chị Thuỷ quyết định thành lập HTX để hướng tới tạo sự liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân với nhau, từ đó từng bước nâng cao giá trị của làng nghề.

“Thành lập HTX thì mọi người chung tay với nhau để cộng hưởng, hợp tác với nhau đôi bên đều có lợi. Tôi được bà con tín nhiệm bầu làm giám đốc HTX kiêm luôn hội đồng quản trị. Khi được bà con tin tưởng, tôi cố gắng làm để đem lại thu nhập ổn định cho bà con và để phát triển nghề này. Nói chung vào HTX thì ai cũng có trách nhiệm, làm sao làm đạt năng suất, không còn giống như làm truyền thống trước đây nữa”, chị Thuỷ nói.

Được biết, chị Thuỷ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống với nghề đan đát ở tỉnh Bạc Liêu … Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, năm 17 tuổi, chị bắt đầu thành lập cơ sở đan đát của riêng mình. Để phát triển, chị luôn tìm hướng đi riêng, sáng tạo của riêng mình.

Nói về quá trình lập nghiệp, chị Thuỷ kể: “Hồi nhỏ một buổi đi học, một buổi tôi đi bán sản phẩm đan đát do cha mẹ làm ra. Lúc trước chủ yếu làm các mặt hàng tiêu dùng, truyền thống như là thúng, rổ, cần - xé… Sau này được tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tôi thấy các tỉnh bạn cũng từ mặt hàng mây tre này nhưng họ làm rất có hiệu quả, vừa giữ được nghề truyền thống, vừa phát triển sản xuất, vừa thúc đẩy du lịch,... Từ đó, tôi suy nghĩ tại sao mình không nâng tầm cây tre, sáng tạo lên như các nơi khác, người ta làm được thì mình cũng phải làm được. Từ cây tre quen thuộc của địa phương, tôi và bà con đã nâng tầm cây tre lên một bước bằng các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được phục vụ cho nhà hàng, điểm du lịch, giá trị kinh tế của cây tre được đưa lên, tạo nguồn thu nhập ổn định, cao hơn cho xã viên. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định mình làm những thứ khách cần, chứ không phải làm những thứ mình có”.

ln-2.jpg
Chị Thuỷ giới thiệu sản phẩm cho khách hàng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, chị Thuỷ đã rất nỗ lực trong sáng tạo ra những sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới, sau đó truyền dạy cho các thành viên. Đặc biệt, chị còn tham gia các lớp tập huấn tài chính tín dụng, lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, lớp ứng dụng công nghệ thông tin... và tham dự các buổi sự kiện kết nối kinh doanh cùng với các chị em phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, HTX trong và ngoài tỉnh, từ đó, giúp chị có nhiều cơ hội để kết nối giao lưu, giới thiệu sản phẩm mây tre của mình.

Nói về sản phẩm đan đát của HTX, chị Thuỷ cho biết thêm: “Hiện tại HTX có trên 700 sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như rổ, rá, thúng, nong, nia, cần xé, ghế nồi, mê bồ, nơm, lồng bàn, nôi, bàn ghế… thì hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được ra đời tương tự nhưng với phiên bản thu nhỏ như lồng (bội) gà, thúng, giỏ cá, đồ đặt cá… dùng để trang trí rất được khách hàng ưa chuộng và hiện có mặt tại thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn làm thêm sản phẩm bằng mây tre phục vụ các homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch.

ln-3.jpg
Một số sản phẩm từ tre của HTX - Ảnh: Lương Xuân Cao

Đối với hàng tiêu dùng thì chúng tôi sử dụng tre trúc miền Nam, bởi yếu tố mềm, đối với xây dựng công trình thì chúng tôi lấy tre từ miền Bắc vì tre cứng hơn. Hiện nay nghề đan đát đã hỗ trợ đào tạo cho người dân địa phương có việc làm ổn định, không phải chịu cảnh tha hương cầu thực trước đây giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định. Đây cũng là nơi để chuyển giao kiến thức cho lớp trẻ, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, hơn 30 xã viên trong HTX và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận thu nhập bình quân hàng tháng từ 4 - 5 triệu đồng.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Thuỷ nói rằng chị đã có làm dự án khôi phục làng nghề và du lịch cộng đồng, để duy trì làng nghề truyền thống, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, kinh tế cho bà con.

Bà Dương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho biết: “HTX Mây tre Thuỷ Tuyết cũng có kế hoạch phối hợp với UBND xã để mở các lớp dạy nghề, mang tính giải quyết việc làm ở địa phương cho số thanh niên trong độ tuổi lao động. Vừa qua HTX cũng đã đào tạo được hàng chục học viên, đây là tín hiệu tích cực khi mà các em đang trong độ tuổi lao động còn ham chơi đã tham gia HTX làm việc và kiếm được thu nhập”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người phụ nữ làm vang danh nghề đan đát truyền thống