Kể từ khi đạo luật 'cấm tuyên truyền đồng tính' được chính quyền Nga thông qua vào năm 2013, cuộc sống của cộng đồng LGBT tại đây đã liên tục vấp phải nhiều khó khăn.
Yulianna Prosvirnina - một nghệ sĩ "drag queen" tại Moscow - đang tổ chức một bữa tiệc dành riêng cho người LGBT thì bị một nhóm trùm đầu can thiệp. "Họ phá đám buổi tiệc và hét to Đứa nào muốn là đứa đầu tiên? ", Prosvirnina kể lại. "Tiếp đó, bàn ghế bị ném lung tung, ly tách vỡ khắp nơi, nhiều cô gái bị đá liên tục vào bụng. Nhiều người vô cùng hoảng sợ và tự tìm chỗ trốn chứ không dám cùng nhau chống trả".
Sự việc này chỉ xảy ra khoảng vài tháng sau khi đạo luật "cấm tuyên truyền đồng tính" được chính quyền Nga thông qua vào tháng 6 năm 2013. Theo đó, các cá nhân hay tổ chức vi phạm sẽ phải đối mặt với nhiều loại án phạt.
Nhiều nhà vận động quyền cho rằng chính đạo luật này đã khiến cho tình trạng kỳ thị và bạo hành người LGBT trở nên nghiêm trọng. Không chỉ vậy, nó còn ngăn cản họ công khai con người thật vì không tìm được nhiều hỗ trợ và lo sợ bị phản đối.
Luật này đến nay chỉ được áp dụng trong vài vụ việc. Yelena Klimova, người sáng lập ra trang mạng cộng đồng dành cho người LGBT trẻ Deti-404, là nạn nhân gần nhất. Cô bị kết án vào tháng 7 vừa qua với mức phạt lên đến 50.000 rup (tương đương 15 triệu đồng) vì chia sẻ những câu chuyện về người LGBT.
Bạo lực tăng cao
Trong khoảng thời gian gần đây, Occupy Paedophilia - một ban "trực tự" - đã trở nên "khét tiếng" vì sử dụng các trang mạng xã hội Nga để liên hệ rồi gài bẫy nhiều người đồng tính. Những nạn nhân này bị tấn công, làm nhục và bị ghi hình lại rồi cho đăng tải lên Internet.
Một nhóm khác thuộc hệ thống Chính thống giáo, tên God s Will lại đi theo hướng nạo vét thông tin cá phân của các cá nhân thành công có xu hướng ủng hộ LGBT nhằm "tố cáo" họ và buộc họ phải bị sa thải.
Tanya Cooper - một người nghiên cứu về Nga của tổ chức Human Rights Watch - cho biết rằng cô lo sợ rằng đạo luật nói trên không những tiếp sức cho việc ghét bỏ người LGBT mà còn hợp pháp hóa các hành động bạo lực và kỳ thị từ công chúng. Cô cho biết có nhiều trường hợp, các nạn nhân đến báo cảnh sát nhưng đã không được trợ giúp mà còn bị mỉa mai bởi các quan chức chính quyền. Với họ, những tội ác với người LGBT không phải là điều quan trọng.
"Trước đây, người LGBT không hề bị tấn công công khai giữa ban ngày. Vậy mà bây giờ thậm chí bước ra đường hay nói chuyện trực tuyến, họ cũng đều sợ sệt", Cooper nói. "Chính phủ đã mô tả cộng đồng LGBT như một mối nguy hại với trẻ em, còn những nhóm như Occupy Paedophilia lại đánh đồng đồng tính với xâm hại tình dục trẻ em… những điều này sẽ mang đến thông điệp gì cho người LGBT trẻ của Nga?"
Gánh nặng của người trẻ
Các nhà vận động quyền lo ngại luật cấm sẽ khiến nhiều người LGBT trẻ cảm thấy bị cô lập và bỏ quên giữa một đất nước vốn có tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử cao gấp 3 lần mức trung bình của toàn cầu.
Với người LGBT trẻ sống cùng HIV, họ phải đối mặt với sự kỳ thị chất chồng bởi cả xu hướng tính dục lẫn tình trạng sức khỏe của mình. Yevgeny Pisemsky, người sáng lập ra Phoenix Plus, một tổ chức phi chính phủ dành cho người đồng tính nam nhiễm HIV kể về việc một cậu bé 17 tuổi nhiễm HIV. Mẹ của cậu đã nói bà "nên bỏ cậu" ngay khi cậu chưa ra đời.
"Cậu đã gặp một cố vấn trong hai tháng, người này đã giúp mẹ con cậu hiểu ra rằng cuộc sống vẫn chưa chấm dứt… nhưng giờ cậu đã là người trưởng thành, cậu sẽ không còn được nhận sự giúp đỡ tương tự dưới luật cấm tuyên truyền đồng tính như hiện nay", anh nói.
Mặc dù luật này đã làm dấy lên tình trạng bạo lực và ảnh hưởng không ít đến cộng đồng LGBT Nga, nhưng mặt tích cực, nó cũng nối kết các nhà vận động quyền, các tổ chức nhân quyền lại với nhau.
Anastasia Smirnova, nhân viên quy chế của mạng lưới LGBT ILGA-Europe nói: "Hiện tính đoàn kết trong quyền xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết… và quyền LGBT đang ở vị trí tiên phong trong cuộc đấu tranh nhân quyền. Ai biết được điều này sẽ có thể mang đến sự thay đổi nào chứ?".
Toàn Tăng (Theo The Moscow Time)