Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Alzheimer’s and Dementia cho biết những người trung niên có chỉ số Khối cơ thể (BMI) cao cũng sẽ có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao.
Đã có hơn 1,3 triệu người trưởng thành ở châu Âu, Mỹ và châu Á tham gia làm đối tượng nghiên cứu, trong đó có 6.894 người được ghi nhận có bệnh sa sút trí tuệ đang trong giai đoạn phát triển. Kết luận nghiên cứu được rút ra là những người mắc bệnh sa sút trí tuệ có BMI cao hơn khi ở tuổi trung niên và BMI thấp hơn khi về già.
Theo hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), chỉ số Khối cơ thể (BMI) là chỉ số được tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng của một người. Ngưỡng BMI khỏe mạnh là 18,5 - 24,9
Người thừa cân có BMI trong khoảng 25,5 - 29,9. BMI từ 30 trở lên là bị béo phì.
Nghiên cứu quy tụ những nhà khoa học từ đại học Luân Đôn (UCL), đại học Edinburgh, đại học Bristol và nhiều viện nghiên cứu của Thụy Điển, Anh và Phần Lan.
Theo bà Rosa Sancho, tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Alzheimer Anh: “Nghiên cứu quy mô lớn này đã chỉ ra mối quan hệ giữa chỉ số BMI cao với nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ vào giai đoạn trung niên. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải giữ một cân nặng khỏe mạnh để giúp hỗ trợ cho một bộ não khỏe mạnh”.
Cũng theo bà, chuyện BMI giảm khi về già là hậu quả của giai đoạn đầu bệnh sa sút trí tuệ, chứ không phải là yếu tố làm giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ ở những người thừa cân.
Bà Sancho cho hay: “Chúng ta biết rằng những bệnh như chứng sa sút trí tuệ xảy ra trong nhiều năm trước khi bắt đầu có các triệu chứng rõ ràng, do đó lối sống của chúng ta ở tuổi trung niên có thể có tác động đặc biệt mạnh đến sức khỏe não khi về già”.
“Tuy BMI rất thô sơ và không nhất thiết là một chỉ số tốt để đại diện cho sức khỏe tổng quát, nhưng hạn chế lượng mỡ thừa rất quan trọng để có cơ thể và bộ não mạnh khỏe”, theo bà Sancho.
Cẩm Bình (theo Shropshire Star)